Chính phủ ông Biden bị chỉ trích vì quyết định xoá bỏ chính sách của ông Trump đối với các Viện Khổng Tử
Chính phủ Tổng thống Biden đã lặng lẽ xoá bỏ đề nghị của chính phủ cựu Tổng thống Trump, vốn bảo vệ quyền tự do học thuật của Hoa Kỳ trước mối đe dọa từ các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ.
Quy định được đề nghị–tên là “Thiết lập Yêu cầu Tiết lộ các Thỏa thuận với các Viện và Lớp học Khổng Tử đối với các Trường được chứng nhận tổ chức Chương trình Tham quan học tập và Trao đổi Sinh viên”–do chính phủ ông Trump đệ trình lên Bộ An ninh Nội địa (DHS) hôm 31/12/2020.
Theo quy định này, các trường cao đẳng và trường phổ thông được chứng nhận tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên nước ngoài sẽ cần phải tiết lộ mối liên hệ tài chính của mình với các Viện Khổng Tử và các Lớp học Khổng Tử liên kết.
Tháng trước (01/2021), một quan chức DHS giấu tên, nói với trang mạng Axios rằng quy định này cũng sẽ áp dụng cho “bất kỳ viện văn hóa hay nhóm sinh viên nào khác, chẳng hạn như Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc, vốn được Trung Cộng tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp.”
Đề nghị trên đã bị rút lại hôm 26/01/2021, theo Văn phòng Thông tin và Điều tiết Hoa Kỳ (OIRA), một bộ phận thuộc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Tòa Bạch Ốc.
Hôm 09/02, một phát ngôn viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), một cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc DHS, đã xác nhận qua email rằng quy định này đã bị thu hồi. Phát ngôn viên này đã từ chối bình luận về lý do mà nó bị hủy bỏ.
“ICE không suy đoán về các quy định hoặc các chính sách được đề nghị trước khi ra quyết định trong tương lai,” người phát ngôn nêu rõ.
Dưới thời chính phủ ông Trump, các chương trình ngôn ngữ và văn hóa của các Viện Khổng Tử chịu sự giám sát của các quan chức Hoa Kỳ, vì lo ngại rằng chúng truyền bá tuyên truyền của Trung Cộng, hạn chế tự do học thuật và tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp trong các lớp học của Hoa Kỳ. Hồi tháng 8 năm ngoái (2020), Bộ Ngoại giao đã định danh một trung tâm có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn quảng bá cho các Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ là một ‘phái bộ nước ngoài.’
Năm 2004, Đại học Maryland đã trở thành nơi tiếp nhận Viện Khổng Tử đầu tiên tại Hoa Kỳ; kể từ đó, hơn 100 viện này đã được thành lập tại các trường học ở Hoa Kỳ.
Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS)–một nhóm vận động giáo dục–đã báo cáo rằng có tổng cộng 55 Viện Khổng Tử đã đóng cửa hoặc đang trong quá trình đóng cửa, tính đến ngày 19/01. Hiện tại, có 63 Viện Khổng Tử vẫn mở cửa ở Hoa Kỳ, trong đó có hai viện đã được lên lịch đóng cửa vào cuối năm nay.
Hiện đã và đang có phản đối trên toàn cầu đối với các Viện Khổng Tử, đáng chú ý nhất là ở các quốc gia như Úc, Canada và Anh Quốc. Năm 2013, Đại học McMaster ở Canada trở thành trường đại học đầu tiên ở Bắc Mỹ đóng cửa Viện Khổng Tử của mình.
Quyết định của chính phủ ông Biden kể từ đó đã bị chỉ trích nặng nề bởi một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sỹ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Dân biểu María Elvira Salazar (Cộng Hòa-Florida) và Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas).
“Bằng cách lặng lẽ rút lui khỏi quy định được đề nghị mà không tham khảo ý kiến của Quốc hội, chính phủ ông Biden đang gửi một tín hiệu đáng lo ngại về sự giám sát của mình đối với ảnh hưởng của Trung Cộng trong giới học thuật, và nói với các trường đại học rằng họ không cần phải minh bạch về những mối liên hệ của mình với chính quyền Trung Cộng,” ông McCaul, đảng viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nêu rõ trong một tuyên bố.
“Tôi đặc biệt kêu gọi Chính phủ ông Biden giữ những lời hứa của mình, ưu tiên coi Trung Cộng là thách thức an ninh quốc gia chủ yếu của chúng ta, bao gồm cả trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.”
Dân biểu John Joyce (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã viết trên Twitter rằng các Viện Khổng Tử là “mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với cả an ninh quốc gia của chúng ta và tương lai của nghiên cứu và đổi mới ở Hoa Kỳ,” như đã được chỉ rõ trong một báo cáo năm 2020 về Trung Cộng của Lực lượng Đặc nhiệm Trung Cộng, một nhóm các thành viên quốc hội thuộc Đảng Cộng Hòa lo ngại về ảnh hưởng của chế độ Bắc Kinh.
“Thay vì khuyến khích tuyên truyền, chính phủ ông Biden nên đứng cùng người dân Hoa Kỳ chống lại Trung Cộng,” ông Joyce tuyên bố.
Theo một tuyên bố từ văn phòng của mình, nữ Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa–New York) cho rằng quyết định của ông Biden là “thiển cận và có hại.”
Bà Stefanik tuyên bố, “Quyết định phi lý này giúp tiếp sức cho những tuyên truyền của kẻ thù số một của Hoa Kỳ, gây nguy hiểm cho tính liêm chính của hệ thống giáo dục của chúng ta và đặt sinh viên ở các trường đại học Hoa Kỳ vào rủi ro.”
Ở cấp tiểu bang cũng đã có nỗ lực đóng cửa các Viện Khổng Tử địa phương.
Tuần trước, Dân biểu tiểu bang Utah Candice Pierucci , một đảng viên Đảng Cộng Hòa, đã giới thiệu một nghị quyết (H.J.R.8) để bảo vệ các cơ sở giáo dục đại học ở tiểu bang của bà trước ảnh hưởng của Trung Cộng.
Nghị quyết kêu gọi các trường cao đẳng và đại học ở Utah tiết lộ các hợp đồng của họ với các Viện Khổng Tử và đóng cửa các cơ sở này. Theo NAS, Đại học Utah và Đại học Nam Utah có các Viện Khổng Tử trong khuôn viên của mình.
Hồi tháng 7 năm ngoái (2020), Dân biểu tiểu bang Alabama Tommy Hanes đã công bố một biện pháp cấm các Viện Khổng Tử vào các trường cao đẳng công của tiểu bang.
Ít nhất một quan chức Hoa Kỳ đã công khai kêu gọi sinh viên Hoa Kỳ học ngôn ngữ và lịch sử Trung Quốc từ Đài Loan thay vì học tại các Viện Khổng Tử.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Nhật Bản Nikkei Asia vào đầu tháng này (02/2021), ông William Brent Christensen, giám đốc văn phòng Đài Bắc của Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan, cho biết: “Học tiếng Hoa phổ thông từ các giáo viên Đài Loan có nghĩa là học tiếng Hoa phổ thông trong một môi trường không bị kiểm duyệt hoặc ép buộc.” Trên thực tế, Hiệp hội Hoa Kỳ chính là đại sứ quán không chính thức của Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Ngoài việc rút lại quy định được đề nghị về Viện Khổng Tử, chính phủ ông Biden đã xóa bỏ một số chính sách khác của chính phủ ông Trump liên hệ đến Trung Cộng-bao gồm cả việc tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, tái tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, và tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới.
Frank Fang
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: