Chính quyền Trung Quốc buộc hệ thống ngân hàng và nhà đầu tư phải hy sinh 212 tỷ đô la
Chính phủ Trung Quốc yêu cầu hệ thống ngân hàng trong nước hy sinh 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (212 tỷ USD) để cùng chung tay gánh vác khó khăn và thúc đẩy nền kinh tế đang tuột dốc.
Để cứu vãn sự sụp đổ của nền kinh tế đang lao dốc ở mức độ tồi tệ nhất trong 40 năm qua do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng từ bỏ khoản lợi nhuận lên tới 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Đây là một yêu cầu chưa từng có tiền lệ, gây sốc và cho thấy rằng, nền kinh tế của Trung Quốc, dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), về cơ bản vẫn là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vận hành theo chỉ thị của Đảng.
Yêu cầu này của ĐCSTQ bộc lộ nhiều điều trên các lĩnh vực. Thứ nhất, Bắc Kinh đang vượt ra khỏi các chính sách tiền tệ truyền thống để thúc đẩy nền kinh tế. Thứ hai, các ngân hàng sẽ chịu thiệt hại về tài chính vì chính phủ trung ương đang siết chặt lợi nhuận của họ trong giai đoạn lợi nhuận của họ đang về không trong bối cảnh có rất nhiều người vay có thể bị vỡ nợ.
Thứ ba và quan trọng nhất là yêu cầu này chính là một tin tồi tệ đối với các cổ đông, bao gồm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông này có rất ít quyền hạn trong hoạt động của các công ty mà họ tin rằng đang sở hữu vốn; và các công ty này có thể, không thông báo, trở thành các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ ĐCSTQ. Đây không phải là những gì các cổ đông ký kết khi mua cổ phiếu của các ngân hàng.
Ngân hàng bị buộc từ bỏ lợi nhuận
Giữa tháng Sáu, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, cắt giảm phí dịch vụ và các loại phí khác, gia hạn thanh toán nợ cho các khoản vay hiện tại và cho phép các doanh nghiệp nhỏ vay vốn mà không cần thế chấp tài sản công ty, một hình thức miễn trách nhiệm cho người vay.
Xét từ góc độ kinh tế, yêu cầu này tương tự như một kích thích về mặt chính sách trong khi chính phủ không hy sinh ngân sách nhà nước, mà lại chuyển tổn thất này sang các tổ chức tài chính trong nước và cuối cùng là các nhà đầu tư “thấp cổ bé họng”.
Mô hình kinh doanh của ngân hàng là thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất. Các ngân hàng cho vay hoặc đầu tư với lãi suất cao hơn lãi suất phải trả cho người gửi tiền hoặc chủ nợ. Khi các ngân hàng bị buộc cho vay với lãi suất thấp hơn, thì doanh thu bị giảm nhưng chi phí vốn lại không giảm.
Trong khi đó, trước thời điểm Bắc Kinh yêu cầu họ hy sinh lợi nhuận, các ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có..
Thực tế là nhiều người vay hiện không có khả năng thanh toán nợ, và mức độ nợ xấu gia tăng. S&P Global ước tính tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc là khoảng 2,2% vào năm 2020, tăng nhẹ so với mức 1,74% vào năm 2019. S&P Global cũng ước tính rằng tài sản phát mãi của ngành sẽ tăng lên 7,25% vào năm 2020, tăng 2% so với năm 2019.
Theo Bloomberg, UBS ước tính rằng nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 4,8% hàng năm từ nay cho đến năm 2021, thì lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể giảm 39%.
Coi thường cổ đông
Kể từ ngày 16/6, cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc đã giảm trên các sàn giao dịch tại Trung Quốc Đại lục và Hong Kong.
Việc Bắc Kinh buộc các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận, về cơ bản, là ép buộc các chủ sở hữu ngân hàng phải chịu tổn thất theo lệnh của ĐCSTQ. Hành vi này vi phạm các giao thức quản trị doanh nghiệp. Đây chính là lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư nước ngoài rằng các công ty Trung Quốc không thích hợp để đầu tư.
Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Trung Quốc của Hoa Kỳ (USCC) đã ban hành một báo cáo vào ngày 27/5, trong đó cảnh báo các nhà quản lý tài chính Hoa Kỳ rằng các ngân hàng Trung Quốc đã và đang là mối đe dọa có tính hệ thống và ngày càng đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ [bao gồm cả người nhận trợ cấp, hưu trí] sở hữu cổ phiếu Trung Quốc, kể các cổ phiếu của các tổ chức tài chính Trung Quốc.
Báo cáo cho biết: “Họ [các tổ chức tài chính Trung Quốc] vẫn được nhà nước ủng hộ. ĐCSTQ tự cho phép can thiệp không thương tiếc vào hệ thống ngân hàng để đạt được mục tiêu của mình”.
Các công ty Trung Quốc, bao gồm nhiều ngân hàng của Trung Quốc, là một phần của các thị trường mới nổi và thị trường toàn cầu MSCI và FTSE Russell. Trái phiếu nội địa Trung Quốc cũng chiếm một phần trong Chỉ số Tổng hợp Toàn cầu của Bloomberg Barclays. Và nhiều quỹ đầu tư phổ biến ở Hoa Kỳ bị bắt buộc dựa vào các chỉ số để mua chứng khoán do các công ty Trung Quốc phát hành.
Nguyễn Minh