Chính quyền Hong Kong cấm các khẩu hiệu phổ biến của các nhóm biểu tình
Câu khẩu hiệu “quang phục Hương Cảng, thời đại cách mạng” đã bị cấm vì chính quyền Hong Kong coi đó là vi phạm Luật an ninh quốc gia mới được ban hành. Đây là một trong những khẩu hiệu phản đối nổi tiếng nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bùng nổ ở Hong Kong thành một phong trào lớn vào năm 2019.
Trong một tuyên bố ngày 2/7, chính quyền Hong Kong cho biết câu khẩu hiệu này bị coi là bất hợp pháp, vì nó truyền tải ý chí về “‘nền độc lập tự do của Hong Kong’, hoặc mang hàm ý muốn Đặc khu Hành chính Hong Kong (HKSAR) ly khai khỏi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thay đổi tư cách pháp lý của HKSAR, hoặc lật đổ chính quyền Nhà nước”.
Chính quyền Hong Kong cho biết quyết định này được đưa ra vì những người biểu tình đã “trưng bày hoặc sở hữu những vật phẩm” có chứa các cụm từ mang hàm ý nhạy cảm nêu trên. Lời tuyên bố đưa ra tối ngày 2/7 nêu rõ: “Chính quyền HKSAR lên án mạnh mẽ bất kỳ hành vi nào thách thức chủ quyền, cũng như tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Cụm từ này lần đầu tiên được ông Lương Thiên Kỳ (Edward Leung) đề xuất vào năm 2016 như một khẩu hiệu của chiến dịch khi ông tranh cử vào vị trí nhà lập pháp của Hong Kong. Ông Leung là cựu phát ngôn viên của đảng chính trị độc lập Hong Kong Bản địa nhưng đã sớm bị loại với lý do ủng hộ độc lập là vi phạm bản tiểu hiến pháp của thành phố – Luật cơ bản Hong Kong.
Ông Leung hiện đang thụ án 6 năm tù sau khi bị kết án vì tội danh kích động bạo loạn.
Câu khẩu hiệu này đã có sứ mệnh mới vào năm 2019 khi những người biểu tình đón nhận tinh thần này và dùng nó để bày tỏ sự phản đối việc Bắc Kinh thắt chặt sự kiểm soát tại Hong Kong. Hàng triệu người dân của đặc khu này đã xuống đường biểu tình, hô vang khẩu hiệu, vì lo lắng họ sẽ mất đi các quyền cơ bản của con người trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nỗ lực gia tăng sự xâm lấn vào việc quản lý và điều hành thành phố này.
Hàng ngàn người dân địa phương một lần nữa xuất hiện vào ngày 1/7 bất chấp lệnh cấm của cảnh sát để lên tiếng phản đối luật an ninh quốc gia mới. Ngày 1/7 cũng là ngày kỷ niệm 23 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.
Cảnh sát cho biết họ đã thực hiện khoảng 370 vụ bắt giữ tại các địa điểm diễn ra biểu tình, trong đó có 10 vụ vi phạm luật an ninh quốc gia mới.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, cảnh sát cho biết họ đã dừng lại và khám xét 2 người phụ nữ. Hai người này đã bị bắt giữ vì sở hữu những cuốn sách nhỏ và bản in có dòng chữ “Chống lại Bắc Kinh, Giải phóng Hong Kong”, “lương tâm”, và “Một quốc gia, Một Hong Kong”. Một cô gái 15 tuổi đã bị bắt vì vẫy cờ màu xanh – biểu tượng của phong trào “Độc lập Hong Kong”, trong khi đó có ít nhất 3 người khác bị bắt vì sở hữu cờ hoặc biểu ngữ có khẩu hiệu tương tự.
Cảnh sát cũng liên tục giương cờ tím trong khi tuần tra quanh các cuộc biểu tình ngày 1/7, với lời cảnh báo đám đông bằng tiếng Trung và tiếng Anh rằng không được “treo cờ hoặc biểu ngữ, hô khẩu hiệu hoặc thực hiện các ý định như ly khai hoặc lật đổ”. Cảnh sát cho biết các hành động này có thể dẫn đến việc bắt giữ và truy tố.
Nathan Law, một trong những nhà hoạt động dân chủ nổi bật nhất ở Hong Kong được biết đến với vai trò trong phong trào dân chủ năm 2014, nói rằng anh đã rời Hong Kong vì nguy cơ bị trừng phạt tội “vi phạm ngôn luận”.
Demosisto, một nhóm chính trị dân chủ do Law đồng sáng lập, đã giải thể sau khi Luật an ninh quốc gia được áp dụng khiến các thành viên nòng cốt (bao gồm bản thân Law) phải rút khỏi nhóm này.
Nhà hoạt động Law sắp bước sang tuổi 27, cho biết anh sẽ tiếp tục ủng hộ Hong Kong chống lại thể chế độc tài chuyên quyền của ĐCSTQ trên trường quốc tế. Trong một bài đăng trên Twitter hôm 2/7, anh đã viết rằng “Một người sẽ không bao giờ đi một mình trên con đường đúng đắn”.
Du Miên