Chính phủ Uzbekistan tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau các cuộc bạo loạn dẫn đến thương vong
ANKARA, Thổ Nhĩ Kỳ – Hôm 11/07, một khu vực phía tây của Uzbekistan vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau các cuộc đụng độ bạo lực hồi đầu tháng này khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.
Bị thúc đẩy bởi các đề xướng của chính phủ nhằm cắt giảm quyền tự trị của mình, Karakalpakstan đã trải qua đợt bạo lực tồi tệ nhất từng được chứng kiến ở quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trong 17 năm qua.
Ông Kursad Zorlu, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times: “Các kế hoạch của chính phủ trung ương nhằm xóa bỏ quyền bỏ phiếu ly khai theo Hiến Pháp của khu vực này dường như đã kích động các cư dân địa phương.
Mặc dù Karakalpakstan đã là một phần không thể thiếu của Uzbekistan kể từ năm 1936, ông nói “từ lâu, khu vực này đã nuôi dưỡng khát vọng độc lập.”
Hơn một tuần sau tình trạng bất ổn đó, khu vực này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp do chính phủ áp đặt mặc dù cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đều kêu gọi điều tra vụ việc.
Hôm 01/07, tin tức về những sửa đổi hiến pháp được đề xướng đã làm dấy lên các cuộc biểu tình đầy phẫn nộ ở thành phố Nukus, thủ phủ của Karakalpakstan.
Hàng ngàn cư dân địa phương đã đụng độ với lực lượng an ninh. Các lực lượng này đã khai triển vòi rồng, hơi cay và lựu đạn gây choáng để dập tắt các cuộc biểu tình.
Theo thống kê của chính phủ, 18 người đã thiệt mạng trong vụ bạo lực này, trong đó có 4 nhân viên an ninh, và hơn 240 người bị thương. Theo báo cáo, hàng trăm người khác đã bị giam giữ, trong đó có một ký giả địa phương được cho là đã đưa ra lời kêu gọi trực tuyến kêu gọi độc lập quốc gia.
Trong khi đó, các nhóm nhân quyền ngoại quốc cho biết hàng chục người vẫn chưa rõ tung tích.
Hôm 02/07, tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã bay đến Nukus trong một nỗ lực rõ ràng để khôi phục sự ổn định. Tại đây, ông đã hứa hẹn sẽ hủy bỏ những sửa đổi hiến pháp được đề xướng liên quan đến tình trạng bán tự trị của Karakalpakstan.
Theo ông Zorlu, nguyên nhân chính dẫn đến bất đồng liên quan đến Điều 74 của hiến chương quốc gia vốn cho phép khu vực này quyền ly khai khỏi Uzbekistan dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý.
Ông nói: “Điều này không có trong phiên bản tu chính của Hiến Pháp.”
Kể từ đó, chính phủ trung ương đã áp đặt biện pháp phong tỏa thông tin trên diện rộng, kể cả việc ngắt kết nối internet, gây khó khăn trong việc xác định ai là người khởi xướng vụ bạo lực hôm 01/07. Nhưng theo các quan chức ở Tashkent, có lúc những người biểu tình ở Nukus đã cố gắng xông vào các tòa nhà chính phủ, dẫn đến việc kiểm soát an ninh trở nên nghiêm ngặt.
Đây là đợt bạo lực tồi tệ nhất của quốc gia này kể từ năm 2005 khi chính quyền Uzbekistan dập tắt làn sóng biểu tình nổ ra ở thành phố Andijan, miền Đông nước này. Ít nhất 187 người đã thiệt mạng trong vụ biểu tình đó và chính phủ đổ lỗi cho các nhóm cực đoan Hồi giáo.
Theo các chuyên gia về các vấn đề Âu Á, lịch sử chính trị phức tạp của Karakalpakstan, khu vực chiếm khoảng 1/3 lãnh thổ của Uzbekistan, đã thúc đẩy xu hướng ly khai trong khu vực.
Dưới sự cai trị của Liên Xô, khu vực này tồn tại như một nước cộng hòa Xô Viết “tự trị” trong bốn năm trước khi được sáp nhập với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Uzbekistan vào năm 1936.
“Stalin đã chia Turkestan [tức là Trung Á nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ] thành năm khu vực riêng biệt, trong đó có Uzbekistan,” ông Ilber Ortaylı, giáo sư lịch sử tại Đại học Galatasaray của Istanbul, nói với The Epoch Times. “Nhưng những phân chia nhân tạo này hoàn toàn bỏ qua thực tế nhân khẩu học vốn có từ lâu đời.”
“Ví dụ, về mặt dân tộc và ngôn ngữ, người Karakalpak gần gũi với người Kazakhstan hơn nhiều so với người Uzbek,” ông Ortaylı nói.
Theo ông Zorlu, một giáo sư khoa học chính trị, chính sách điều chỉnh nhân khẩu học của Liên Xô — được gọi là “đồng hóa” (“korenizatsiya”) — là một biện pháp hiệu quả để duy trì sự kiểm soát đối với nhóm dân cư lệ thuộc. Ông nói: “Những sự chia rẽ và hợp nhất của thời Liên Xô cũ vẫn là nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề ngày nay.”
Năm 1993, sau khi Liên Xô sụp đổ, Karakalpakstan đồng ý tiếp tục là một phần của Uzbekistan, với thỏa thuận không chính thức rằng khu vực này sẽ duy trì quyền tự trị tương đối. Thỏa thuận này cũng bảo lưu quyền ly khai khỏi Uzbekistan như được nêu trong Điều 74 của Hiến Pháp nếu người dân đã từng bỏ phiếu để thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Các yếu tố về kinh tế xã hội
Ông Zorlu tin rằng tâm lý ly khai xuất hiện gần đây ở Karakalpakstan liên quan đến các yếu tố kinh tế xã hội lâu đời hơn là vấn đề sắc tộc.
Ông nói: “Thay vì độc lập về chính trị, hầu hết những người Karakalpak chỉ muốn được chia sẻ sự thịnh vượng tiềm năng của khu vực một cách công bằng.”
Karakalpakstan rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khí đốt tự nhiên. Nhưng người dân bản địa, hầu hết sinh sống bằng nông nghiệp, vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng nghèo đói, kém phát triển, và bị chính quyền trung ương bỏ mặc.
Ông Ortaylı cho biết: “Khu vực này đã bị bỏ mặc trường kỳ và thiếu phát triển kể từ thời Xô Viết.”
Theo ông Zorlu, tình trạng bất ổn gần đây ở Nukus có thể khiến Tashkent thừa nhận những bất bình lâu đời của Karakalpakstan và thu hút đầu tư nhiều hơn vào khu vực.
Ông nói: “Điều này có thể mang đến một cơ hội duy nhất để củng cố lòng trung thành của người Karakalpak và ngăn chặn những đợt bùng phát tương tự trong tương lai.”
Ông Mirziyoyev dường như đã gác lại những sửa đổi hiến pháp được đề xướng — ít nhất là vào lúc này. Nhưng gần đây ông cũng bắt đầu đổ lỗi cho “các thế lực đen tối bên ngoài” cho sự bùng phát bạo lực gần đây.
Hôm 06/07, một phát ngôn viên của tổng thống đã lặp lại tuyên bố, ám chỉ “các thế lực ngoại quốc hiểm ác” đang tìm cách “phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Uzbekistan và kích động xung đột sắc tộc.”
Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho lời khẳng định này hoặc cho biết quốc gia nào hoặc các quốc gia nào đã kích động tình trạng bất ổn này.
Trong khi các nhân vật đối lập khẳng định những tuyên bố này là vô căn cứ, ông Zorlu cho rằng những lo ngại về sự khiêu khích của ngoại quốc “không hẳn là không có sự biện minh.”
Ông nói: “Trong suốt quá trình lịch sử của mình, Uzbekistan đã phải đối mặt với những khó khăn do các yếu tố nhân khẩu học, chính trị và xã hội – những yếu tố mà các thế lực ngoại quốc đôi khi khai thác làm lợi thế cho họ.”