Chính phủ Tổng thống Biden cảnh báo với các Tiểu bang về cuộc khủng hoảng nợ liên bang có thể kích hoạt suy thoái
Chính phủ của ông Biden đã đưa ra cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nợ liên bang đang chờ giải quyết có thể gây ra suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và gây ra tình trạng mất việc làm trên khắp Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một bức thư (pdf) gửi chính phủ các tiểu bang và địa phương được công bố hôm 17/09 rằng, “Việc chạm trần nợ có thể gây ra suy thoái kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại, thất nghiệp sẽ gia tăng và thị trường lao động có thể mất hàng triệu việc làm.”
Lập luận rằng Quốc hội cần tăng hoặc đình chỉ mức trần nợ của Hoa Kỳ, chính phủ cho biết cuộc khủng hoảng nợ có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của đất nước sau đại dịch virus Trung Cộng. Vào tháng Bảy, Quốc hội đã bỏ lỡ thời hạn đình chỉ hoặc nâng hạn mức nợ, khiến Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đưa ra một số cảnh báo gần đây rằng Bộ Tài chính của bà sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch và một cuộc khủng hoảng trần nợ tạo ra sẽ đe dọa những thành quả mà chúng ta đã đạt được và sự phục hồi trong tương lai.”
Bức thư của Tòa Bạch Ốc tiếp tục cho biết, nếu Hoa Kỳ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử khi Quốc hội không hành động, thì một số chương trình do liên bang tài trợ có thể bị dừng lại. Các chương trình này bao gồm Medicaid, tài trợ cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Bức thư nói thêm, “Nếu Hoa Kỳ không tuân theo các nghĩa vụ của mình, hiệu ứng dây truyền sẽ gây tổn hại cho các thành phố và tiểu bang trên toàn quốc,” đồng thời cho biết thêm rằng S&P 500 có thể lao dốc do bế tắc kéo dài.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi Quốc hội đã thông qua các gói chi tiêu và cứu trợ hàng ngàn tỷ USD trong những tháng gần đây, trong khi Đảng Dân Chủ hiện đang thúc đẩy một dự luật điều chỉnh ngân sách 3.5 ngàn tỷ USD được thiết kế để cung cấp tài chính cho một loạt các chương trình mới nhắm vào phúc lợi xã hội, khí hậu, và một số dự án cơ sở hạ tầng. Bởi vì hàng ngàn tỷ USD đã được bơm vào nền kinh tế, một số người đã bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp này đang kích hoạt lạm phát gia tăng, vốn đã làm chao đảo thị trường trong những tuần gần đây, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ tin rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời.
Bà Yellen gần đây đã nói chuyện với Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) để cố gắng khiến các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ủng hộ việc tăng giới hạn nợ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này của Đảng Cộng Hòa nói với các phương tiện truyền thông rằng ông không tin rằng bất kỳ thành viên nào của Đảng Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu để nâng giới hạn nợ.
Ông McConnell nói với Punchbowl News rằng, “Tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ một thành viên Đảng Cộng Hòa trong môi trường của chúng ta hiện nay—thuế và chi tiêu theo kiểu miễn phí cho tất cả – lại bỏ phiếu thuận để nâng giới hạn nợ.”
Nhưng một số quan chức chính phủ của ông Biden cho biết họ lạc quan rằng Quốc hội sẽ hành động trong những tuần tới để tránh một cuộc khủng hoảng.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese được Bloomberg News dẫn lời nói rằng, “Chúng ta đã thấy việc nâng trần nợ được lưỡng đảng [ủng hộ] một cách nhất quán [trong lịch sử] và cách tốt nhất để làm điều này là không có quá nhiều kịch tính, không có nhiều tổn hại tự gây ra đối với nền kinh tế và đất nước của chúng ta, và đó là những gì chúng ta sẽ làm. Bây giờ có rất nhiều thái độ về vấn đề này, nhưng chúng tôi tin tưởng cuối cùng chúng ta sẽ hoàn thành việc này.”
Tổng nợ quốc gia hiện tại là khoảng 28.7 ngàn tỷ USD. Vào tháng 07/2019, Quốc hội đã đình chỉ mức trần nợ, điều này ngăn chính phủ liên bang có [thêm] một lượng nhất định nợ quốc gia trong hai năm.
Ông Jack Phillips là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại New York.
Do Jack Phillips thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: