Chính phủ mới của Hoa Kỳ có thể phá vỡ thế lực kép của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên không?
Chuyến công du gần đây tới Hàn Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Bộ tứ “2 + 2” đã nêu ra vấn đề về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Dù chính phủ mới của Hoa Kỳ có ý định quay lại trò chơi do Trung Cộng thao túng hơn bốn năm trước, hay là hoàn toàn từ bỏ Trung Cộng và tự mình đối mặt với Bắc Hàn thì đều sẽ ảnh hưởng đến chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng trong việc đưa ra cách giải quyết hiệu quả cho cuộc khủng hoảng nguyên tử Bắc Hàn.
Tại cuộc họp báo chung Hoa Kỳ – Hàn Quốc, ông Blinken cho biết chính phủ TT Biden “có kế hoạch hoàn thành việc đánh giá lại chính sách đối với Triều Tiên trong những tuần tới có sự phối hợp chặt chẽ và tham vấn với Hàn Quốc, Nhật Bản, và các đối tác quan trọng khác, bao gồm cả việc xem xét các lựa chọn và khả năng gây sức ép về ngoại giao trong tương lai.”
Điều này nói lên khá nhiều rằng chính phủ mới này không có những chiến lược hiệu quả cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cũng như không có chiến lược nào để ngăn chặn sự áp chế của Trung Cộng. Hành vi của Bắc Triều Tiên chứng tỏ họ nhận ra thực tế này.
Vài giờ trước cuộc đối thoại “2 + 2”, hôm 18/03, bà Choe Son Hui, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao của Bình Nhưỡng, đã đưa ra một tuyên bố nói rằng Bắc Triều Tiên đã nhận được nhiều email và cuộc gọi từ chính phủ TT Biden vào tháng Hai. Bà mô tả điều này như một “mánh khóe rẻ tiền.”
Hôm 16/03, bà Kim Yo Jong, em gái quyền lực của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã cảnh báo trong một tuyên bố rằng, “Nếu [Hoa Kỳ] muốn ngủ yên trong 4 năm tới, tốt hơn hết họ nên kiềm chế để không tạo ra căng thẳng trong bước đi đầu tiên của mình.”
Cảnh báo này được đưa ra sau khi Tham vụ báo chí Tòa bạch Ốc Jen Psaki nói rằng chính phủ này đã liên hệ với Bắc Triều Tiên thông qua “một số kênh, như chúng tôi đã luôn làm thế, để chúng tôi có thể tiếp cận. Nhưng, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào.”
Mặc dù ông Kim Jong Un không chúc mừng ông Biden nhậm chức, nhưng Bắc Triều Tiên trước hết có thể quan sát thái độ của chính phủ mới và cũng có thể giao tiếp với Hoa Kỳ. Cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ là nguyện vọng ngoại giao lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ đã đưa ra một cành ô liu, nhưng Bắc Triều Tiên từ chối nó và thậm chí cố tình bới móc. Về mặt logic, điều này rõ ràng là không hợp lý. Bóng đen của Trung Cộng dường như đã xuất hiện trở lại.
Trung Cộng đã phải cố gắng rất nhiều để cuối cùng nối lại liên lạc với Hoa Kỳ ở Alaska. Bắc Triều Tiên còn phải lo lắng về điều gì nữa? Ông Trump từng cho ông Kim Jong Un cơ hội gặp trực tiếp, và Bắc Triều Tiên cũng cho thấy họ không muốn trở thành con tốt của Trung Cộng. Đây được coi là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực ngoại giao. Bắc Triều Tiên kể từ đó đã tự kiềm chế mình. Ông Trump đã giữ cho Trung Cộng đứng ngoài vòng lặp này và tự mình giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông Trump đã phá vỡ thế lực kép giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đồng thời cũng phản công mạnh mẽ Trung Cộng và tách [Hoa Kỳ] ra khỏi Trung Cộng. Chứng kiến điều này, Bắc Triều Tiên đã khôn ngoan khi không đứng về phía Trung Cộng, và kết quả là cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên đã hạ nhiệt đáng kể.
Sau khi ông Biden nhậm chức, Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục quan sát, và sáng kiến đối thoại của chính phủ mới của Hoa Kỳ cũng là một cơ hội tốt. Tại sao Bắc Triều Tiên lại sẵn sàng trở lại làm con tốt của Trung Cộng một lần nữa? Điều này có lẽ liên quan trực tiếp đến chính sách Trung Quốc của ông Biden.
Cảnh giác hậu quả của con đường cũ
Mặc dù ông Biden đã xác định Trung Cộng là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất,” nhưng ông ấy đã ngăn chặn quá trình tách rời [Hoa Kỳ] khỏi Trung Cộng của ông Trump và tiếp tục đảo ngược các chiến thuật trước đó của ông Trump. Hiện tại, Bắc Triều Tiên không thể thấy được các bước mà chính phủ mới của Hoa Kỳ thực hiện để chống lại Trung Cộng một cách mạnh mẽ. Khi Bắc Triều Tiên thấy rằng Hoa Kỳ lại phải viện đến Trung Cộng về vấn đề Bắc Triều Tiên, thì cơ hội Bắc Triều Tiên hợp tác trực tiếp với Hoa Kỳ trở nên mỏng manh. Do đó, mọi thứ trở lại con đường cũ, và Bắc Triều Tiên sẽ phải xích lại gần Trung Cộng hơn.
Thông tin trong cuộc họp báo của bà Psaki đã xác nhận nhận định của Bắc Triều Tiên. Khi được hỏi về cuộc gặp Mỹ-Trung ở Anchorage thì bà đang mong đợi điều gì từ phản ứng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, bà nói, “Khi chúng tôi thảo luận vấn đề an ninh trong khu vực đó, chắc chắn các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên là một phần của khu vực đó, và hiển nhiên sẽ là một phần của cuộc thảo luận với phía Trung Quốc.”
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm 2 + 2 giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, ông Blinken cũng cho biết, “Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên theo đuổi phi hạt nhân hóa… Và tôi nghĩ rằng họ có mối quan tâm chung trong việc bảo đảm rằng chúng tôi sẽ làm gì đó về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và về chương trình hỏa tiễn đạn đạo đang ngày càng nguy hiểm này.” Ông Blinken hy vọng rằng “Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng đó một cách hiệu quả để thúc đẩy Bắc Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã nói rõ rằng họ không có ý định tách mình ra khỏi Trung Cộng về vấn đề Bắc Triều Tiên. Nói cách khác, Hoa Kỳ sẽ cho phép Trung Cộng thao túng Bắc Triều Tiên, điều này sẽ đẩy Bắc Triều Tiên về phía Trung Cộng. Nhìn thấy khả năng hợp tác riêng với Hoa Kỳ đã hết, cuối cùng Bắc Triều Tiên sẽ xích lại gần Trung Cộng một lần nữa, và cùng với Trung Cộng thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Hoa Kỳ.
Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận ra được điều này. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong đã phản ứng lại chính sách Bắc Triều Tiên tại hội nghị chung, nói rằng: “Giờ đây, thỏa thuận Singapore, theo quan điểm của chính phủ Hàn Quốc, là một sự xác nhận các nguyên tắc cơ bản để … giải quyết mối quan hệ Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên, thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, và phi hạt nhân hóa.”
Hàn Quốc hy vọng rằng chính phủ TT Biden sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược hiệu quả của cựu TT Trump. Hàn Quốc biết rằng Bắc Triều Tiên không thể thực sự thân thiện với Hàn Quốc. Đầu tư và hỗ trợ của Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên chỉ có thể khiến người dân Bắc Triều Tiên cảm kích Hàn Quốc. Khoảng cách quá lớn giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cũng sẽ phá vỡ những tuyên truyền dối trá của gia đình họ Kim. Ông Kim Jong Un sẽ không thân thiện với Hàn Quốc dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến quan hệ lúc nóng lúc lạnh giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc trong nhiều năm. Khi ông Kim Jong Un thiếu lương thực, ông ta giả vờ hợp tác, nhưng ngay lập tức trở mặt sau khi giành được lợi ích; chính phủ Hàn Quốc chỉ có thể tiếp tục viện trợ cho Bắc Triều Tiên để giảm nguy cơ chiến tranh. Rốt cuộc thì, họ không thể nhìn đồng bào của mình tiếp tục chịu cảnh đói khát.
Tất nhiên, Hàn Quốc biết rằng Trung Cộng đứng sau hậu trường, nhưng nguy cơ chiến tranh là quá thực. Nếu Bắc Triều Tiên ném bom các thành phố đông dân cư như Seoul, nhiều người vô tội sẽ là nạn nhân. Đồng thời, Hàn Quốc không thể dễ dàng buông bỏ thị trường Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ có thể từ bỏ Trung Cộng, liên lạc trực tiếp với Bắc Triều Tiên, và tự mình giải quyết vấn đề, thì Hàn Quốc đương nhiên sẽ đánh giá cao điều đó. Đây sẽ là cơ hội lớn nhất cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tôi không nghĩ Hàn Quốc sẽ mong đợi chính phủ mới của Hoa Kỳ tiêu diệt chế độ Trung Cộng. Vì vấn đề gốc rễ không thể được giải quyết, nên Hàn Quốc chỉ có thể hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ giữ Bắc Triều Tiên ngoài tầm với của Trung Cộng. Vì chính phủ mới của Hoa Kỳ đã nối lại liên lạc với Trung Cộng, Hàn Quốc đương nhiên sẽ không dám tiến về phía trước.
Cần phải có những hành động chống cộng mạnh mẽ hơn
Trong cả hai cuộc gặp với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Cộng đều bị lên án vì cách hành xử “hung hăng và độc đoán,” do ông Blinken mời các đồng minh của Hoa Kỳ tham gia một “cam kết chung về an ninh.” Nhưng ông Blinken cũng nhấn mạnh rằng Trung Cộng với “ảnh hưởng to lớn” của họ có thể đóng một vai trò trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, điều này tương đương với việc để một kẻ côn đồ lão luyện trừng phạt một kẻ côn đồ non trẻ hơn. Những kẻ du côn Trung Cộng đang chuẩn bị xúi giục những kẻ du côn Bắc Triều Tiên gây rắc rối để đổi lấy con bài mặc cả với Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ lại chủ động đưa con bài mặc cả đó cho Trung Cộng.
Các chính sách tương tự đối với Bắc Triều Tiên của đội ngũ cựu Tổng thống Barack Obama đã cho thấy không hiệu quả. Do đó ông Trump đã thay đổi chiến lược và hoàn toàn phớt lờ Trung Cộng, một chiến thuật có hiệu quả. Giờ đây, vấn đề Bắc Triều Tiên đã trở về tay ông Biden, ông ấy dường như vẫn tiếp tục thói quen cũ hợp tác với Trung Cộng. Nước cờ này chắc chắn sẽ rơi vào bẫy kép của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Nếu Hoa Kỳ có ý định đoàn kết các đồng minh của mình chống lại Trung Cộng, thì họ cần phải thể hiện những hành động mạnh mẽ hơn. Các đồng minh đang theo dõi Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ hợp tác với Trung Cộng về vấn đề Bắc Triều Tiên, thì Hàn Quốc và Nhật Bản có thể làm gì?
Hoa Kỳ cần gạt Trung Cộng sang một bên, tự mình đối mặt với Bắc Triều Tiên, và giải thoát Bắc Triều Tiên khỏi sự kiểm soát của Trung Cộng. Chỉ khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên mới có thể được giải quyết. Tất nhiên, Hoa Kỳ vẫn cần phải thực hiện một cách tiếp cận hai hướng. Chiến đấu chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc để các đồng minh sẵn sàng hợp tác hơn với Hoa Kỳ, và Bắc Triều Tiên có thêm khả năng đứng ngoài sự kiểm soát của Trung Cộng và dựa vào Hoa Kỳ nhiều hơn.
Nếu Hoa Kỳ thực sự có thể tiêu diệt chế độ cộng sản Trung Quốc, thì họ không chỉ loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa an ninh lớn nhất, mà vấn đề Bắc Triều Tiên cũng sẽ được giải quyết, và tai họa côn đồ và đồng bọn non trẻ hơn của nó sẽ biến mất.
Liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng phá vỡ thế lực kép của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hay không cũng nên là một bước quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tác giả Chung Nguyên (Zhong Yuan) là một nhà nghiên cứu tập trung vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, quá trình dân chủ hóa của đất nước này, tình hình nhân quyền, và sinh kế của người dân Trung Quốc. Ông bắt đầu viết bình luận cho The Epoch Times ấn bản tiếng Hoa từ năm 2020.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Chung Nguyên thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: