Chính quyền Trung Quốc phát triển mạnh chương trình lao động quần chúng ở Tây Tạng
Gần đây, Trung Quốc đang đẩy ngày càng nhiều lao động nông thôn Tây Tạng ra khỏi địa phương và đến các trung tâm đào tạo được xây dựng theo kiểu quân đội, nơi họ bị biến thành công nhân nhà máy, giống như một chương trình diễn ra ở phía tây Tân Cương mà các nhóm nhân quyền gắn mác là lao động cưỡng bức.
Theo hơn một trăm báo cáo từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc, các văn bản chính sách từ các cơ quan chính phủ ở Tây Tạng, các yêu cầu cung ứng được công bố từ năm 2016 – 2020 và theo như Reuters đánh giá, Bắc Kinh đã đặt ra chỉ tiêu cho việc di chuyển hàng loạt lao động nông thôn trong Tây Tạng và các vùng khác của Trung Quốc.
Vào tháng trước, một thông báo đăng trên trang web của chính quyền khu vực Tây Tạng cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2020, hơn nửa triệu người đã được đào tạo, chiếm khoảng 15% dân số của khu vực. Trong tổng số này, gần 50.000 người đã được chuyển sang làm việc ở Tây Tạng, và vài nghìn người đã được gửi đến các vùng khác của Trung Quốc. Nhiều người cuối cùng phải nhận những công việc được trả lương thấp, bao gồm sản xuất dệt may, xây dựng và nông nghiệp.
Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu độc lập về Tây Tạng và Tân Cương, người đã biên soạn những phát hiện cốt lõi về chương trình cho biết: “Theo ý kiến của tôi, đây là cuộc tấn công mạnh nhất, rõ ràng nhất và có mục tiêu vào sinh kế truyền thống của người Tây Tạng mà chúng ta hầu hết đã thấy kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa” từ năm 1966 đến 1976. Những điều này đã được trình bày chi tiết trong một báo cáo được công bố trong tuần 22/9 bởi Viện Jamestown Foundation, một viện có trụ sở tại Washington, D.C., tập trung vào các vấn đề chính sách có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ.
Reuters đã chứng thực những phát hiện của Zenz và tìm thấy các tài liệu chính sách bổ sung, báo cáo của công ty, hồ sơ mua sắm và các báo cáo truyền thông nhà nước mô tả chương trình.
Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mạnh mẽ phủ nhận sự liên quan đến lao động cưỡng bức và cho biết Trung Quốc là một quốc gia có pháp quyền và người lao động là tự nguyện và được bồi thường thích đáng.
Tuyên bố cho biết: “Cái mà những người có mục đích kín đáo này gọi là ‘lao động cưỡng bức’ đơn giản là không tồn tại. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ phân biệt đúng sai, tôn trọng sự thật và không bị lừa bởi những lời nói dối”.
Chuyển lao động dư thừa ở nông thôn sang ngành công nghiệp là một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc. Nhưng ở những khu vực như Tân Cương và Tây Tạng, nơi có lượng lớn người dân tộc và lịch sử bất ổn, các nhóm nhân quyền nói rằng các chương trình đã chú trọng quá mức vào đào tạo ý thức hệ, cộng thêm chỉ tiêu của chính phủ và quản lý theo kiểu quân đội, cho thấy việc chuyển giao có các yếu tố cưỡng chế.
Vào năm 1950, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Tây Tạng sau khi quân đội nước này tiến vào khu vực, trong điều mà Bắc Kinh gọi là “giải phóng hòa bình”. Kể từ đó, Tây Tạng đã trở thành một trong những khu vực bị hạn chế và nhạy cảm nhất Trung Quốc.
Kế hoạch áp cho Tây Tạng đang mở rộng khi áp lực quốc tế ngày càng gia tăng đối với các dự án tương tự ở Tân Cương, với một số trong đó có liên quan đến các trung tâm giam giữ hàng loạt. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng một triệu người ở Tân Cương, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, đã bị giam giữ trong các trại và bị giáo dục tư tưởng. Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại, nhưng sau đó nói rằng chúng là các trung tâm dạy nghề và giáo dục, và tất cả mọi người đều đã “tốt nghiệp”.
Reuters không thể xác minh tình trạng của những người lao động Tây Tạng bị chuyển đi. Các nhà báo nước ngoài không được phép vào khu vực này và các công dân nước ngoài khác chỉ được phép tham gia các chuyến tham quan do chính phủ phê duyệt.
Trong những năm gần đây, Tân Cương và Tây Tạng là mục tiêu của các chính sách khắc nghiệt nhằm theo đuổi cái mà chính quyền Trung Quốc gọi là “duy trì ổn định”. Các chính sách này đại thể nhằm mục đích dập tắt bất đồng quan điểm, bất ổn hoặc chủ nghĩa ly khai và bao gồm việc hạn chế việc đi lại của công dân dân tộc thiểu số đến các khu vực khác của Trung Quốc và nước ngoài, đồng thời thắt chặt kiểm soát các hoạt động tôn giáo.
Vào tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, chính quyền Trung Quốc sẽ một lần nữa tăng cường các nỗ lực chống lại chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng, nơi mà theo dữ liệu điều tra dân số, người dân tộc Tây Tạng chiếm khoảng 90% dân số. Các nhà phê bình, mà dẫn đầu bởi nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc thực hiện “cuộc diệt chủng văn hóa” trong khu vực. Đức Đạt Lai Lạt Ma, 85 tuổi, người đoạt giải Nobel đã sống ở Dharamsala, Ấn Độ kể từ khi ông rời Trung Quốc vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại chính quyền Trung Quốc.
Loại trừ ‘kẻ lười biếng’
Mặc dù, trong quá khứ, đã có một số bằng chứng về việc huấn luyện theo kiểu quân đội và di chuyển lao động ở Tây Tạng, nhưng chương trình mở rộng mới này là chương trình đầu tiên trên quy mô đại chúng và là chương trình đầu tiên công khai đặt chỉ tiêu cho việc di chuyển lao động ra ngoài khu vực.
Một yếu tố quan trọng, được mô tả trong nhiều tài liệu chính sách khu vực, liên quan đến việc cử cán bộ đến các làng xã và thị trấn để thu thập dữ liệu về lao động nông thôn và tiến hành các hoạt động giáo dục nhằm xây dựng lòng trung thành.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mô tả một hoạt động như vậy ở những ngôi làng gần thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Theo báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước, các quan chức đã thực hiện hơn một nghìn buổi giáo dục chống chủ nghĩa ly khai, “để nhân dân các dân tộc cảm nhận được sự quan tâm và chăm lo của Ủy ban Trung ương Đảng”.
Báo cáo cho biết các buổi học bao gồm các bài hát, điệu múa và các bản phác họa bằng “ngôn ngữ dễ hiểu”. Công việc “giáo dục” như vậy đã diễn ra trước khi triển khai các đợt di chuyển lao động rộng rãi hơn trong năm nay.
Mô hình này tương tự như Tân Cương và các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ chính giữa Tân Cương và Tây Tạng là ông Trần Toàn Quốc, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Tây Tạng, người đã đảm nhiệm chức vụ tương tự ở Tân Cương vào năm 2016 đồng thời là người dẫn đầu sự phát triển của hệ thống trại ở Tân Cương. Tuy nhiên, chính quyền Tân Cương, nơi ông Trần đang làm Bí thư, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Allen Carlson, Phó Giáo sư tại Ban Chính phủ của Đại học Cornell cho biết, “Ở Tây Tạng, ông ta thực hiện ở cấp độ thấp hơn một chút, không mấy chú tâm như phiên bản đã thực hiện ở Tân Cương”.
Theo số liệu năm 2018 từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khoảng 70% dân số Tây Tạng được phân loại là nông thôn. Điều này bao gồm một tỷ lệ lớn nông dân tự cung tự cấp, đặt ra thách thức cho chương trình xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã cam kết xóa đói giảm nghèo ở nông thôn vào cuối năm 2020.
Một kế hoạch thực hiện do Phòng Nhân sự và An sinh Xã hội của Tây Tạng đưa ra vào tháng Bảy cho biết, “Để đối phó với áp lực kinh tế ngày càng đi xuống đối với thu nhập việc làm của lao động nông thôn, chúng tôi hiện sẽ tăng cường đào tạo kỹ năng chính xác… và thực hiện chuyển dịch việc làm có tổ chức và quy mô lớn giữa các tỉnh, khu vực và thành phố”. Kế hoạch bao gồm các chỉ tiêu năm 2020 cho chương trình trong các lĩnh vực khác nhau.
Một số văn bản chính sách và các báo cáo truyền thông nhà nước được Reuters xem xét có đề cập đến các hình phạt không cụ thể đối với các quan chức không đáp ứng chỉ tiêu của họ. Một kế hoạch thực hiện cấp tỉnh đã kêu gọi “các biện pháp thưởng phạt nghiêm minh” đối với các quan chức.
Theo thông báo khu vực và cấp tỉnh, ví như ở Tân Cương, các tư nhân trung gian, chẳng hạn như các đại lý và công ty, tổ chức chuyển lao động có thể nhận được trợ cấp 500 nhân dân tệ (74 đô la) cho mỗi lao động chuyển ra khỏi khu vực và 300 nhân dân tệ (44 đô la) cho những lao động ở trong Tây Tạng.
Các quan chức trước đây đã nói rằng các chương trình chuyển giao lao động ở các khu vực khác của Trung Quốc là tự nguyện và nhiều văn bản của chính phủ Tây Tạng cũng đề cập đến các cơ chế đảm bảo quyền của người lao động, nhưng họ không cung cấp chi tiết. Các nhà vận động, các nhóm nhân quyền và các nhà nghiên cứu nói rằng người lao động không có khả năng từ chối vị trí làm việc, mặc dù họ thừa nhận rằng có thể có một số người tự nguyện.
Matteo Mecacci, chủ tịch của nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ mang tên Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng cho biết: “Gần đây, những thông báo cho các chương trình này đã phát triển đột ngột và nguy hiểm, bao gồm cả ‘cải tạo tư tưởng’ với sự sắp xếp của chính phủ và thể hiện một sự leo thang nguy hiểm”.
Các văn bản của chính phủ mà Reuters xem xét đều nhấn mạnh vào giáo dục tư tưởng để điều chỉnh “những quan niệm suy nghĩ” của người lao động. Zenz, nhà nghiên cứu Tây Tạng-Tân Cương có trụ sở tại Minnesota cho biết: “Có một sự khẳng định rằng người dân tộc thiểu số thì có tính kỷ luật thấp, rằng tâm trí của họ phải được thay đổi, rằng họ phải bị thuyết phục để tham gia”.
Vào tháng 12 năm 2018, một văn bản chính sách, được đăng trên trang web của chính quyền thành phố Nagqu ở phía đông của Tây Tạng, tiết lộ các mục tiêu ban đầu cho kế hoạch và làm rõ cách tiếp cận. Văn bản mô tả cách các quan chức đến thăm các làng để thu thập dữ liệu về 57.800 lao động. Văn bản cho biết, mục đích của họ là giải quyết các thái độ “không thể làm, không muốn làm và không dám làm” đối với công việc. Văn bản yêu cầu nhưng không nói rõ các biện pháp để “loại bỏ hiệu quả ‘những kẻ lười biếng'”.
Một báo cáo được công bố vào tháng Giêng bởi chi nhánh Tây Tạng của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tư vấn cấp cao cho chính phủ, đã mô tả các cuộc thảo luận nội bộ về các chiến lược để giải quyết “tình trạng nghèo tinh thần” của lao động nông thôn, bao gồm cử các nhóm cán bộ đến các làng thực hiện giáo dục và “hướng dẫn quần chúng tạo dựng cuộc sống hạnh phúc với bàn tay chăm chỉ của họ”.
