Chính phủ TT Biden đạt được thỏa thuận với Mexico để khởi động lại chính sách bảo vệ người di cư
Các quan chức chính phủ cho biết họ phản đối chương trình này, nhưng đang tuân theo lệnh của tòa án.
Chính phủ Tổng thống (TT) Joe Biden đang chính thức khởi động lại một chương trình sẽ khiến một số người xin tị nạn phải chờ ở Mexico trước khi yêu cầu tị nạn của họ được xét xử.
Chương trình Nghị định thư Bảo vệ Người di cư (MPP), thường được gọi là “Ở lại Mexico”, được bắt đầu từ thời cựu TT Trump và tỏ ra hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Hôm thứ Năm (02/12), Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) thông báo Hoa Kỳ sẽ khởi động lại chương trình này vào hoặc khoảng xung quanh ngày 06/12, sau khi đạt được thỏa thuận với các đối tác ở Mexico.
Vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, TT Biden đã cho ngừng chương trình này, mô tả nó là “nguy hiểm” và “vô nhân đạo”. Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, một ứng cử viên của TT Biden, hồi tháng Sáu đã chính thức loại bỏ chương trình này, tuyên bố rằng “giờ đây những thách thức, rủi ro, và chi phí mà chương trình này gây ra đã vượt xa bất kỳ lợi ích nào mà nó có thể mang lại.”
Nhưng ông và các quan chức khác đã không tuân thủ luật liên bang về việc chấm dứt các chính sách, theo phán quyết của một thẩm phán hồi tháng Tám.
Ông Mayorkas đã phớt lờ việc cơ quan của ông nhận ra rằng MPP đã trở thành “một công cụ không thể thiếu để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biên giới phía nam và khôi phục tính liêm chính cho hệ thống nhập cư,” Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Matthew Kacsmaryk, một ứng cử viên của cựu TT Trump, tuyên bố. Ông đã ra lệnh cho chính phủ hành động một cách thiện chí để khởi động lại chương trình này.
Các tiểu bang Texas và Missouri đã kiện chính phủ TT Biden về việc chấm dứt MPP, dẫn đến phán quyết trên.
Các quan chức Hoa Kỳ đã thông báo trong các bản cập nhật định kỳ sau khi có phán quyết rằng họ đang chuẩn bị làm theo lệnh nhưng đã bị cản trở vì Mexico từ chối thiết lập một mối quan hệ đối tác mới.
Ông Marcelo Ebrard, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico, cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã đồng ý giải quyết các mối quan tâm về nhân đạo mà các quan chức Mexico bày tỏ, và sẽ cung cấp thêm nguồn lực để tim nơi lưu trú người nhập cư trong khi chờ đợi các thẩm phán Hoa Kỳ xét xử yêu cầu tị nạn của họ.
Do đó, Mexico đã đồng ý nối lại vai trò của mình trong MPP “vì những lý do nhân đạo và trên cơ sở tạm thời,” ông nói.
Các nhân viên của DHS được thông báo trong một bản ghi nhớ (pdf) rằng chính phủ Hoa Kỳ “đã thực hiện một số thay đổi” đối với chương trình này để thỏa mãn phía Mexico. Chính phủ cho biết, họ sẽ làm việc với các đối tác Mexico để bảo đảm những người xin tị nạn được đưa về phía nam biên giới sẽ có nơi trú ẩn và phương tiện đi lại hai chiều an toàn đến các phiên xét xử của tòa án.
Bất kỳ người nhập cư bất hợp pháp nào đến từ một quốc gia ở Tây Bán Cầu không phải là Mexico đều phải tuân theo MPP, ngoại trừ trẻ em nhập cư đến mà không có người lớn chịu trách nhiệm đi kèm và những người được coi là “có nhiều nguy cơ bị tổn hại ở Mexico do khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới của họ.”
Chương trình này có thể sẽ không duy trì được lâu.
Hồi tháng Mười, ông Mayorkas cho biết ông sẽ chấm dứt MPP ngay khi các tòa án đảo ngược lệnh tạm hoãn sơ bộ do ông Kacsmaryk đưa ra, mặc dù lệnh cấm đó đã được cả một tòa phúc thẩm và Tối cao Pháp viện ủng hộ.
Một lệnh tạm hoãn sơ bộ có nghĩa là tạm thời, và có thể được ông Kacsmaryk hoặc một tòa án cấp cao hơn dỡ bỏ. Vụ kiện liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ và hai tiểu bang khởi kiện này vẫn đang diễn ra.
Trung tâm Tư pháp Nhập cư Quốc gia đã lên tiếng chỉ trích việc tiếp tục lại MPP.
Bà Lisa Coop, phó giám đốc dịch vụ pháp lý của trung tâm trên, cho biết: “Mỗi đứa trẻ, người lớn, hoặc gia đình bị ảnh hưởng bởi sự khôi phục này sẽ phải chịu khổ đau vì chính phủ này đã không duy trì quyền xin tị nạn hợp pháp của họ trên đất Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, quan điểm này không phổ biến.
Dân biểu Bob Latta (Cộng Hòa-Ohio) cho biết: “Đây là một tin tuyệt vời trong lúc chúng ta tiếp tục đấu tranh để bảo đảm an toàn cho biên giới phía nam của mình.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: