Chính sách bảo hộ có thể làm gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu
Nguồn cung lương thực toàn cầu đang bị đe dọa sau khi cuộc xung đột ở Ukraine làm tê liệt các tuyến đường cung cấp quan trọng ở Biển Đen và việc áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay đối với Nga đã buộc nhiều nước phải thực hiện chính sách bảo hộ lương thực.
Cuộc xung đột này đã khiến giá cả của các mặt hàng thiết yếu, bao gồm năng lượng và kim loại, tăng vọt với nguy cơ thị trường sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng khi mà chiến tranh cứ tiếp diễn.
Vì giá của các mặt hàng lương thực chủ đạo tiếp tục tăng, nên các chính phủ đang bắt đầu thực hiện các bước để bảo vệ nguồn cung cấp trong nước và giữ lạm phát ở mức thấp.
Giá lúa mì đã tăng vọt kể từ đầu năm và trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Ukraine và Nga lần lượt là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 3 và thứ 8 trên thế giới, và chiếm gần một 1/3 lượng xuất cảng lúa mì và lúa mạch của thế giới.
Với việc các cảng của Ukraine không còn hoạt động và các thương nhân đang né tránh Nga do các lệnh trừng phạt tài chính, việc tìm nguồn hàng ngũ cốc trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
FAO cho rằng điều quan trọng là thị trường lương thực toàn cầu vẫn mở và không bị cấm.
Ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng Giám đốc của FAO cho biết: “Trước khi ban hành bất kỳ dự luật nào để bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, các chính phủ phải xem xét các tác động tiềm tàng của những biện pháp đó đối với thị trường quốc tế.”
Ông nói: “Giảm thuế nhập cảng hoặc sử dụng các hạn chế xuất cảng có thể giúp giải quyết các thách thức về an ninh lương thực của từng quốc gia trong ngắn hạn, nhưng chúng sẽ đẩy giá trên thị trường toàn cầu.”
Các biện pháp bảo hộ lương thực đã được áp dụng từ năm 2020, khi đại dịch gây ra một xu hướng lịch sử là thiếu hụt nguồn cung ứng và giá cả leo thang, mà cuộc xâm lược Ukraine này lại [làm cho tình hình] ngày càng trầm trọng hơn.
Chính phủ Nga đã ban hành một lệnh cấm tạm thời trong tuần này đối với hoạt động xuất cảng ngũ cốc sang các nước láng giềng của họ là Armenia, Belarus, Kazakhstan, và Kyrgyzstan.
Moldova, Hungary, và Serbia cũng đã công bố lệnh cấm xuất cảng một số ngũ cốc, trong khi Indonesia và Malaysia, một trong những nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất, đang thắt chặt kiểm soát đối với các lô hàng dầu cọ do các vấn đề sản xuất liên quan đến lao động.
Hôm 11/03, Ai Cập ra thông báo cấm xuất cảng các mặt hàng chủ lực bao gồm bột mì, đậu lăng, lúa mì, và mì ống trong ba tháng, trong khi đó Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chuyển sang tăng cường kiểm soát các sản phẩm địa phương của họ.
Nhiều quốc gia ở Phi Châu, Á Châu, và Trung Đông đang rất nhạy cảm với tình trạng thiếu lương thực kéo dài.
Khoảng 70% nguồn cung lúa mì của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga và Ukraine, trong khi 90% nhập cảng lúa mì và dầu ăn của Lebanon đến từ Nga.
Các quốc gia nghèo hơn ở các khu vực như ở Phi Châu dựa vào nguồn cung cấp từ ngoại quốc để trợ cấp bánh mì cho dân số ngày càng tăng của họ.
Ukraine là nhà xuất cảng trọng yếu cho khu vực Á Châu, trong khi Nga cung cấp phần lớn lượng lúa mì tiêu thụ cho Phi Châu.
Các nước Phi Châu đã nhập cảng các sản phẩm nông nghiệp trị giá 4 tỷ USD từ Nga trong năm 2020.
Nigeria đang thực hiện các biện pháp để giảm sự phụ thuộc vào Nga, nhưng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm đang lan rộng hơn về phía đông.
Ukraine là nguồn cung cấp lúa mì lớn thứ hai cho các nước Á Châu như Indonesia vào năm 2021.
Ukraine sở hữu đất đai màu mỡ phì nhiêu. Đất nước này trong lịch sử đã được mô tả là “dạ dày của Âu Châu”, với khả năng cung cấp lương thực cho nửa tỷ người của nước này.
Khoảng 32 triệu ha đất được canh tác hàng năm tại quốc gia này và cây trồng chiếm phần lớn hàng xuất cảng quốc gia của Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng các nước phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lúa mì sớm nhất là vào tháng Bảy.
Nếu giá lương thực kỷ lục tiếp tục tăng với tốc độ này, có một nguy cơ thực sự đó là mọi người sẽ thiếu ăn.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Nga tạo ra gần 40% tổng kim ngạch xuất cảng hạt hướng dương, hạt kham (hoa rum) hoặc hạt cây bông và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất cảng lúa mì và meslin trên thế giới.
Mặt khác, Ukraine sản xuất 18% hạt hướng dương, hạt kham, và dầu hạt bông; 8% lúa mì và meslin, 12% lúa mạch; và 13% lượng ngô cho thế giới.
Nga, nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, đang đe dọa ngừng xuất cảng các chất dinh dưỡng, điều này có thể đẩy chi phí của nông dân trên toàn thế giới tăng cao hơn nữa.
Amoni nitrat, urea, và kali là những chất dinh dưỡng quan trọng đối với các loại cây lương thực chính như ngô và đậu tương.
Khí thiên nhiên, vốn là chìa khóa để sản xuất phân bón từ nitơ, đã tăng giá do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Belarus cũng đã làm gián đoạn nguồn cung cấp kali chính từ đó, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Đồng thời, ở phương Tây, khi mà cuộc xung đột đang diễn ra ở Đông Âu khiến chi phí thức ăn chăn nuôi và phân bón cao hơn, thì giá sữa, thịt, và xuất cảng lúa mì của Hoa Kỳ và Canada đã bị đẩy lên.
Đợt tăng giá mới nhất này xảy ra vào thời điểm hạn hán ở Nam Mỹ đã làm giảm nguồn cung đậu nành, điều này đang làm giảm nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi toàn cầu.
Giao dịch kỳ hạn của lúa mì Hoa Kỳ tăng trong tháng Ba sau khi giảm mạnh trong hai phiên trước đó khi các nhà giao dịch đánh giá diễn biến mới nhất ở Ukraine, vốn vẫn còn biến động.
Các nhà kinh doanh ngũ cốc đang xem xét nhu cầu trực tiếp đối với các nhà cung cấp khác bao gồm Liên minh Âu Châu, Canada, và Hoa Kỳ.
Thời gian cũng không còn nhiều cho vụ gieo hạt mùa xuân của Ukraine, thời gian định kỳ cho hoạt động này diễn ra vào 10 ngày đầu tiên của tháng Ba.
Các nhà phân tích cho rằng sự kéo dài của cuộc xung đột này có thể quyết định giá lương thực sẽ tăng đến đâu, vì việc trồng trọt ở Ukraine cần được hoàn tất vào tuần cuối cùng của tháng Tư.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: