Chính phủ Philippines thất bại trong nỗ lực tuyên bố Đảng Cộng sản là tổ chức khủng bố
Một tòa án ở Philippines đã bác bỏ kiến nghị của chính phủ về việc tuyên bố Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và những kẻ khủng bố thuộc cánh vũ trang của đảng này, phán quyết rằng các hành vi sai phạm đó giống với một cuộc nổi dậy hơn là khủng bố.
Chính phủ đã đệ đơn kiện CPP và cánh vũ trang của đảng này, Quân đội Nhân dân Mới (NPA), vào tháng 02/2018. Nếu được chấp thuận, thì chính phủ sẽ được phép kiểm tra tài khoản ngân hàng của các thành viên và lãnh đạo đảng.
Bà Marlo Magdoza-Malagar, chủ tọa phiên tòa tại tòa sơ thẩm khu vực Manila, cho biết trong phán quyết hôm thứ Tư (21/09) rằng đấu tranh vũ trang và sử dụng bạo lực chỉ là “phương tiện” của CPP-NPA.
“Mặc dù cuộc đấu tranh vũ trang có bạo lực chắc chắn đi kèm với nó là phương tiện được chấp thuận để đạt được mục đích của CPP-NPA, nhưng phương tiện không đồng nghĩa với mục đích,” tòa án cho biết, Benar News đưa tin.
“Đấu tranh vũ trang chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích của CPP, nó không phải là mục đích của việc thành lập CPP,” tờ báo này nói thêm.
Bộ trưởng Tư pháp Jesus Crispin Remulla cho biết hôm thứ Năm (22/09) rằng văn phòng của ông sẽ kháng cáo.
Tòa án cho biết cả chín vụ tấn công được cho là do CPP-NPA thực hiện ở khu vực Mindanao đều là “các cuộc tấn công chớp nhoáng (đánh rồi rút lui) trong thời gian ngắn ngủi và các hành động bạo lực lẻ tẻ không có nạn nhân hoặc mục tiêu cụ thể”, vốn không gây ra “nỗi sợ hãi và hoảng loạn lan rộng và bất thường.”
Trong số chín vụ tấn công này có vụ bắt cóc bảy thường dân hồi tháng 05/2019, đốt nhà nguyện và nhà dân hồi tháng 05/2020, và vụ sát hại một giáo viên bất thành hồi tháng Mười cùng năm, The Manila Times đưa tin.
“Chủ nghĩa khủng bố có phạm vi lớn hơn so với nổi loạn; nổi loạn chỉ là một trong những cách thức khác nhau mà chủ nghĩa khủng bố có thể được thực hiện,” tờ báo cho biết.
“Có lẽ góp phần vào tác động thấp của những hành động tàn bạo nói trên là chiến lược chiến đấu được lựa chọn của CPP-NPA vốn là chiến tranh du kích trong bối cảnh chiến tranh nhân dân kéo dài,” tờ báo này cho biết thêm.
Tòa án đã đưa ra lo ngại về việc chính phủ “gắn thẻ đỏ” cho các cá nhân — một thuật ngữ được các nhà hoạt động sử dụng để mô tả việc bị gán cho là phiến quân cộng sản — nói rằng tư cách thành viên trong các tổ chức quần chúng không nhất thiết chỉ ra mối quan hệ của một người với nhóm phiến quân.
Một trong những cuộc nổi dậy lâu nhất ở Á Châu
Ông Emmanuel Salamat, một tướng hàng hải đã về hưu, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm của chính phủ giúp giám sát các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập niên, nói với các phóng viên rằng ông rất buồn trước quyết định của tòa án vì nhóm phiến quân cộng sản này đã từng thực hiện các hành động khủng bố, bao gồm cả sát nhân, trong nhiều thập niên.
Ông nói: “Điều này giống như coi thường sự hy sinh của quân đội chúng ta, những người tiên phong trên chiến trường, những người anh hùng đã hy sinh mạng sống của họ.” Ông còn trích dẫn về việc Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã đưa Quân đội Nhân dân Mới của phiến quân này vào danh sách tổ chức khủng bố.
Lực lượng nổi dậy theo chủ nghĩa Mao này đã được thành lập vào năm 1969 chỉ với khoảng 60 lính vũ trang ở khu vực phía bắc của đất nước nhưng phiến quân này đã dần lớn mạnh và lan rộng khắp cả nước.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times