Chính quyền Trung Cộng nỗ lực che đậy chiến lược thất bại về tranh chấp biên giới Trung-Ấn
Bộ Quốc phòng Trung Cộng đã thông báo hôm 10/02 về việc rút quân khỏi biên giới Trung-Ấn. Ngày hôm sau (11/02), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng đã xác nhận việc rút quân này. Điều này nên được xem là một tin tốt vì quyết định này của Trung Cộng làm giảm nguy cơ xung đột quân sự và duy trì hòa bình trong khu vực.
Tuy nhiên, hôm 19/02, các phương tiện truyền thông quốc doanh của Trung Quốc bất ngờ tung ra một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn liên quan đến xung đột biên giới Trung-Ấn. Một mặt, trách nhiệm về cuộc xung đột này được đẩy hoàn toàn cho phía Ấn Độ, và mặt khác, chế độ Trung Cộng đã tán dương thắng lợi này và kích động cái gọi là lòng yêu nước.
Tuyên truyền của Trung Cộng: Trung Quốc là bên chiến thắng
Hôm 19/02, các hãng thông tấn của Trung Cộng đã hoạt động rầm rộ. Chương trình thời sự của CCTV đã phát sóng đoạn băng ghi lại cảnh binh lính hai bên giao tranh tại Thung lũng Galwan ở Ladakh hồi tháng 6 năm ngoái (2020). Quân đội của Trung Cộng, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đã phát hành một bài báo, có tựa đề “Những anh hùng đứng sừng sững trên dãy núi Karakoram,” được các kênh truyền thông lớn của Trung Quốc đăng tải lại. Tiếp sau đó là một bài bình luận trên kênh thông tấn chính thức của PLA, có tiêu đề “Hát bản Anh hùng ca và Phấn đấu Giành Thắng lợi trong cuộc Chiến này.”
Cùng lúc đó, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã phát hành một loạt bài viết để cổ vũ chủ nghĩa dân tộc.
Những bài báo tuyên truyền này mô tả rằng hành động gây hấn đơn phương của Ấn Độ đã dẫn đến xung đột biên giới Trung-Ấn, và lực lượng PLA anh hùng đã giành chiến thắng với ít quân hơn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tham gia vào làn sóng tuyên truyền này. Tại một cuộc họp báo hôm 19/02, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh đã đưa ra một tuyên bố gây chú ý: “Tổ quốc sẽ không quên họ [những người lính], và nhân dân sẽ ghi ơn họ trong tim mình,” Tân Hoa Xã đưa tin. Cách tuyên truyền quen thuộc này luôn được sử dụng trong tất cả các cuộc xung đột quân sự trước đây với nước ngoài. Về mặt chính trị, thì đó luôn là một chiến thắng, một anh hùng được công nhận, và trên hết, đó là vinh quang vĩ đại của ban lãnh đạo Trung Cộng.
Cùng ngày, Tân Hoa Xã đã xuất bản một bài báo, nêu rõ, “Ông Tập Cận Bình đã trả lời các binh sỹ trăm tuổi của Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử Tân Tứ Quân ở Thượng Hải và kể về câu chuyện của Đảng, về truyền thống vẻ vang và phong cách cao đẹp; đồng thời nhắc nhở đa số Đảng viên không được quên ý định ban đầu của mình, ghi nhớ sứ mệnh của mình, và dũng cảm chiến đấu.” Đó chỉ đơn thuần là tuyên truyền của Trung Cộng.
Trung Cộng có thực sự chiến thắng?
Hồi đầu tháng 05/2020, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ ở biên giới Trung-Ấn. Kể từ đó, cuộc xung đột vẫn tiếp tục xảy ra, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã không thành công. Hôm 15/06/2020, đôi bên đã nổ ra một cuộc xung đột lớn ở Thung lũng Galwan. Mặc dù không sử dụng vũ khí tự động nào, nhưng thương vong của cả hai bên đều rất nghiêm trọng. Ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ đã thiệt mạng. Mặc dù nhà chức trách Trung Cộng chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về thương vong của phía Trung Quốc, nhưng tờ Navbharat Times tiếng Hindi của Ấn Độ ngày 17/06/2020 đã đưa tin rằng 43 binh sỹ Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ việc này. Trung Cộng chưa từng tiết lộ các thông tin liên quan, và chỉ tới bây giờ mới đột ngột tuyên bố chiến thắng.
Sau cuộc đụng độ đẫm máu đó, hai bên đã tăng thêm quân, và nguy cơ xảy ra xung đột quy mô lớn đã tăng lên đáng kể. Sau nhiều vòng đàm phán mà không đạt được sự đồng thuận nào, các cuộc xung đột, thậm chí là các vụ nổ súng, đã liên tiếp xảy ra.
Phía Ấn Độ mong muốn hạ nhiệt hơn nên đã mời Nga làm trung gian. Nga rõ ràng đứng về phía Ấn Độ, đẩy mạnh nỗ lực bán vũ khí cho Ấn Độ và cũng đã chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Tình trạng bùng phát COVID-19 ở Ấn Độ vào thời điểm đó rất khó kiểm soát và Ấn Độ không có động cơ để kích động xung đột.
Hiện Ấn Độ không còn như trước đây—nước này đã tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu kể từ khi Mao Trạch Đông khởi xướng xung đột biên giới Trung-Ấn vào năm 1962. Trong cuộc xung đột bằng binh khí đó, quân đội Trung Cộng đã không giành được ưu thế, và rất có khả năng đã để mất một số tiền đồn trên núi mà họ đã chiếm được. Nếu như quân đội Trung Cộng đã chiếm được ưu thế, thì họ đã tuyên truyền điều này rầm rộ từ lâu, tuy nhiên kịch bản tuyên truyền hiện giờ của chế độ này lại là “nhằm bảo vệ lãnh thổ.” Trung Cộng đã không tiến tiếp vào Đường Kiểm soát Thực tế (vùng biên giới tranh chấp) mà đã bị buộc phải rút lui. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến Trung Cộng chần chừ không muốn rút quân, và cũng không thể tiến tiếp.
Trung Cộng không chỉ đã thất bại về mặt chiến thuật, mà còn thất bại lớn về mặt chiến lược. Đặc biệt, sự tăng cường trong mối bang giao Hoa Kỳ-Ấn Độ đã thúc đẩy sự tăng tốc của các liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Các hành động của Trung Cộng đã khiến khai sinh ra “NATO Châu Á.” Trung Cộng dường như đang phải chiến đấu trên hai mặt trận, nhưng trên thực tế, năng lực hạn chế của chế độ này đã khiến họ bị bao vây.
Shen Zhou (Trầm Chu), cựu kỹ sư thiết kế phương tiện quân sự, là một nhà quan sát Trung Quốc, người đã rất chú ý đến sự mở rộng quân sự của chế độ Trung Cộng trong những năm qua. Ông bắt đầu đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2020.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Shen Zhou thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: