Chính quyền Hồng Kông kiện hai quan chức cao cấp của Next Digital, bóp nghẹt tự do khiến quốc tế lên án
Vào ngày 18/6, cảnh sát Hồng Kông đã kiện Trương Kiếm Hồng, Giám đốc điều hành của Next Digital và La Vĩ Quang, Tổng biên tập của Apple Daily, với danh nghĩa vi phạm Luật An ninh Quốc gia. Sau khi tin tức được công bố, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ.
Cùng ngày, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố lên án chính quyền Hồng Kông vì bóp nghẹt quyền tự do của Hồng Kông, và gieo rắc khủng bố trắng “lạnh tóc gáy”.
Rupert Colville, phát ngôn viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, nói với Reuters rằng, cảnh sát Hồng Kông đã đột kích vào tòa nhà trụ sở của tờ báo dân chủ Apple Daily, “tiếp tục gửi một thông điệp khiến người ta lạnh tóc gáy đối với vấn đề tự do truyền thông”.
Qua email, ông Rupert Colville nói với Reuters rằng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hồng Kông tuân thủ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và tuân thủ theo Luật cơ bản (Hồng Kông), đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và quyền tham gia vào các vấn đề công cộng”.
Theo tờ Apple Daily đưa tin, cảnh sát Hồng Kông đã đến nơi ở của năm giám đốc điều hành của Next Digital vào lúc 6 giờ sáng ngày 17. Cảnh sát đã bắt và khám xét nhà của họ với danh nghĩa vi phạm Luật An ninh Quốc gia, và đưa họ đến các sở cảnh sát Tseung Kwan O, sở cảnh sát Chai Wan và Sở cảnh sát Cheung Sha Wan để điều tra và giam giữ qua đêm.
Cuối ngày hôm đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Hồng Kông còn cử 500 cảnh sát khác bất ngờ khám xét tòa nhà của Apple Daily, bao gồm cả máy tính và laptop của phóng viên, đồng thời bắt năm giám đốc điều hành của Next Digital và Apple Daily, và đóng băng phần tài sản của ba công ty có liên quan với tổng trị giá 18 triệu USD Hồng Kông.
Vào ngày hôm đó, người dân Hồng Kông đã đổ xuống đường để mua báo của Apple Daily, thậm chí trước một số sạp báo còn có hàng dài người xếp hàng. Tờ “Apple Daily” thường bán được khoảng 80,000 bản mỗi ngày, hôm đó in tới 500,000 bản và đã bán hết sạch.
Người dân ủng hộ Apple Daily, quốc tế lên án chính quyền Hồng Kông
Theo Reuters, một số người mua báo nói rằng họ lo lắng Apple Daily có thể bị cấm xuất bản bất cứ lúc nào, nên đã mua tờ Apple Daily vào ngày hôm đó để “lưu giữ lịch sử”. Cũng có người mua báo chỉ đơn thuần là để “ủng hộ tự do báo chí”. Lâm Văn Tông, tổng biên tập thay thế hiện tại của tờ báo này nói rằng: “Xuất bản là cách tốt nhất để bảo vệ quyền tự do báo chí”, sau sự việc này, các nhân viên trên dưới của Apple Daily sẽ tiếp tục kiên trì với công việc, và hứa rằng sẽ chiến đấu đến cùng để đón ánh bình minh”.
Việc chính quyền Hồng Kông đàn áp Apple Daily đã bị cộng đồng quốc tế nhất trí lên án. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price vào ngày 17 cho biết, Hoa Kỳ “lên án mạnh mẽ” vụ bắt giữ 5 giám đốc điều hành cấp cao của Apple Daily và công ty mẹ của nó, Next Digital, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho họ. “Chúng tôi vô cùng lo ngại đối với việc chính quyền Hồng Kông lợi dụng có chọn lọc Luật An ninh Quốc gia để tùy tiện nhắm vào các tổ chức truyền thông độc lập. Cái gọi là cáo buộc có ‘âm mưu cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia’ xem ra hoàn toàn là xuất phát từ động cơ chính trị”.
Về tuyên bố của cảnh sát Hồng Kông rằng bài báo đăng trên tờ Apple Daily là bằng chứng về “âm mưu cấu kết với các thế lực nước ngoài”, Ned Price lên án nói, mọi người đều biết, trong ngành công nghiệp tin tức, trao đổi ý kiến với người nước ngoài chưa bao giờ cấu thành tội trạng.
“Chính quyền đang ngày càng sử dụng Luật An ninh Quốc gia như một công cụ để đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, bóp nghẹt các ý kiến trái chiều và quyền tự do ngôn luận. Những hành động này đã phá hoại nghĩa vụ của Bắc Kinh trong việc duy trì mức độ tự chủ cao cũng như các quyền và tự do được bảo vệ của Hồng Kông theo thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc Tuyên bố chung Trung-Anh.” Ned Price kêu gọi các cơ quan hữu quan ngừng nhắm mục tiêu vào các phương tiện truyền thông tự do và độc lập.
Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu cũng lên án việc cảnh sát Hồng Kông bắt giữ các quan chức cấp cao của Apple Daily. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab vào hôm 17 cho biết, mục đích hành động này của cảnh sát Hồng Kông là để trấn áp những ý kiến bất đồng. Ông nói: “Quyền tự do báo chí là một trong những quyền mà Trung Quốc đã hứa sẽ bảo vệ trong Tuyên bố chung Trung-Anh, nó cần phải được tôn trọng”.
Phát ngôn viên của EU, Nabila Massrali trong một tuyên bố vào ngày hôm đó cho biết, cuộc đột kích này “chứng tỏ rõ hơn cách Luật An ninh Quốc gia bị lợi dụng để bóp nghẹt các phương tiện truyền thông và quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông …
Cái quan trọng là, tất cả các quyền và tự do hiện có của người dân Hồng Kông đều phải được bảo vệ đầy đủ, bao gồm cả quyền tự do báo chí và tự do xuất bản”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong cuộc họp báo vào ngày 18 cũng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ các quan chức cấp cao của Next Digital. Ông cho biết “tự do ngôn luận và tự do báo chí là nền tảng của nền dân chủ và sự phát triển ổn định của một quốc gia, tôi rất lo ngại về ảnh hưởng có thể xảy ra mà một loạt các sự kiện này mang đến”.
Ngoài ra, Toshimitsu Motegi còn trích dẫn tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7, kêu gọi chính quyền Trung Cộng tôn trọng nhân quyền, tự do và mức độ tự chủ cao của Hồng Kông. Ông nói thêm: “Điều cốt yếu là cộng đồng quốc tế phải hợp tác chặt chẽ và tiếp tục duy trì áp lực lên phía Trung Quốc”.
Do Triệu Phượng Hoa, Tôn Vân thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa Ngữ
Xem thêm: