Chính phủ TT Biden thiết lập quy tắc mới khiến việc sa thải các công chức trở nên khó khăn hơn
Văn phòng Quản lý Nhân sự đã thông qua một quy định mới nhằm tăng cường sự bảo vệ cho các nhân viên chính phủ, khiến việc sa thải họ trở nên khó khăn hơn.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã ban hành một quy định mới khiến việc sa thải nhân viên chính phủ trở nên khó khăn hơn trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn cản cam kết của cựu TT Donald Trump về việc sa thải “các viên chức ăn hại” và hoàn toàn định hình lại lực lượng nhân sự liên bang.
Hôm 04/04, Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ (OPM) đã ban hành quy định mới này, nhằm tăng cường bảo vệ việc làm cho các công chức chuyên nghiệp. Trong một tuyên bố, OPM ám chỉ rằng văn phòng này đang nhắm tới một hành động như đã được một nhiệm kỳ tổng thống tiềm năng của ông Trump hứa hẹn là “tát cạn đầm lầy và nhổ tận gốc nhà nước ngầm” bằng cách khiến việc sa thải các nhân viên chính phủ dễ dàng hơn.
“Trong tuần đầu tiên của Chính phủ Biden-Harris, Tổng thống Biden đã thu hồi Sắc lệnh do Chính phủ trước đó ban hành mang đến nguy cơ thay đổi hệ thống công chức dựa trên thành tích lâu đời của đất nước chúng ta, bằng cách tạo ra lịch trình công chức ngoại lệ mới, được gọi là ‘Lịch trình F,’ và chỉ thị các cơ quan có thể chuyển một lượng lớn các nhân viên sự nghiệp sang trạng thái công chức ngoại lệ mới này,” OPM cho biết trong tuyên bố.
Điều này liên quan đến một sắc lệnh thời cựu TT Trump được ban hành hồi năm 2020, cho phép hàng chục ngàn trong số 2.2 triệu nhân viên liên bang được phân loại lại thành những người được bổ nhiệm chính trị, giúp việc sa thải họ dễ dàng hơn.
‘Hãy nhổ tận gốc nhà nước ngầm’
Khoảng 4,000 nhân viên liên bang hiện được xem là những người được bổ nhiệm chính trị, những người thường thay đổi theo từng đời chính phủ, và việc khôi phục một Lịch trình F có thể tăng con số đó lên hơn 10 lần.
Lúc nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã bãi bỏ sắc lệnh Lịch trình F. Trong khi đó, hồi giữa năm 2022, cựu TT Trump cho biết ông sẽ cố gắng khôi phục khái niệm này dưới hình thức này hay hình thức khác.
“Chúng ta cần khiến việc sa thải dễ dàng hơn đối với những quan chức ăn hại đang cố tình làm xói mòn nền dân chủ hoặc ít nhất chỉ muốn giữ lấy công ăn việc làm của họ,” cựu TT Trump nói trong bài diễn văn tại Viện Chính sách nước Mỹ Trước tiên vào ngày 26/07/2022, hứa hẹn sẽ “tát cạn đầm lầy và nhổ tận gốc nhà nước ngầm.”
Trong bài diễn văn của mình, cựu tổng thống còn đi xa hơn khi kêu gọi Quốc hội thông qua luật cho phép tổng tư lệnh về cơ bản là có quyền tùy ý sa thải bất kỳ nhân viên chính phủ nào.
Ông cho biết, “Quốc hội nên thông qua những cải tổ lịch sử trao quyền cho tổng thống để bảo đảm rằng bất kỳ quan chức nào tham nhũng, kém năng lực, hoặc không cần thiết cho công việc đều có thể bị thông báo ‘ông bà bị sa thải, hãy rời đi,’” ông nói và nói thêm rằng, sau những cải tổ như vậy, Hoa Thịnh Đốn sẽ trở thành một “nơi hoàn toàn khác.”
Sau này trong quá trình vận động tranh cử, cựu Tổng thống Trump liên tục ám chỉ ý định thực hiện lời hứa này. Nhận định của ông phù hợp với mong muốn lâu nay của nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa là cắt giảm những gì họ cho là bộ máy quan liêu liên bang cồng kềnh, kém hiệu quả, và trong nhiều trường hợp, gây tác dụng phản diện.
