Chính phủ TT Biden dỡ bỏ lệnh trừng phạt hạt nhân dân sự của Iran
Hôm thứ Sáu (04/02) chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến các hoạt động hạt nhân dân sự của Iran.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã chuẩn thuận một số lệnh miễn trừng phạt liên quan đến các hoạt động hạt nhân dân sự của Iran. Điều này sẽ giúp các quốc gia và công ty ngoại quốc hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân dân sự của Iran được miễn khỏi các hình phạt của Hoa Kỳ.
Tờ Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin về việc miễn trừ trừng phạt này hôm thứ Sáu (04/02), nói rằng họ có mục đích biến lò phản ứng nước nặng Arak của Iran thành một lò phản ứng nước nhẹ ít nguy hiểm hơn và cũng áp dụng cho việc xuất cảng uranium được làm giàu và nước nặng ra ngoài Iran. Sự miễn trừ này cũng sẽ tạo điều kiện cho việc gửi nhiên liệu đến hai lò phản ứng được sử dụng cho mục đích dân sự.
Hành động này được đưa ra khi chính phủ TT Biden hy vọng sẽ đưa Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vốn áp đặt các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế.
Chính phủ cựu TT Trump đã rút khỏi thỏa thuận đó vào năm 2018 trước khi áp dụng lại các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo đối với nước này.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận này ngay cả trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông bắt đầu, gọi đó là “một thỏa thuận kinh khủng, một chiều đáng lẽ không bao giờ được thực hiện”.
Bộ Ngoại giao cho biết trong một thông tri gửi lên Quốc hội để thông báo về hành động này hồi tuần trước, “Việc miễn trừ [trừng phạt] đối với các hành động này được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán đạt được thỏa thuận về khôi phục cam kết đầy đủ của các bên theo JCPOA, đặt nền móng để Iran trở lại thực hiện các cam kết trong JCPOA của mình.”
Bộ cho biết: “Kế hoạch này cũng được thiết kế để phục vụ lợi ích không phổ biến và an toàn hạt nhân của Hoa Kỳ cũng như hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran. Nó được ban hành như một vấn đề về chính sách tự quyết với những mục tiêu này trong ý tưởng, và không theo một cam kết hay làm thế để đổi lấy được điều gì đó. Chúng tôi đang tập trung làm việc với các đối tác và đồng minh để chống lại toàn bộ các mối đe dọa mà Iran gây ra.”
Quyết định hôm thứ Sáu được đưa ra sau vòng đàm phán gián tiếp thứ tám vào tháng trước giữa Hoa Kỳ và Iran, với sự tham dự của đại diện Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh, và Iran, tại thủ đô Vienna của Áo về thỏa thuận hạt nhân này.
Hoa Kỳ đang tham gia gián tiếp vào các cuộc đàm phán vì Iran từ chối tiếp xúc trực tiếp.
Tổng thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu rằng ông muốn tái gia nhập thỏa thuận này nhưng cho đến tuần trước vẫn giữ nguyên tất cả các lệnh trừng phạt Iran thừa hưởng từ chính phủ cựu TT Trump.
Những người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân đã lập luận rằng ngay cả khi chính phủ TT Biden muốn quay trở lại thỏa thuận năm 2015 thì ít nhất cũng nên yêu cầu Iran nhượng bộ trước khi đưa ra biện pháp giảm nhẹ trừng phạt từ trước.
“Từ góc độ đàm phán, họ trông có vẻ tuyệt vọng: chúng ta sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi chúng ta đạt được một thỏa thuận, chỉ cần nói đồng ý thôi!” ông Rich Goldberg, một tiếng nói đối lập có ảnh hưởng và là cố vấn cao cấp của Tổ chức bảo vệ các Nền dân chủ hiếu chiến cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) nói rằng ngay cả khi Iran quay trở lại tuân thủ các hạn chế hạt nhân trong thỏa thuận năm 2015, thì “chương trình hạt nhân đang leo thang nguy hiểm và nhanh chóng” của Iran đã “đặt họ ở điểm nút tiến đến việc có đủ nguyên liệu cho một vũ khí hạt nhân.”
“Mặc dù thỏa thuận mà Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta đang theo đuổi ở Vienna nhìn ngoài có vẻ như tìm cách đảo ngược tiến bộ công nghệ, nhưng việc thu nhận kiến thức không bao giờ đảo ngược được”, ông nói trong bài diễn văn tại Hạ viện hôm thứ Tư (02/02). “Tại thời điểm này, chúng ta thực sự phải hỏi, ‘Chính xác thì chúng ta đang cố gắng cứu vãn điều gì?’”
Hiện Iran rõ ràng đã làm giàu uranium đến độ tinh khiết 60%, cần 20 đến 30% độ tinh khiết cần thiết nữa để chế tạo vũ khí, nhưng họ lại bác bỏ việc mình đang theo đuổi con đường vũ khí hạt nhân.
Các cuộc đàm phán ở Vienna đang diễn ra như một phần trong nỗ lực đưa cả Hoa Kỳ lẫn Iran trở lại thỏa thuận năm 2015 và hành động mới nhất này được cho là sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán tiến về phía trước.
Hồi cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã nhanh chóng biện hộ cho các miễn trừ trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran, nói rằng hành động này không nhằm mục đích giảm căng thẳng.
Ông Price cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không đưa ra các biện pháp giảm nhẹ trừng phạt đối với Tehran trước khi nước này quay trở lại các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Chúng tôi KHÔNG đưa ra biện pháp giảm nhẹ trừng phạt đối với Iran và SẼ KHÔNG cho đến khi/chừng nào Tehran quay trở lại các cam kết của mình theo JCPOA,” ông Price viết trên Twitter.
Ông Price nói: “Chúng tôi đã làm chính xác những gì mà chính phủ tiền nhiệm đã làm: cho phép các đối tác quốc tế của chúng tôi giải quyết các nguy cơ không phổ biến và an toàn hạt nhân đang ngày càng phát triển ở Iran.”
Trong khi đó, hôm 05/02, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết hành động của Hoa Kỳ là “chưa đủ” và Hoa Thịnh Đốn nên cung cấp các bảo đảm chính trị và kinh tế cho việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt tự nó có thể chuyển thành thiện chí,” ông Amir-Abdollahian nói, theo truyền thông nhà nước Iran.
“Mặc dù những gì trên giấy là tốt, nhưng vẫn chưa đủ,” ông nói thêm. “Chúng tôi yêu cầu bảo đảm về các lĩnh vực chính trị, luật pháp, và kinh tế. Một số thỏa thuận đã đạt được.”
Cũng hôm đó, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng không có thỏa thuận nào có thể hạn chế “quyền hợp pháp của Iran để tiếp tục nghiên cứu và phát triển” cũng như “duy trì các thành tựu và năng lực hạt nhân hòa bình cùng với an ninh chống lại các thế lực xấu được hỗ trợ.”
Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô phụ trách tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung vào Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Phù Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: