Chính phủ TT Trump tăng cường lệnh cấm đầu tư vào các công ty quân sự Trung Cộng
Bộ Tài chính cho biết trong một thông báo vào cuối ngày thứ Hai (28/12), chính phủ Tổng thống Trump đã tăng cường lệnh cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty quân sự Trung Cộng.
Bộ Tài chính đã ban hành một thông báo về “Các câu hỏi thường gặp” nêu thêm chi tiết cho sắc lệnh hành pháp 13959 hồi tháng 11 của TT Donald Trump. Thông báo cho biết chính quyền TT Trump sẽ cấm các quỹ chỉ số và các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) tài trợ cho các công ty quân sự Trung Cộng và bất kỳ công ty con nào thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Cộng.
“[Lệnh cấm] đảm bảo vốn của Hoa Kỳ không đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa các cơ quan quân sự, tình báo, và an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố.
Trang web của Bộ Tài chính nói rằng các lệnh cấm trong sắc lệnh 13959 “áp dụng cho bất kỳ công ty con nào của một công ty quân sự Trung Cộng, sau khi công ty con đó được nêu tên công khai bởi Bộ Tài chính.”
Trang web trên cũng viết rằng Bộ Tài chính dự định liệt “bất kỳ tổ chức nào phát hành chứng khoán giao dịch công khai” và “có từ 50% trở lên cổ phần thuộc sở hữu của một hoặc nhiều công ty quân sự Trung Cộng” hoặc “được xác định là bị kiểm soát bởi một hoặc nhiều công ty quân sự Trung Cộng theo sắc lệnh 13959” vào danh sách các công ty con bị chế tài.
Nó cho biết thêm rằng Bộ trưởng Quốc phòng “có thể quyết định rằng một tổ chức, bao gồm cả công ty con, hoặc tài sản của nó [có phải] là một công ty quân sự Trung Cộng đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Hoa Kỳ hoặc tại bất kỳ vùng lãnh thổ nào khác [hay không], và do đó liệt kê nó như vậy [vào danh sách bị chế tài]… cho đến khi Bộ trưởng Quốc phòng loại bỏ nó khỏi danh sách đó.”
Bộ Tài chính cũng cho biết Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của bộ hiện đã công bố một danh sách trên trang web của mình ( pdf ) , trong đó nêu tên các tổ chức được xác định theo sắc lệnh là các công ty quân sự Trung Cộng (CCMC), cùng với thông tin nhận dạng [chúng].
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng sắc lệnh “áp dụng cho tất cả các giao dịch của người dân Hoa Kỳ, bao gồm [giao dịch của] các cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, quỹ hưu trí, quỹ hiến tặng của các trường đại học, ngân hàng, công ty phát hành trái phiếu, công ty đầu tư mạo hiểm, công ty cổ phần tư nhân, công ty chỉ số, và các tổ chức khác của Hoa Kỳ, kể cả những tổ chức hoạt động ở nước ngoài.”
“Điều này sẽ làm giảm bớt mối lo ngại rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ có thể vô tình hỗ trợ các công ty CCMC thông qua các khoản đầu tư trực tiếp, gián tiếp, hoặc thụ động khác bao gồm các khoản đầu tư liên quan đến giáo dục, quỹ giao dịch hoán đổi, quỹ mạo hiểm, công ty cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư bất động sản, hàng hóa, quỹ hiến tặng, lương hưu, hoặc bất kỳ quỹ đầu tư nào khác; trái phiếu theo dõi (tracking bond), khoản vay, cho thuê tài chính, công ty đầu tư chỉ số nợ hoặc chứng khoán mà [trong chỉ số] bao gồm chứng khoán của các CCMC hoặc các công ty con [của CCMC] được niêm yết công khai bởi chính phủ Hoa Kỳ,” ông nói thêm.
“Kể từ ngày 11/1/2021, các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ không còn có thể giao dịch mua bán nợ hay chứng khoán, hoặc bất kỳ chứng khoán phái sinh nào của các công ty CCMC tại thị trường công khai hoặc thị trường tư nhân, bất kể tỷ lệ sở hữu của các CCMC [là bao nhiêu phần trăm], với yêu cầu thoái vốn toàn bộ trước cuối ngày 11/11/2021.”
