Chính phủ Đức nắm quyền kiểm soát công ty con của Gazprom tại Đức
Chính phủ Đức sẽ nắm quyền kiểm soát Gazprom Germania – công ty con của công ty Gazprom của Nga tại Đức về kinh doanh, lưu trữ, và vận chuyển năng lượng – sau khi bị công ty mẹ từ bỏ hôm 01/04.
Gazprom rời Đức mà không báo trước hôm 01/04, sau khi nhật báo kinh doanh Đức Handelsblatt hôm 31/03 đưa tin rằng Berlin đang xem xét trưng thu tất cả tài sản của Gazprom và Rosneft tại nước này trong bối cảnh lo ngại về an ninh nguồn cung cấp năng lượng.
Công ty dầu mỏ Nga Gazprom không công bố chi tiết về quyết định chấm dứt cổ phần của mình trong các công ty nắm giữ ở Đức, bao gồm các công ty con ở Anh, Thụy Sĩ, và Cộng hòa Séc.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết hôm 04/04 rằng, các hoạt động của công ty khí đốt sẽ được chuyển giao cho cơ quan quản lý của Đức Bundesnetzagentur (BNetzA), còn được gọi là Cơ quan Mạng lưới Liên bang, để bảo đảm an ninh năng lượng, do căng thẳng giữa Nga và Liên minh Âu Châu về nguồn cung khí đốt và dầu ngày càng trở nên tồi tệ.
Ông Habeck cho biết tại một cuộc họp báo: “Sự sắp xếp của cơ quan quản lý ủy thác nhằm bảo vệ trật tự và an toàn công cộng cũng như duy trì an ninh của nguồn cung cấp. Bước này là bức thiết.”
Berlin đã cáo buộc Gazprom cố gắng bán tài sản của mình ở Đức cho các tổ chức do Nga kiểm soát mà không có sự chấp thuận trước của chính phủ Đức, do đó vi phạm luật pháp Đức.
Bộ Kinh tế cho biết họ đã ngăn chặn việc mua lại trái phép công ty khí đốt này bởi Công ty cổ phần Palmary và Dịch vụ kinh doanh xuất cảng Gazprom của Nga sau khi Gazprom đã cố gắng chuyển quyền sở hữu cho các công ty đó.
Ông Habeck cho biết vụ tịch thu này cũng bắt nguồn từ sự nhầm lẫn đột ngột về việc ai hiện đang sở hữu tài sản sau khi công ty mẹ Gazprom rút lui vào tuần trước.
Cơ quan liên bang Đức sẽ đóng vai trò là người được ủy thác tạm thời cho Gazprom Germania trong sáu tháng cho đến hôm 30/09, cho đến khi tình hình pháp lý được giải quyết.
Lệnh nắm quyền kiểm soát công ty ngay lập tức được chính phủ Đức đăng trên Công báo Liên bang.
Berlin nói rằng vẫn chưa rõ tại sao Gazprom lại cố gắng chuyển quyền sở hữu và tại sao họ không thông báo ý định của mình với các nhà chức trách Đức.
Luật pháp của Đức yêu cầu các hoạt động mua lại hoặc chuyển nhượng tài sản chiến lược ngoại quốc, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng năng lượng, phải được các nhà chức trách chấp thuận nếu bên mua là công ty đến từ nước thứ 3 không thuộc Liên minh Âu Châu.
Gazprom buộc phải xin phép chính phủ Đức trước khi chuyển giao tài sản của mình tại quốc gia này cho chủ sở hữu mới.
Bộ kinh tế ở Berlin có quyền chặn hoặc chấp thuận một giao dịch như vậy.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng nói rằng nguồn cung cấp khí đốt sẽ tiếp tục, sau khi Gazprom tuyên bố rằng họ sẽ hoàn thành hợp đồng xuất cảng năng lượng sang Đức.
Gazprom Germania chịu trách nhiệm duy trì và vận hành cơ sở hạ tầng năng lượng của Gazprom ở Đức, bao gồm lưu trữ, thương mại, và vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Trung Âu.
BNetzA sẽ được trao quyền sa thải các giám đốc điều hành, kiểm soát hoạt động của nhân viên, và chỉ thị việc quản lý của công ty Gazprom Germania.
Ông Klaus Mueller, người đứng đầu BNetzA cho biết, “Mục tiêu của chúng tôi là điều hành Gazprom Germania vì lợi ích của Đức và Âu Châu.”
Ông Habeck nói rằng ông sẽ chỉ đạo Bộ của mình giảm ảnh hưởng kinh tế gián tiếp của Nga đối với các bộ phận khác của ngành năng lượng Đức, và nói rằng ông sẽ xem xét nỗ lực mua lại nhà máy lọc dầu PCK Schwedt của Rosneft.
Đức đã đồng ý tham gia một số biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, bao gồm cam kết ngừng phụ thuộc vào nhập cảng khí đốt từ Nga vào năm 2024 và chấm dứt nhập cảng dầu của Nga vào cuối năm nay.
Hôm 22/02, Berlin đã đình chỉ dự án đường ống Nord Stream 2 được thiết lập để tăng đáng kể dòng khí đốt của Nga sang Đức.
Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Âu Châu đối với Moscow sau khi Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga sẽ ngừng cam kết cung cấp dầu và khí đốt cho EU.
Đức phụ thuộc nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng, với 40% lượng khí đốt và khoảng 1/3 lượng dầu của nước này đến từ Nga vào năm ngoái.
Trong 20 năm qua, các chính phủ Đức tiếp nối nhau đã gia tăng sự phụ thuộc của nước này vào nguồn năng lượng nhập cảng giá rẻ từ Nga.
Ngành công nghiệp Đức đã gây áp lực nặng nề lên chính phủ Berlin, nơi cho đến nay đã bác bỏ lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập cảng khí đốt của Nga do lo ngại rằng lệnh cấm vận sẽ phá hủy nền kinh tế Đức vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng nước ngoài để sưởi ấm, phát điện, và sản xuất công nghiệp.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng Ba đã tuyên bố rằng Nga sẽ chỉ nhận đồng rúp đối với các thanh toán xuất cảng khí đốt từ các quốc gia được coi là “không thân thiện” kể từ hôm 01/04.
Chính phủ Đức và các quốc gia Âu Châu khác hầu hết đều phản đối hành động này, nói rằng họ sẽ tiếp tục thanh toán cho các hợp đồng khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc dollar, đây là tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Putin đã trả lời bằng cách vạch ra một kế hoạch trong đó khách hàng Âu Châu sẽ trả bằng đồng euro hoặc dollar cho một ngân hàng của Nga, sau đó ngân hàng này sẽ mua đồng rúp để thanh toán cho các đơn giao hàng.
Nếu được chấp nhận, các quy định mới sẽ bao gồm các khoản thanh toán cho các hợp đồng năng lượng của Nga phải được thanh toán vào cuối tháng này.
Tuần trước, Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch dự phòng được xây dựng để bảo vệ đất nước trước việc Nga có thể giảm nguồn cung khí đốt.
Tình huống xấu nhất trong kế hoạch dự kiến khí đốt và dầu sẽ được phân phối trên khắp nước Đức nếu nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn nghiêm trọng.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: