Chính phủ Hoa Kỳ nên cứng rắn hơn với các tội ác của Trung Cộng đối với Pháp Luân Công
Mô hình thực thi pháp luật liên bang có vẻ thiên vị trong việc truy tố các tội ác do thù hận chống lại Pháp Luân Công.
Có phải chính phủ Hoa Kỳ đang thể hiện sự thiên vị trong các loại luật thực thi chống lại hành vi bạo lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) và tội ác do thù hận trên đất Mỹ?
Hôm 16/03, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã công bố ba vụ án liên quan đến năm người bị cáo buộc là các gián điệp cho Trung Quốc. Các tội danh không chỉ bao gồm hoạt động gián điệp mà còn gồm hành vi quấy rối và theo dõi những người ủng hộ dân chủ trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa. Đây đều là những vụ án quan trọng mà DOJ cần truy tố đến mức tối đa.
Nhưng lạ thay, theo luật sư nhân quyền Terri Marsh cư ngụ ở Hoa Thịnh Đốn, trong tất cả các bằng chứng có được trong hai thập niên qua, chính phủ liên bang không có bất kỳ cáo trạng truy tố hình sự nào đối với các tội ác chống lại Pháp Luân Công trên đất Mỹ.
Bà Marsh, giám đốc điều hành của Tổ chức Luật Nhân quyền, nói với The Epoch Times rằng bà đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan liên bang để cung cấp bằng chứng về tội ác nhắm vào Pháp Luân Công. Tuy nhiên, các cơ quan này chưa bao giờ thực hiện bước tiếp theo của quy trình truy tố.
Một trong số những vụ án được đề cập hôm 16/03 là vụ việc một người đàn ông New York đang tranh cử vào Quốc hội bị trở thành mục tiêu của một âm mưu bôi nhọ thanh danh bằng bằng chứng ngụy tạo, hoặc nếu âm mưu đó thất bại, thì sẽ đánh ông ấy. Đã có nhiều trường hợp các học viên Pháp Luân Công bị đánh, kể cả bởi những người được cho là có liên hệ với các quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, những trường hợp này không được đề cập trong các bản cáo trạng gần đây.
Trong một vụ án khác, một nghệ sĩ bị trở thành mục tiêu theo dõi, và tác phẩm nghệ thuật của ông — tượng phần đầu ông Tập Cận Bình được điêu khắc giống như một phân tử virus corona, đã bị những kẻ phá hoại đập vỡ. Các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ thường xuyên bị ĐCSTQ theo dõi nhưng không có vụ án nào gần đây nhất bị liên bang truy tố để bảo vệ họ.
Trong vụ án thứ ba, ông Vương Thư Quân (Shujun Wang), từng là giáo sư ở Trung Quốc, được cho là đã xâm nhập vào nội bộ hoặc lấy thông tin về các nhà hoạt động người Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, và Duy Ngô Nhĩ để giao cho công an mật vụ của Trung Quốc, Bộ An ninh Quốc gia (MSS). Rõ ràng là Pháp Luân Công đã bị loại khỏi danh sách này mặc dù theo cách tương tự, một số học viên của môn tu luyện này cũng trở thành nạn nhân của sự xâm nhập và nhắm mục tiêu như vậy.
Hai ngày trước khi có thông báo trên của DOJ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm về “cuộc đàn áp xuyên quốc gia” ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, và những nơi khác. Tuy nhiên, một quan chức Trung Quốc, cựu Tổng lãnh sự Bành Khắc Ngọc (Peng Keyu) — người mà có bằng chứng ghi lại sự đàn áp của ông ta đối với Pháp Luân Công ở New York — lại không có tên trong danh sách này.
Theo một thông cáo báo chí hôm 21/03 của Ngoại trưởng Antony Blinken, “Bộ Ngoại giao đang hành động nhắm vào các quan chức của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] vì họ đã tham gia vào các hành động đàn áp đối với các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm tôn giáo thiểu số cũng như đối với những người tu luyện và có tín ngưỡng ở bên trong và bên ngoài biên giới của Trung Quốc, kể cả nội trong lãnh thổ Hoa Kỳ.”
Ít nhất, một trong số tài liệu tòa án của DOJ về vụ án của ông Vương Thư Quân có đề cập đến Pháp Luân Công là một trong những điều mà ĐCSTQ gọi là “ngũ độc” và bị công an mật vụ của Trung Cộng nhắm mục tiêu.
Trong tài liệu đó, đặc vụ Garrett Igo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) lưu ý: “Liên quan đến đơn tố cáo này, MSS sử dụng kỹ năng để thu thập thông tin, cùng những thứ khác, về các cá nhân và tổ chức được coi là có khả năng gây bất lợi cho các lợi ích của CHND Trung Hoa, gồm cả những người Duy Ngô Nhĩ ủng hộ phong trào đòi độc lập ở Đông Turkestan; những người Tây Tạng ủng hộ phong trào độc lập của Tây Tạng; các học viên Pháp Luân Công; các thành viên của phong trào dân chủ Trung Quốc; và những người ủng hộ phong trào đòi độc lập cho Đài Loan, mà các quan chức CHND Trung Hoa gọi là ‘ngũ độc’ đe dọa sự ổn định cai trị của CHND Trung Hoa và Đảng Cộng sản.”
Tuy nhiên, đây là một tuyên bố hoàn toàn mơ hồ, không làm rõ được việc Trung Cộng nhắm mục tiêu vào Pháp Luân Công trên đất Mỹ.
Chẳng hạn, chúng ta vẫn chưa biết rõ liệu ông Vương Thư Quân hay bất kỳ ai trong số bốn bị cáo khác có thực sự nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công hay không; tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng về các cuộc tấn công như vậy của những người khác và mối liên hệ của họ với Trung Cộng.
Mặc dù có những bằng chứng như vậy liên quan đến hành vi bạo lực, quấy rối, và theo dõi của Trung Cộng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ, nhưng chính phủ liên bang không có bất kỳ cáo trạng nào, chứ chưa nói đến các vụ truy tố và kết án thành công. Ba vụ án liên bang gần đây nhất cũng không có sự khác biệt nào.
Hãy xem xét bằng chứng trong các vụ việc sau, một số ít hoặc không có vụ việc nào trong số đó đã được các bộ hoặc các cơ quan liên bang truy tố, mặc dù đã có nghị quyết hồi năm 2004 của Quốc hội Hoa Kỳ cho phép làm như vậy.
Các cuộc tấn công nhắm vào các học viên Pháp Luân Công tại Mỹ quốc cho đến năm 2006
Nghị quyết nói trên của Quốc hội Hoa Kỳ công nhận rằng “chính quyền Trung Quốc đã cố gắng dập tắt phong trào Pháp Luân Công và các nhóm ủng hộ dân chủ cho Trung Quốc ở Hoa Kỳ.”
Nghị quyết này kêu gọi một cuộc điều tra của một biện lý Hoa Kỳ về “các báo cáo nói rằng các quan chức lãnh sự Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã thực hiện các hành vi bất hợp pháp trong khi cố gắng đe dọa hoặc gây ảnh hưởng không thích hợp lên các học viên Pháp Luân Công hoặc các quan chức đắc cử ở địa phương.”
Văn phòng biện lý Hoa Kỳ đã thực hiện rất ít hoặc gần như không có hành động thực chất nào trong những năm qua, ngay cả khi có bằng chứng tích lũy về sự đe dọa bất hợp pháp như vậy.
Theo Forbes, hồi năm 2005, biên tập viên của The Epoch Times, ông Mã Hữu Chí (Youzhi Ma), đã bị cướp nhiều lần, kể cả bị đánh cắp các máy điện toán xách tay tại nhà riêng của ông ở San Francisco. Theo ông Trương Nhi Bình (Zhang Erping), một phát ngôn viên của Pháp Luân Công, mục tiêu của các vụ trộm được cho là các máy điện toán xách tay và dữ liệu internet chứ không phải là đồ vật có giá trị. Lúc đó, ông Trương cho biết: “Rõ ràng là những kẻ tấn công đang theo dõi thông tin mã hóa và thông tin lưu trữ trong công cụ vượt tường lửa internet.”
Hồi đó một nhóm học viên Pháp Luân Công đã tham gia vượt bức Đại Tường Lửa mà Trung Cộng dùng để hạn chế các công dân Trung Quốc truy cập mạng internet toàn cầu.
Một bài báo trên tạp chí Forbes hồi năm 2006 đã kể lại chi tiết trường hợp của Tiến sĩ Hà Hải Ưng (Haiyan He), một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard đồng thời là một học viên Pháp Luân Công. “Ông cho biết không chỉ bản thân ông bị đe dọa tại Boston, mà cha mẹ ông ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, cũng thường xuyên bị công an mật vụ tới khám xét nhà,” theo tạp chí Forbes. “Ông cho biết, ba tháng trước, công an mật vụ đã mô tả ‘mọi hành tung’ của ông tại Hoa Kỳ cho cha mẹ ông.”