Diễn tập và mặc đồng phục quân sự
Theo nhiều văn bản chính sách cấp khu vực và cấp huyện của Tây Tạng mô tả chương trình vào cuối năm 2019 và năm 2020, những người lao động nông thôn được chuyển đến các trung tâm đào tạo nghề sẽ được giáo dục tư tưởng — cái mà Trung Quốc gọi là huấn luyện theo “kiểu quân đội”. Khóa huấn luyện nhấn mạnh kỷ luật nghiêm ngặt và những người tham gia được yêu cầu thực hiện các cuộc diễn tập quân sự và mặc đồng phục.
Không rõ tỷ lệ người tham gia chương trình chuyển giao lao động được đào tạo theo kiểu quân đội như vậy là bao nhiêu. Nhưng các văn bản chính sách từ Ngari, Xigatze và Shannan, ba huyện chiếm khoảng một phần ba dân số Tây Tạng, kêu gọi “thúc đẩy mạnh mẽ việc huấn luyện kiểu quân đội”. Các thông báo chính sách trên toàn khu vực cũng đề cập đến phương pháp huấn luyện này.
Trong hơn một thập kỷ, các phiên bản quy mô nhỏ của các sáng kiến huấn luyện kiểu quân sự tương tự đã tồn tại trong khu vực, nhưng việc xây dựng các cơ sở mới đã tăng mạnh vào năm 2016 và các văn bản chính sách gần đây kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào các địa điểm như vậy. Việc xem xét hình ảnh vệ tinh và tài liệu liên quan đến hơn một chục cơ sở ở các huyện khác nhau ở Tây Tạng cho thấy một số cơ sở được xây dựng gần hoặc trong các trung tâm dạy nghề hiện có.
Các văn bản chính sách cũng mô tả một chương trình giảng dạy kết hợp giáo dục kỹ năng, giáo dục pháp luật và “giáo dục lòng biết ơn”, được thiết kế để tăng cường lòng trung thành với đảng.
James Leibold, giáo sư tại Đại học La Trobe của Úc, chuyên về Tây Tạng và Tân Cương, cho biết có các cấp độ khác nhau về huấn luyện kiểu quân đội. Một số thì ít hạn chế hơn, nhưng tất cả đều tập trung vào sự tuân lệnh.
“Người Tây Tạng bị coi là lười biếng, lạc hậu, chậm chạp hoặc bẩn thỉu, và vì vậy những gì chính phủ muốn làm là khiến họ bước đi theo cùng một nhịp… Đó là một phần quan trọng của kiểu giáo dục kiểu quân đội này”.
Tại huyện Chamdo ở phía đông Tây Tạng, nơi xuất hiện một số chương trình huấn luyện kiểu quân sự sớm nhất, các hình ảnh trên phương tiện truyền thông nhà nước từ năm 2016 cho thấy những người lao động đang xếp hàng trong đội hình diễn tập trong các cuộc tập trận mệt mỏi. Trong những hình ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải vào tháng 7 năm nay, các nữ quân nhân trong trang phục quân đội được nhìn thấy đang được đào tạo tại một cơ sở dạy nghề ở cùng huyện. Các hình ảnh được đăng trực tuyến từ “Trường dạy nghề nắng vàng Chamdo” cho thấy các dãy nhà trọ cơ bản giống nhà kho màu trắng với mái nhà màu xanh lam. Trong một hình ảnh, các biểu ngữ treo trên tường phía sau một hàng sinh viên tốt nghiệp cho biết dự án chuyển giao lao động được giám sát bởi Phòng Nhân sự và An sinh xã hội địa phương.
Các kỹ năng nghề mà học viên học được bao gồm dệt may, xây dựng, nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ dân tộc. Một trung tâm dạy nghề mô tả các vấn đề cần đào tạo bao gồm “tiếng phổ thông, đào tạo pháp luật và giáo dục chính trị”. Một văn bản chính sách khu vực riêng biệt cho biết mục tiêu là khiến chính phủ “dần dần nhận thấy rõ sự biến đổi từ ‘Tôi phải làm việc’ sang ‘Tôi muốn làm việc’”.