Mặt khác, nhiều thành viên Đảng Dân Chủ xem triển vọng áp dụng lại Lịch trình F hoặc sáng kiến tương tự là một mối đe dọa đối với các hoạt động của chính phủ và có thể làm gián đoạn sự dự phòng của các công chức quan trọng.
Giám đốc OPM Kiran Ahuja cho biết, “Quy tắc cuối cùng này tôn vinh 2.2 triệu công chức chuyên nghiệp của chúng tôi, giúp bảo đảm rằng mọi người được tuyển dụng và sa thải dựa trên thành tích và họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình dựa trên chuyên môn chứ không phải lòng trung thành chính trị.”
“Chính phủ Biden-Harris cam kết sâu sắc với lực lượng nhân sự liên bang, vì những chuyên gia này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, y tế, sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta, và hơn thế nữa.”
Quy định mới dài gần 240 trang này ban hành một sắc lệnh khác nhằm phân loại lại công chức. Dường như mục đích của quy định này là nhằm tạo ra một rào cản để ngăn cản cựu Tổng thống Trump, hoặc bất kỳ ai khác liên quan đến vấn đề đó.
Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
Phát ngôn viên của chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Karoline Leavitt, đã chỉ ra kế hoạch Nghị trình 47 của cựu Tổng thống Trump nhằm “xóa bỏ nhà nước ngầm và trao lại quyền lực cho người dân Mỹ,” trong đó bao gồm một cam kết rõ ràng về việc ban hành lại sắc lệnh năm 2020, “sử dụng quyền lực đó một cách mạnh mẽ” và “sa thải những viên chức ăn hại.”
Nội dung của quy tắc mới?
Quy tắc này đang được công bố trong cơ quan ghi danh liên bang và sẽ có hiệu lực vào tháng tới, để sẵn sàng chống lại một sắc lệnh Lịch trình F trong tương lai bằng cách củng cố địa vị và các biện pháp bảo vệ công chức xuất thân từ nhân viên liên bang.
Quy tắc này quy định rằng các biện pháp bảo vệ công việc phát sinh từ một nhân viên chính phủ không thể bị tước bỏ do việc tùy ý chuyển từ công chức cạnh tranh (các chức vụ được bổ nhiệm theo quy tắc tuyển dụng và thang lương của OPM) sang công chức ngoại lệ (các chức vụ được bổ nhiệm theo một quy trình riêng biệt, thường có quá trình tuyển dụng được sắp xếp hợp lý hơn).
Tương tự, theo quy tắc mới, việc chuyển từ một lịch trình công chức ngoại lệ này sang lịch trình công chức ngoại lệ khác sẽ không tước bỏ các biện pháp bảo vệ đó của nhân viên liên bang.
OPM cho biết trong một tuyên bố, “Một khi một công chức chuyên nghiệp nhận được các biện pháp bảo vệ, nhân viên đó sẽ luôn có được các biện pháp bảo vệ đó, trừ phi họ tự nguyện từ bỏ.”
Quy tắc này cũng nêu rõ rằng các phân loại hoạch định chính sách áp dụng cho các chức vụ được bổ nhiệm phi chuyên nghiệp và chính trị và không thể áp dụng cho các công chức chuyên nghiệp.
Cụ thể, quy tắc mới này quy định rằng nhóm từ các vị trí “bí mật, xác định chính sách, hoạch định chính sách, hoặc vận động chính sách” (mô tả các vị trí không nhận được các biện bảo vệ công vụ) chỉ có thể được sử dụng để chỉ các chức vụ được bổ nhiệm phi chuyên nghiệp, chính trị và không được áp dụng cho các viên chức chuyên nghiệp nhằm tước bỏ những biện phải bảo vệ họ.
Quy tắc cuối cùng cũng thiết lập các yêu cầu thủ tục mới để chuyển các vị trí từ công chức cạnh tranh sang công chức ngoại lệ và trong phạm vi công chức ngoại lệ. Đặc biệt, quy tắc này tạo ra một quy trình kháng cáo cho các nhân viên liên bang khi bất kỳ hành động nào như vậy là không tự nguyện và liên quan đến việc tước bỏ các biện pháp bảo vệ công chức của nhân viên.
Phó Giám đốc OPM Rob Shriver cho biết trong một tuyên bố: “Quy tắc cuối cùng này được xây dựng dựa trên nỗ lực của Chính phủ Biden-Harris trong ba năm qua, nhằm củng cố các cơ quan liên bang và lực lượng nhân sự liên bang.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times