Ông Lý Đại Dũng (Dayong Li), một học viên Pháp Luân Công sở hữu một công ty dịch vụ vệ tinh tại New Jersey hồi năm 2006, nói với tạp chí Forbes rằng cha mẹ ông ở tỉnh Hồ Nam bị công an mật vụ tới khám xét nhà nhiều lần. Họ “khủng bố đôi vợ chồng già bằng cách nói rằng họ biết ‘mọi thứ’ về con trai của ông bà — kể cả nơi ông đi đến, tiền lương và thông tin chi tiết về công ty của ông.”
Ông Lý nói với Forbes: “Họ [chính quyền Trung Quốc] cảnh cáo tôi không được hoạt động. Họ nói với cha mẹ tôi rằng nếu tôi làm thế thì sinh mạng tôi sẽ gặp nguy hiểm.”
Đối với những quan chức này, và những người khác giống như họ mà mới đây đã khủng bố các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ bằng cách nhắm mục tiêu vào gia đình của những học viên này ở quê nhà, cũng như các quan chức Trung Cộng khác tham gia vào cuộc đàn áp xuyên quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên trừng phạt họ bằng việc hạn chế thị thực.
Ông Lý Uyên ở tiểu bang Georgia bị tấn công hồi năm 2006
Theo tạp chí Forbes, năm 2006, khi tờ báo này đưa tin về vụ việc học viên Pháp Luân Công phá chặn internet của Trung Quốc, ông Lý Uyên (Peter Yuan Li), một trong những người chủ chốt của hoạt động công nghệ cao này, “đã bị tấn công và đánh đập nặng nề tại nhà riêng của ông ở Duluth, Georgia.”
“Theo Báo cáo Sự cố của Sở Cảnh sát Quận Fulton, hồi 11 giờ 15 phút sáng ngày 08/02, những người đàn ông gốc Á đã xông vào vào nhà của vị kỹ sư công nghệ thông tin được đào tạo tại trường Princeton này. Họ trói, bịt miệng và đánh đập ông trước khi đào tẩu với hai máy điện toán xách tay hiệu Sony kích cỡ 16 inch, ví của ông cùng những dữ liệu chưa biết trong các tập tin của ông.”
Ông Lý nói với tạp chí Forbes rằng hai kẻ tấn công đầu tiên nói Hàn ngữ, vung dao và súng. Ông Lý kể lại rằng sau khi ông bị bịt mắt và bị trói, một hoặc hai người đàn ông nữa bước vào nhà, một người nói tiếng Quan Thoại yêu cầu ông chỉ nơi cất giấu chìa khóa và hồ sơ.
“Những kẻ xâm phạm lục soát nhà cửa và bắt mở các tủ hồ sơ,” theo tạp chí Forbes. “Sau khi họ rời đi, ông Lý mới có thể chạy thoát ra ngoài đường. Ông được một người hàng xóm giúp đỡ và gọi cảnh sát.”
Ngoài bản tin của Forbes, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng tường thuật về vụ tấn công này. Dường như liên bang không có phản ứng thực chất đối với cuộc tấn công tàn ác này, vốn nhắm vào một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Hoa, mà trùng hợp lại là một học viên Pháp Luân Công.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York thừa nhận đã kích động bạo lực trong một bản ghi âm hồi năm 2008
Theo tờ New York Post, hồi năm 2008, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận giọng nói được bí mật ghi âm của ông Bành Khắc Ngọc, Tổng lãnh sự Trung Quốc đương thời tại New York, thừa nhận đã kích động những người biểu tình bạo lực nhắm vào các học viên Pháp Luân Công tại New York biểu tình ôn hòa phản đối Trung Cộng.
Tờ New York Post đã xác thực bản ghi cuộc gọi với ông Bành, chỉ bốn ngày sau khi xảy ra vụ bạo lực nhắm vào học viên Pháp Luân Công hồi tháng 05/2008 dẫn đến 16 vụ bắt giữ. Ông Bành được cho là đã nói về những người biểu tình của ĐCSTQ như sau: “Tôi giữ mối quan hệ rất tốt với họ… nhưng chúng tôi bí mật cổ vũ họ.”
Ông Bành nói tiếp: “Sau khi họ đánh nhau với người của Pháp Luân Công, tôi đã bắt tay từng người một và cảm ơn họ.”
“Tuy nhiên tôi không được làm chuyện như vậy ngay trước mặt người của Pháp Luân Công. Tôi đậu xe cách xa hiện trường bởi vì tôi phải tránh, không để cho họ thấy tôi,” ông Bành nói.
Trong bản ghi âm, ông Bành đã được hỏi và thừa nhận rằng ông đã “chỉ thị” cho những người biểu tình bạo lực, nói rằng: “Phải, tôi đã làm chuyện đó. Tôi thường làm việc này, kể cả lần này, khi tôi đi ra hiện trường… Thậm chí tôi đã khích động họ.”
Có vẻ như ông Bành không chịu hậu quả ngoại giao hay pháp lý nào cho hành động được cho là xúi giục bạo lực trên đất Mỹ này.
Bạo lực nhắm vào Pháp Luân Công tại San Francisco từ năm 1999 đến năm 2012
Theo một bài báo trên The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ của tác giả Lý Chính Khoan (Li Zhengkuan) về ba vụ án DOJ mới công bố, mà người viết bài báo này đã được cung cấp một bản dịch và nguồn tư liệu, “Phần lớn nạn nhân của cuộc đàn áp tín ngưỡng của Trung Cộng tại Hoa Kỳ đều là học viên Pháp Luân Công.”
Ông Lý đã trích dẫn những vụ án được đề cập ở trên cùng với những vụ bạo lực khác đã được ghi hình hồi năm 2012 tại San Francisco.
Và thời điểm xảy ra vụ bạo lực hồi năm 2012, một phát ngôn viên của phong trào Pháp Luân Công cho biết: “Những cuộc đối đầu như thế này đã xảy ra năm lần trong bảy tháng qua. Hai lần trước, hai học viên nữ đã bị đánh đập. Họ giật tài liệu trên tay chúng tôi, tước đoạt hoặc xé rách. Và chúng tôi thường xuyên nghe phải những lời mạ lỵ thô tục.”
Vị phát ngôn viên nói trên, Tiến sĩ Trương Tuyết Dung (Zhang Xuerong), cho biết thêm: “Nhưng không chỉ trong vòng bảy tháng qua, học viên Pháp Luân Công tại San Francisco đã nhẫn chịu kiểu cư xử như thế này trong suốt 13 năm qua.”
Sự kiện này đã đánh dấu sự khởi đầu của các hành vi bạo lực nhắm vào Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ từ khoảng năm 1999, cùng thời điểm chính quyền cộng sản Trung Quốc cấm Pháp Luân Công.
Nói về hành vi bạo lực nhắm vào các học viên Pháp Luân Công người Mỹ, Tiến sĩ Trương cho biết: “Đây là tội ác do thù hận. Lý do duy nhất của họ là họ bị Lãnh sự Trung Quốc tác động nhằm tấn công Pháp Luân Công.”
Chính phủ liên bang có thiên vị trong việc thực thi pháp luật chống lại tội ác do thù hận không?
Gần đây nhất hồi tháng Hai, một người đàn ông được cho là có liên hệ với một tổ chức của Trung Cộng đã tấn công quầy thông tin về Pháp Luân Công tại thành phố New York. Các vụ việc xảy ra hồi năm 2012 và năm 2022 được cho là các tội ác do thù hận chống lại Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang không hề có bất kỳ vụ truy tố nào, rất ít các vụ kết án, và không có vụ án liên bang nào gần đây nhất giải quyết những cuộc tấn công nhắm vào Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ.
Sự thiên vị của chính phủ trước việc bảo vệ các học viên Pháp Luân Công có thể có nguồn gốc sâu xa hơn là việc đơn thuần thiếu sót hoạt động thực thi pháp luật chống lại tội ác do thù hận — điều đó nói lên việc Bộ Ngoại giao không công nhận một tội ác to lớn hơn nhiều, đó chính là tội ác diệt chủng của Trung Cộng tại Trung Quốc.
Theo một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tiến sĩ Dư Mậu Xuân (Miles Yu), có nhiều bằng chứng về tội ác diệt chủng nhắm vào Pháp Luân Công hơn tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao đã công nhận tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ mà không công nhận tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công.
Không thực thi hay chỉ định [tội ác], những vấn đề này trải rộng trong chính phủ liên bang từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Tư pháp và văn phòng biện lý Hoa Kỳ. Điều này đặt ra câu hỏi rằng, ít nhất thì, các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ có thể lý trí nhận thức được sự thiếu sót, hay sự thiên vị trong việc thực thi pháp luật và việc chỉ định cấp liên bang vốn nên bảo vệ tất cả mọi công dân Hoa Kỳ — kể cả các học viên Pháp Luân Công — một cách công bằng, và trong trường hợp được chỉ định là một tội ác diệt chủng, là bảo vệ cả gia đình họ ở Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: