Chính phủ Tổng thống Biden dự kiến sẽ khôi phục các biện pháp kiểm soát giá cả
Theo các nhà phân tích trong lĩnh vực, giá xăng tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất trong lịch sử và không có hy vọng giá sẽ giảm nhanh chóng. Giá trung bình cho một gallon xăng thông thường ở Hoa Kỳ hiện đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội và chính phủ ông Biden khẳng định rằng có thể tìm được một giải pháp bằng cách ngăn chặn việc tăng giá bóc lột của đại công ty dầu lửa (Big Oil) tại trạm xăng.
Tháng trước, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã thông qua Đạo luật Ngăn Việc nâng giá Nhiên liệu tiêu dùng Cơ hội, theo đó trao quyền cho các chính trị gia và quan chức thực hiện các vụ kiện dân sự chống lại các công ty xăng có hành vi “định giá vô lương tâm” như được định nghĩa trong dự luật này.
Luật cho phép tổng thống quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng lên tới 30 ngày, với tùy chọn gia hạn tuyên bố.
Mặc dù thuật ngữ “định giá vô lương tâm” khó có thể bị loại bỏ, nhưng dự luật này cố gắng làm cho việc tăng giá xăng theo cách săn mồi là bất hợp pháp.
Theo ông Jack Spencer, nhà nghiên cứu cao cấp về chính sách năng lượng và môi trường tại Quỹ Di sản: “Vì vậy, về căn bản, điều dự luật này sẽ làm, trong thời hạn không giới hạn, là tạo ra một hệ thống nơi các chính trị gia và quan chức có thể quyết định mức giá phù hợp và những người tốt là thế nào.”
Ông Spencer gọi dự luật này là một công thức cho “thảm họa” trong một cuộc thảo luận trực tuyến hôm 01/06 do nhóm tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống tổ chức.
Giá tại trạm xăng đã tăng lên mức trung bình trên toàn quốc là 4.87 USD/gallon vào hôm 06/06, theo AAA. Ở một số vùng nhất định của California, trung bình người lái xe phải trả hơn 7 USD/gallon.
Nhiều nhà kinh tế thuộc tất cả các đảng chính trị đều phản đối việc kiểm soát giá cả như một phương tiện để kiềm chế lạm phát. Họ nói rằng việc làm này sẽ lặp lại những sai lầm dẫn đến trình trạng xếp hàng mua xăng vào những năm 1970.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers đã gọi dự luật nâng giá cơ hội này là “hành động khờ dại nguy hiểm”.
Ông Summers, người từng phục vụ dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, cáo buộc Đảng Dân Chủ đã tạo ra “sự nhầm lẫn về phương hướng” và coi thường “các yếu tố quyết định thực sự của lạm phát”, điều mà theo ông là do nhu cầu tăng cao do các biện pháp kích thích quá mức tạo ra.
Dự luật này cũng vấp phải sự phản đối của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nơi gọi nó là “Đạo luật Mang lại những Dòng người xếp hàng mua xăng những năm 1970”.
Tại sao kiểm soát giá lại gây tranh cãi?
Sau khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thành lập Văn phòng Quản lý Giá cả (OPA) để điều chỉnh việc định giá các mặt hàng quan trọng và áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả. Nỗ lực này, được các nhà kinh tế học nổi tiếng ủng hộ, nhằm hạn chế mức tăng giá đột biến trong bối cảnh nhu cầu thời chiến đối với các mặt hàng quan trọng ngày càng gia tăng.
Một số người tin rằng trong khi các biện pháp kiểm soát giá có hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát tạm thời, chúng đã làm phát sinh thị trường chợ đen, phân bổ và thiếu hụt. Năm 1947, OPA bị giải tán.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát giá đã được đưa ra lại trong Chiến tranh Triều Tiên và chính phủ Tổng thống Nixon.
Vào tháng 08/1971, Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh đóng băng giá cả và tiền lương trong 90 ngày, đây là một hành động đột ngột và táo bạo. Lạm phát đã hạ nhiệt trong một thời gian nhưng giá dầu tăng từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973 đã làm cho lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Theo nhà phân tích ngành Trilby Lundberg của công ty khảo sát Lundberg, chuyên theo dõi giá cả tại các trạm xăng trên toàn quốc, có “mối nguy lớn” rằng thứ gì đó giống như các biện pháp kiểm soát những năm 1970 có thể xuất hiện trở lại vào năm 2022.
Bà Lundberg viết trong một lưu ý gần đây cho khách hàng: “Khi Tổng thống Nixon thiết lập các biện pháp kiểm soát giá cả vào năm 1971, lẽ ra chúng chỉ được kéo dài 90 ngày. Thay vào đó, chúng tồn tại gần 10 năm. Vào thời điểm đó, các biện pháp kiểm soát giá đã phổ biến với công chúng, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát giá cả.”
Các sáng kiến kiểm soát giá xăng dầu và xăng tự nhiên của ông Nixon vẫn tiếp tục nhưng chúng kém hiệu quả hơn nhiều. Lạm phát, ở mức trên 4% một chút vào năm 1971, đã lên tới hai con số.
Ông David Kreutzer, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng nhận xét tại hội đồng Di sản: “Khi quý vị có các biện pháp kiểm soát giá ràng buộc, quý vị sẽ bị thiếu hụt. Và sự thiếu hụt biểu hiện thành việc xếp hàng dài mua xăng.”
Có những câu chuyện về những người chờ đợi hàng giờ đồng hồ, điều này không có gì lạ, ông nói thêm, “Một lần nọ, tôi đã đợi xếp hàng trong gần ba giờ.”
Bà Lundberg bác bỏ lời đồn rằng tình trạng thiếu xăng trong những năm 1970 là do lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập. Bà nhấn mạnh, các quy định của chính phủ như “đặt trần giá dầu, giới hạn tỷ suất lợi nhuận bán lẻ và cơ chế phân bổ”, là những nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng thiếu hụt và xếp hàng dài tại các trạm xăng.
Tình trạng thiếu hụt kéo dài cho đến khi Tổng thống Ronald Reagan bãi bỏ hoàn toàn việc kiểm soát giá cả vào năm 1981. Trong vòng 5 năm, giá xăng tại trạm xăng đã giảm 1/3.
Tại sao giá xăng lại tăng?
Theo ông Kreutzer, nguyên nhân thực sự của giá xăng cao ngày nay là do nguồn cung dầu hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu đã bị gián đoạn trong thời gian đại dịch. Ông nói, một phần của sự tăng giá cũng được cho là do gián đoạn nguồn cung do Nga xâm lược Ukraine.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã thực hiện gần 90 hành động làm gián đoạn nguồn cung trong nước, bao gồm hủy bỏ đường ống XL và hợp đồng thuê khoan dầu, đồng thời áp đặt các quy định khiến việc lọc dầu trở nên đắt đỏ hơn.
Ông Spencer đồng ý, đồng thời nói thêm rằng phong trào quản trị, xã hội và môi trường (ESG) ngày càng tăng cũng có tác động đến lĩnh vực này. Ông nói rằng các nỗ lực cắt bỏ ngân sách đối với khai thác nhiên liệu hóa thạch ngăn cản các khoản đầu tư thiết yếu vào lĩnh vực dầu khí để giảm giá năng lượng.
Ông Spencer nói: “Chúng ta cần phải dừng cuộc chiến về năng lượng.”
Mặt khác, các thành viên Đảng Dân Chủ cho rằng các nhà điều hành nhiên liệu hóa thạch cố tình giữ nguồn cung thấp để thu lợi nhuận, chỉ ra rằng lĩnh vực dầu mỏ đang có hơn 9,000 giấy phép khoan đã được cấp nhưng chưa sử dụng. Ông Biden và Đảng Dân Chủ đã nhiều lần đổ lỗi cho ngành công nghiệp dầu mỏ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nâng giá cơ hội”.
Tuy nhiên, các nhóm công nghiệp dầu mỏ đã bác bỏ những cáo buộc rằng các công ty dầu mỏ đang có hàng ngàn giấy phép chưa sử dụng.
Viện Dầu khí Hoa Kỳ tuyên bố trên trang web của mình để đáp lại: “Giếng khoan và hợp đồng thuê không giống như vòi và van nước.”
Nhóm này lưu ý rằng phải mất nhiều năm để một số lĩnh vực chuyển từ giai đoạn phát hiện sang sản xuất một phần do các rào cản về luật pháp và quy định, cho biết thêm rằng hàng ngàn hợp đồng thuê đã bị các nhà hoạt động môi trường đưa ra tòa.
Bà Lundberg lập luận rằng việc đổ lỗi cho các doanh nghiệp về việc nâng giá cơ hội là “bước đầu tiên để kiểm soát giá cả”.
Bà nói nếu ông Biden áp đặt các biện pháp kiểm soát, “mức giá choáng ngợp tại trạm xăng hiện sẽ dẫn đến việc trạm dừng bán, đóng cửa và hàng dài người lái xe tức giận”.
Theo những người ủng hộ, việc kiểm soát giá đã và đang được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Vẫn có giới hạn giá trong một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm các tiện ích công cộng, tiền thuê nhà và chăm sóc sức khỏe.
Viện Roosevelt, một tổ chức thiên tả khuyến nghị, vì các chính phủ đối mặt với tác động của COVID-19 và biến đổi khí hậu, việc ban hành các biện pháp kiểm soát giá có chọn lọc để bảo vệ người tiêu dùng khỏi hành vi nâng giá cơ hội sẽ là một chính sách khôn ngoan.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn tranh cãi về việc liệu các biện pháp kiểm soát giá có thể giải quyết vấn đề lạm phát của Mỹ hay không. Theo một số người, nó là một đơn thuốc dẫn đến thảm họa kinh tế.
Thêm nhiều cuộc tranh luận
Trong một báo cáo năm ngoái, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tòa Bạch Ốc cho rằng việc so sánh lạm phát ngày nay với thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến là phù hợp nhất.
Báo cáo nêu rõ, “Khoảng thời gian ngay sau Đệ nhị Thế chiến có khả năng cung cấp nghiên cứu điển hình phù hợp nhất, vì giai đoạn lạm phát nhanh chóng sau chiến tranh là do việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả, thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu bị dồn nén.”
Nhà kinh tế học Isabella Weber đã xuất bản một bài báo trên tờ Guardian vào cuối tháng 12/2021, trong đó bà đề cập đến điều tương tự mà Tòa Bạch Ốc đưa ra và ủng hộ việc kiểm soát giá cả như “một vũ khí mạnh mẽ để chống lạm phát”.
Bài báo đã thu hút sự chỉ trích từ cả các nhà kinh tế theo phái bảo tồn truyền thống và thiên tả ngay sau khi nó được xuất bản.
Nhà kinh tế thiên tả và nhà báo chuyên mục của New York Times, Paul Krugman, đã chỉ trích đề nghị này, viết trên Twitter trong một bài đăng hiện đã bị xóa: “Tôi không phải là người nhiệt tình với thị trường tự do. Nhưng điều này thực sự ngu ngốc.”
Vào tháng Một, Đại học Chicago đã thực hiện một cuộc khảo sát với các nhà kinh tế hàng đầu của đất nước để tìm hiểu về quan điểm của họ đối với các quy định về giá cả.
Khi được hỏi liệu các biện pháp kiểm soát giá tương tự như những biện pháp được sử dụng trong những năm 1970 có thể hạ thấp lạm phát của Hoa Kỳ thành công trong 12 tháng tới hay không, 65% trả lời rằng họ “không đồng ý” hoặc “hoàn toàn không đồng ý”.
Trong cuộc khảo sát, giáo sư Harvard Oliver Hart cho biết ông đồng ý, nhưng lưu ý rằng “Chúng có thể giảm lạm phát nhưng hậu quả sẽ là thiếu hụt và phải phân bổ”.
Ông Austan Goolsbee, một giáo sư tại Đại học Chicago và là cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama đã trả lời câu hỏi này: “Hãy dừng việc đó lại. Nghiêm túc đấy.”
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng chỉ 10% các nhà kinh tế tin rằng động lực chính dẫn đến lạm phát ngày càng cao hiện nay là các tập đoàn lớn ở các thị trường không cạnh tranh sử dụng sự thống trị thị trường của họ để tăng giá nhằm thu lợi nhuận.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.