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Roger Robinson, một cựu quan chức Tòa Bạch Ốc ủng hộ việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận các nhà đầu tư Hoa Kỳ, cho rằng thông báo mới nhất về ‘Câu hỏi thường gặp’ của Bộ Tài chính “thể hiện một chiến thắng rõ ràng của cộng đồng an ninh Hoa Kỳ trong nỗ lực kiên quyết duy trì các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với thị trường vốn có liên quan đến [sắc lệnh 13959] — sắc lệnh đầu tiên thuộc loại này.”
Sắc lệnh được ban hành hồi tháng 11 này( pdf) đã tăng sức mạnh cho một đạo luật năm 1999, theo đó yêu cầu Bộ Quốc phòng lập danh sách các công ty quân sự Trung Cộng.
Ngũ Giác Đài chỉ bắt đầu tuân thủ luật đó trong năm nay [với sắc lệnh mới], theo đó đã xác định được 35 công ty là các công ty quân sự Trung Cộng đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Hoa Kỳ, bao gồm cả những công ty thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Danh sách cũng bao gồm hai cái tên nổi bật là công ty trách nhiệm hữu hạn dầu khí CNOOC và nhà sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SMIC.
Thông qua chiến lược quốc gia hiếu chiến mang tên “hợp nhất quân sự-dân sự”, Trung Cộng sử dụng các công ty Trung Quốc để củng cố quân đội của nó (PLA), sắc lệnh hành pháp của TT Trump nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố hôm 8/12, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Cộng đã ưu tiên cho thứ [chính sách] gọi là ‘hợp nhất quân sự-dân sự.’… Các công ty và nhà nghiên cứu Trung Quốc phải… dưới sự [đe dọa] trừng phạt của luật pháp – chia sẻ công nghệ với quân đội Trung Quốc. Mục đích là để bảo đảm ưu thế quân sự cho Quân đội Giải phóng Nhân dân. Và nhiệm vụ cốt lõi của Quân đội Giải phóng Nhân dân là duy trì sự kìm kẹp quyền lực của Trung Cộng.”
Danh sách của Ngũ Giác Đài bao gồm các công ty như Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), Huawei, và Hangzhou Hikvision. Nhiều công ty trong danh sách được giao dịch công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới, và hàng triệu nhà đầu tư Hoa Kỳ, thông qua quỹ hưu trí của họ, đang vô tình chuyển của cải từ Hoa Kỳ sang các tổ chức này.
Sắc lệnh tháng 11 cũng lưu ý rằng các công ty, “mặc dù bề ngoài vẫn là tư nhân và dân sự, trực tiếp hỗ trợ các bộ máy quân sự, tình báo và an ninh Trung Quốc và trợ giúp cho sự phát triển và hiện đại hóa của họ.”
Trong đó có đoạn: “Đồng thời, các công ty này huy động vốn bằng cách bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đang giao dịch trên các sàn giao dịch công khai ở cả trong và ngoài nước, vận động các nhà cung cấp chỉ số và quỹ của Hoa Kỳ đưa những cổ phiếu này vào các loại dịch vụ của thị trường, và tham gia vào các hoạt động khác để bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của Hoa Kỳ.”
Tổng thống cảnh báo: “Bằng cách đó, Trung Quốc khai thác các nhà đầu tư Hoa Kỳ để tài trợ cho sự phát triển và hiện đại hóa quân đội của mình.”
Kể từ khi sắc lệnh có hiệu lực vào tháng 11 vừa qua, các nhà cung cấp chỉ số đã bắt đầu loại bỏ một số công ty được chỉ định khỏi chỉ mục của họ.
TNS Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), một nhà lập pháp bài Trung nổi tiếng, đã hoan nghênh sắc lệnh hành pháp. Trong một tuyên bố ngày 12/11, ông nói: “Việc Trung Cộng khai thác thị trường vốn Hoa Kỳ là một rủi ro rõ ràng và liên tục đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và hành động hôm nay của Chính phủ TT Trump là một khởi đầu đáng hoan nghênh để bảo vệ thị trường và nhà đầu tư của chúng ta.”
Ông nói: “Điều quan trọng là, hành động ngày hôm nay cũng đặt dấu mốc rõ ràng cho chính sách của Hoa Kỳ trong tương lai — chúng ta không bao giờ có thể đặt lợi ích của của Trung Cộng và Phố Wall lên trên lợi ích của người dân lao động và các nhà đầu tư vừa và nhỏ của Hoa Kỳ.”
Mimi Nguyen Ly
Lê Trường biên dịch