Chính phủ Úc có biện pháp ngăn chặn Trung Quốc thông qua việc tiếp quản Telco của Pacific Telecom
Chính phủ Úc đang hậu thuẫn đại công ty viễn thông Telstra để có thể mua lại các mảng hoạt động về mạng di động của hãng Digicel ở khu vực Nam Thái Bình Dương, trong bối cảnh có những lo ngại về việc một công ty do Trung Quốc hậu thuẫn có thể xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng cho Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng.
Hôm 19/07, Telstra xác nhận các cuộc thảo luận đang được tiến hành để mua lại, nhưng không có gì chắc chắn về một thỏa thuận.
Theo một thông báo của nhà đầu tư (pdf), “Ban đầu Telstra được chính phủ Úc tiếp cận để cung cấp cố vấn kỹ thuật liên quan đến Digicel Pacific, một tài sản hấp dẫn về mặt thương mại và quan trọng đối với hệ thống viễn thông trong khu vực.”
Thông báo này nêu tiếp, “Nếu Telstra tiến hành một giao dịch, công ty này sẽ được hỗ trợ tài chính và quản lý rủi ro chiến lược từ phía chính phủ.”
“Ngoài một gói hỗ trợ và cung cấp tài chính đáng kể của chính phủ, bất kỳ khoản đầu tư nào cũng phải nằm trong các thông số tài chính nhất định với việc đầu tư cổ phần của Telstra là phần nhỏ của giao dịch tổng thể.”
Chính phủ liên bang có thể sẽ tài trợ cho phần chính của giao dịch này.
Hãng Digicel Pacific được thành lập vào năm 2006 bởi doanh nhân người Ireland Denis O’Brien và cung cấp các dịch vụ liên lạc và di động trên khắp Papua New Guinea, Fiji, Nauru, Samoa, Tonga và Vanuatu – một số nước láng giềng gần nhất của Úc. Doanh thu của tập đoàn này đạt mức 235 triệu USD vào năm 2020.
Việc bán cho một công ty viễn thông Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể cung cấp khả năng truy cập dễ dàng cho hoạt động giám sát nhắm vào dữ liệu và các hệ thống mạng của Úc.
Ông Rob Nicholls, phó giáo sư về chính sách và quản trị tại Đại học New South Wales, cho rằng đây là cuộc chiến ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và các đồng minh dân chủ của Úc.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Úc tìm cách đưa cơ hội đấu thầu này ra ngoài. Một phần của vấn đề ở đây là hai công ty viễn thông lớn còn lại của Úc [đã] lần lượt thuộc quyền kiểm soát của Singapore (Optus) hoặc được kiểm soát bởi sự kết hợp giữa các tổ chức của Vương quốc Anh và Hồng Kông (Vodafone).”
Ông nói thêm rằng, “Có rất ít rủi ro kỹ thuật nếu tài sản này được mua lại bởi một công ty viễn thông Trung Quốc. Thật vậy, cụ thể là khả năng truy cập vào nội dung của các liên kết cáp dưới biển rất thấp.”
“Vấn đề này là một ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Nếu một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc mua lại các tài sản của Digicel, thì những điều này có thể tạo thành nền tảng của đòn bẩy chính trị.”
Ông Nicholls cũng lưu ý rằng chính phủ đã phải can thiệp và hỗ trợ Telstra đấu thầu dự án này, cho thấy việc mua lại Digicel không mang tính thương mại.
Ông cho biết, “Giao dịch này được thúc đẩy chỉ bởi mong muốn của Úc về ảnh hưởng ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương. Úc cần phải có an ninh ở ngay khu vực phía bắc, đó là vị trí của Papua New Guinea.”
Ông Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết hoạt động kinh doanh của Digicel chủ yếu dựa vào việc cung cấp dịch vụ chuyển vùng, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế đối với du lịch quốc tế.
Ông nói với The Epoch Times: “Rõ ràng có những rủi ro từ các nhà điều hành thương mại ‘trục lợi’ với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là khi kết hợp với các công ty liên quan tới chính phủ Trung Quốc.”
Ông nói thêm rằng, “Nhưng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng đối với khu vực Thái Bình Dương này, những rủi ro đó còn vượt trội hơn bởi tầm quan trọng của một cơ sở hạ tầng truyền thông hiệu quả không bị các lợi ích của chính phủ Trung Quốc lợi dụng.”
Khu vực Nam Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc chiến giằng co giữa các đồng minh dân chủ và Bắc Kinh. Trung Cộng đã sử dụng các sáng kiến như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tài trợ vaccine, và ảnh hưởng ngoại giao để giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo các Đảo Thái Bình Dương.
Phản ứng từ các quốc gia Thái Bình Dương đã khác nhau, với một số quốc gia gắn bó mối quan hệ với Bắc Kinh và những quốc gia khác hoàn toàn từ chối.
Tháng 05/2021, Thủ tướng sắp tới của Samoa Fiame Naomi Mata’afa đã tuyên bố sẽ loại bỏ 100 triệu USD phát triển cảng theo BRI gần thủ đô của quốc gia này. Lập trường của bà là một sự thay đổi lớn so với nhà lãnh đạo đương nhiệm của Samoa, ông Tuilaepa Sailele Malielegaoi, người mà trong phần lớn thời gian cầm quyền kéo dài hai thập kỷ của mình đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng.
Do Daniel Y. Teng thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: