Chính phủ TT Biden: Sẵn sàng tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran
Hôm thứ Năm (18/02), Hoa Kỳ cho biết nước này đã sẵn sàng đối thoại với Iran về việc cả hai quốc gia quay trở lại một thỏa thuận vào năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran mua vũ khí hạt nhân, tìm cách hồi sinh một thỏa thuận mà chính phủ cựu TT Trump đã từ bỏ gần ba năm về trước khi họ chỉ trích việc chế độ này sử dụng của cải của nhân dân Iran để tài trợ cho các hoạt động khủng bố trong khu vực thay vì giúp đỡ người dân Iran.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhấn mạnh lập trường của Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ chỉ quay trở lại hiệp ước đó – chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) – nếu Tehran tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này.
Ông Blinken đã công bố quyết định này trong một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng của Anh Quốc, Pháp và Đức – một nhóm có tên là E3 – vốn đã được tập hợp tại Paris.
“Nếu Iran quay lại việc tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của họ theo JCPOA, Hoa Kỳ sẽ làm điều tương tự và sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran hướng tới mục đích đó,” một tuyên bố chung của bốn quốc gia trên cho biết.
Iran đã công khai thừa nhận việc vi phạm thỏa thuận này vào năm 2019, khoảng một năm sau khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút lui và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ. Chính phủ TT Trump [khi đó] cho biết các lệnh trừng phạt không phải là nhằm thay đổi chế độ, mà là để đối phó với hành vi gây bất ổn của những kẻ cầm quyền Iran – những người mà họ cáo buộc là nhà tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới. Kể từ cuối năm 2017, chế độ này đã phải vật lộn với các cuộc biểu tình lớn về kinh tế từ người dân trong nước yêu cầu các nhà lãnh đạo của họ chia sẻ của cải của đất nước và giải quyết nhu cầu của người dân.
Đảng viên Cộng Hòa đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Dân biểu Michael McCaul của Texas, đã nhanh chóng lên án những bước đi này. Ông nói: “Thật đáng lo ngại về việc Chính phủ TT Biden đã tiến hành nhượng bộ trong một nỗ lực rõ ràng để tái gia nhập một thỏa thuận đầy khiếm khuyết với Iran này. Chính phủ cựu TT Trump đã tạo ra ưu thế cho Tổng thống Biden đối với Iran—chúng ta không nên lãng phí bước tiến đó.”
Một quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ tích cực đáp lại bất kỳ lời mời nào của Liên minh châu Âu tới các cuộc đối thoại giữa Iran và 6 cường quốc đã từng tham gia đàm phán thỏa thuận ban đầu: Anh Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Hoa Kỳ.
“Chúng tôi sẵn sàng xuất hiện nếu một cuộc họp như vậy diễn ra,” vị quan chức này nói với Reuters, sau khi một quan chức cao cấp của EU đưa ra ý tưởng triệu tập các cuộc đàm phán như vậy. Vẫn chưa rõ liệu sẽ có bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra hay không, chứ chưa nói đến thời gian và địa điểm.
Phản ứng trước tuyên bố của bốn quốc gia này, Bộ trưởng Ngoại giao của chế độ Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Hoa Thịnh Đốn nên thực hiện hành động đầu tiên bằng cách chấm dứt các lệnh trừng phạt của mình.
“Thay vì ngụy biện và áp đặt trách nhiệm lên Iran, E3/EU phải tuân thủ các cam kết của chính mình và yêu cầu chấm dứt di sản của cựu TT Trump về chủ nghĩa khủng bố kinh tế chống lại Iran,” ông Zarif cho biết trong một tweet.
“Các biện pháp khắc phục của chúng tôi là phản ứng đối với các vi phạm của US/E3. Hãy loại bỏ nguyên nhân đó nếu quý vị lo sợ về hậu quả,” ông này nói tiếp. “Chúng tôi sẽ tuân theo [nguyên tắc] HÀNH ĐỘNG này đi đôi với hành động kia.”
Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ
Chế độ thần quyền của người Shiite ở Tehran đã gây sức ép buộc TT Biden phải bắt đầu đảo ngược các lệnh trừng phạt do cựu TT Trump áp đặt vào tuần tới, cảnh báo rằng họ sẽ thực hiện bước đi lớn nhất của mình để phá vỡ thỏa thuận nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng – đó là cấm các hoạt động kiểm tra hạt nhân được báo sát giờ của cơ quan giám sát Liên Hợp Quốc để ngăn chặn các hoạt động hạt nhân mà không có mục đích dân sự đáng tin cậy.
Anh Quốc, Pháp, Đức, và Hoa Kỳ kêu gọi Iran kiềm chế bước đi đó và nhắc lại mối lo ngại của họ về các hành động gần đây của Iran nhằm sản xuất cả uranium được làm giàu lên đến 20% và kim loại uranium.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội đồng châu Âu đã hội đàm với ông Rouhani trong tuần này để cố gắng chấm dứt bế tắc ngoại giao nói trên. Giám đốc IAEA dự kiến sẽ đến Iran vào cuối tuần này để tìm giải pháp cho phép cơ quan này tiếp tục các cuộc thanh tra.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, người đã tham gia các cuộc đàm phán này, cho biết rằng Iran đang “đùa với lửa.”
“Các biện pháp đã đang được thực hiện ở Tehran và có thể sẽ được thực hiện trong những ngày tới hoàn toàn vô ích. Chúng gây nguy hiểm cho con đường của người Mỹ quay trở lại hiệp định này. Càng tạo ra nhiều áp lực thì sẽ càng khó để tìm ra một giải pháp về mặt chính trị,” ông nói.
Các mối đe dọa của Iran là “rất đáng lo ngại,” Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói, nhấn mạnh sự cần thiết “phải tái can dự về mặt ngoại giao để kiềm chế Iran, những cũng đưa Iran quay trở lại việc tuân thủ.”
Các nhà ngoại giao cũng bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền ở Iran và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Các quan chức của chính quyền TT Biden đã đưa ra một số cử chỉ hòa giải đối với Iran, chẳng hạn như nới lỏng các hạn chế đi lại đối với các nhà ngoại giao trong phái đoàn ngoại giao của nước này tại Liên Hợp Quốc mà chính quyền cựu TT Trump đã áp đặt vào năm 2019, vốn đã giới hạn họ trong một khu vực nhỏ của Thành phố New York.
Chính phủ TT Biden cũng đã rút lại khẳng định của chính phủ cựu TT Trump rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đã được áp dụng trở lại đối với Iran vào tháng 9 do Iran “không thực hiện đáng kể” các nghĩa vụ JCPOA của mình, theo một bức thư của Hoa Kỳ gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Reuters có được.
Do John Irish, Humeyra Pamuk, và Arshad Mohammed của Reuters thực hiện
Với sự đóng góp của The Associated Press và The Epoch Times.
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: