Chính phủ TT Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Cuba và Venezuela
Tòa Bạch Ốc đang đảo ngược một số biện pháp trừng phạt đối với Cuba và chế độ cộng sản của nước này.
Theo chính sách sửa đổi, chính phủ Tổng thống Biden sẽ mở rộng các chuyến bay đến quốc đảo này và nới lỏng các hạn chế đi lại cho công dân Hoa Kỳ. Khả năng truy cập nhiều hơn vào các dịch vụ internet, ứng dụng và các nền tảng thương mại điện tử của Hoa Kỳ cũng là một phần của sự thay đổi chính sách.
Thêm vào đó, những người nhập cư Cuba sống ở Hoa Kỳ sẽ có quyền tự do hơn trong các khoản thanh toán mà họ được phép gửi cho người dân trên đảo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm 16/05.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các gia đình và các chủ doanh nghiệp Cuba bằng cách tạo điều kiện cho dòng kiều hối đến tay người dân Cuba theo những cách không làm giàu cho những kẻ lạm dụng nhân quyền.”
“Chúng tôi sẽ nâng mức giới hạn chuyển tiền cho gia đình là 1,000 USD mỗi quý và sẽ hỗ trợ chuyển tiền biếu tặng cho các chủ doanh nghiệp Cuba, với mục tiêu tiếp tục trao quyền cho các gia đình hỗ trợ lẫn nhau và để các doanh nhân mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.”
Hôm 17/05, chính phủ tuyên bố rằng họ sẽ nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Venezuela.
Những thay đổi hạn chế trong các chính sách hiện tại với quốc gia Nam Mỹ này sẽ cho phép Công ty Chevron đàm phán giấy phép của mình với PDVSA, công ty dầu mỏ quốc doanh của Venezuela.
Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với chính quyền ở Caracas bắt đầu vào năm 2005, khi Tổng thống George W. Bush xác định rằng chính phủ của ông Hugo Chavez, nhà lãnh đạo Venezuela đương thời, đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình đối với các thỏa thuận chống buôn bán ma túy toàn cầu.
Thông báo về Venezuela diễn ra sau cuộc họp của phái đoàn cao cấp từ Hoa Thịnh Đốn với nhà lãnh đạo Venezuela đương nhiệm Nicolás Maduro hôm 05/03 để thảo luận về khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm đổi lấy quyền tiếp cận dầu mỏ.
Các thượng nghị sĩ và nhà phân tích của Hoa Kỳ đã nhanh chóng lên tiếng phản đối những thay đổi chính sách được công bố cho cả hai quốc gia, vốn giúp các chính phủ cộng sản và xã hội chủ nghĩa có lịch sử thù địch lâu dài với Hoa Kỳ trở nên kiên cố.
Nhà phân tích Tiến sĩ Orlando Gutierrez-Boronat nói với The Epoch Times, thái độ mới của chính phủ ông Biden đối với Cuba dựa trên những giả định sai lầm về chính phủ của họ. Ông khẳng định điều đó đặc biệt đúng khi nói đến làn sóng người di cư chạy trốn khỏi Cuba.
Ông Gutierrez-Boronat cho biết, “Chính phủ ông Biden đã cho chế độ độc tài cộng sản ở Cuba thấy rằng họ có thể, một lần nữa, tống tiền Hoa Kỳ bằng cách vũ khí hóa nhập cư.”
Ông cũng cho biết, không chắc rằng các chính sách linh hoạt hơn của ông Biden sẽ dẫn đến một “không gian kinh tế độc lập” ở Cuba.
“Những biện pháp này sẽ chỉ hỗ trợ cho chế độ độc tài quân sự Cuba trả nợ chủ nghĩa tư bản thân hữu ký sinh vốn sẽ làm giàu mạng lưới bảo trợ của họ trong xã hội Cuba chứ không giúp ích gì cho những người Cuba bình thường.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Menendez, một thành viên Đảng Dân Chủ kiêm chủ tịch Ủy ban Quan hệ Ngoại giao Thượng viện, cũng chia sẻ những mối lo ngại của mình sau lời tuyên bố thay đổi chính sách với chế độ Cuba hôm 16/05.
“Tuyên bố hôm nay có nguy cơ gửi thông điệp sai đến nhầm người, vào thời điểm không đúng, và vì tất cả những lý do sai lầm,” ông cho biết.
Việc Hoa Kỳ tăng cường đi lại với Cuba với hy vọng sẽ “nuôi dưỡng nền dân chủ” giống như sống trong một tình trạng phủ nhận, ông nói thêm.
Ông Menendez chỉ ra những thập niên đi lại và du lịch mà Cuba đã chứng kiến từ những quốc gia khác trong suốt thời kỳ chế độ cộng sản ở cương vị quản lý hơn nửa thế kỷ, nhưng không có gì thay đổi.
Ông cho biết, chính phủ Cuba cuối cùng đã “cười nhạo” ý tưởng loại bỏ bất kỳ mức độ kiểm soát nào đối với những người dân chịu đựng lâu dài của mình.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cho biết họ dự định khôi phục Chương trình Tạm tha Đoàn tụ Gia đình Cuba nhằm “tăng cường hơn nữa các dịch vụ lãnh sự và giải quyết thị thực.”
Điều này sẽ giúp nhiều người Cuba có thể đoàn tụ với gia đình của họ ở Hoa Kỳ thông qua các kênh di cư thông thường, đây là một biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư vượt biên bất hợp pháp.
Thượng nghị sĩ John Barrasso, thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu trong Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên tại Thượng viện, đã phản đối việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Venezuela.
Ông nói: “Kinh nghiệm của chúng ta khi mua năng lượng của Nga lẽ ra đã dạy cho Tổng thống Biden rằng mua năng lượng từ những tên bạo chúa là một đề nghị nguy hiểm.”
Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez đã đăng trên Twitter rằng các tin tức trên truyền thông về việc các công ty dầu mỏ của Hoa Kỳ đàm phán nối lại hoạt động ở Venezuela là chính xác.
“Venezuela mong muốn rằng những quyết định này của Hoa Kỳ [sẽ] mở đường cho việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt bất hợp pháp ảnh hưởng đến tất cả người dân của chúng tôi,” bà nói.
Ông Barrasso cho biết, “Việc cấp vốn cho kẻ chuyên chế không phải vì lợi ích quốc gia. “Hỗ trợ cho ngành năng lượng của Hoa Kỳ mới là [vì lợi ích quốc gia].”
Dân biểu Michael McCaul, thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu của Ủy ban Các vấn đề Ngoại giao tại Hạ viện, tán thành. Ông cho rằng sự thay đổi chính sách với Venezuela đang “trao quyền cho chế độ độc tài Maduro và làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc đưa các con tin Hoa Kỳ bị giam giữ ở Venezuela về nhà.”
Ông cho biết thêm rằng áp lực kinh tế là một trong các cách duy nhất để để buộc chế độ của ông Maduro phải hành động một cách thiện chí. Ông McCaul nói rằng việc từ bỏ áp lực sẽ dẫn đến hậu quả tai hại, dưới hình thức khuyến khích chính phủ Venezuela tiếp tục các hoạt động phi pháp của họ và cũng, về căn bản, tài trợ cho các hành động tham nhũng của họ.
Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: