Chính phủ ‘cánh hữu’ của Hungary thông đồng với Trung Quốc: Các cuộc biểu tình chống lại khu học xá Phúc Đán ở Budapest
Trung Quốc muốn thành lập một trường đại học ở Hungary, bằng chính tiền của Hungary trả cho đặc quyền này. Hôm 05/06, khoảng 10,000 người biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng khu học xá đại học Phúc Đán (Fudan) ở Budapest. Trung Quốc bị cáo buộc làm tha hóa các nhà lãnh đạo Hungary, và tổng thống Hungary có liên hệ mật thiết với Trung Cộng. Người dân Hungary đúng khi đứng lên chống lại bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào thỏa hiệp với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Mối nguy lớn nhất đối với các nền dân chủ của chúng ta ngày nay là nguy cơ mà chỉ với một vài đồng dollar, Trung Quốc có thể mua chuộc các tổng thống, ngoại trưởng và quan chức bộ tài chính để làm việc có lợi cho Bắc Kinh, thay vì chú trọng đến lợi ích của cử tri.
Cuộc tranh luận ở Budapest là dấu hiệu của một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn nhiều giữa dân chủ và độc tài. Vào năm 2019, Đại học Phúc Đán đã xóa bỏ các thuật ngữ đề cập đến “tự do tư tưởng” trong hiến chương của mình. Dự án tốn kém này, dự kiến hoàn thành ở Budapest vào năm 2024, sẽ được tài trợ bởi khoản vay hơn 1 tỷ USD từ Trung Quốc. Chi phí này cao hơn chi phí mà chính phủ chi cho tất cả các trường đại học khác gộp lại và sẽ rút cạn nguồn ngân sách của chính phủ dành cho giáo dục đại học của Hungary và làm tăng nợ của Hungary với Trung Quốc.
Ông Viktor Orban và đảng được cho là cánh hữu của ông, đảng Fidesz, đang lãnh đạo chính phủ Hungary. Nhưng ông Orban lại có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh và Moscow, và đang thúc đẩy chính sách đối ngoại “Mở cửa phía Đông.”
Công ty Huawei có 70% thị trường viễn thông ở Hungary, và Hungary đang mua một nhà máy nguyên tử trị giá 15 tỷ USD từ Nga. Chỉ trong tháng này, chính phủ của ông Orban đã chặn một tuyên bố của Liên minh Âu Châu chống lại hành vi lạm dụng của Trung Quốc ở Hồng Kông. Hành động của ông là một con ngựa thành Troy cho Bắc Kinh và Moscow trong cả Liên minh Âu Châu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Một quan chức Hoa Kỳ nói với EuroObserver vào năm 2019 rằng “vấn đề tham nhũng của Hungary mở ra các con đường cho Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của họ.” Ông nói thêm rằng, “Một trong những sáng kiến mà chúng tôi sẽ giới thiệu là sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với những nỗ lực xem xét kỹ lưỡng hơn tại giao điểm giữa tham nhũng và sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.”
Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto, tuyên bố vào năm 2019 rằng các cáo buộc của Tây phương đối với tham nhũng của Bắc Kinh và Moscow ở Hungary là đạo đức giả, khi xét đến các ứng phó với các chế độ phi tự do này ở Anh Quốc và Đức.
Nhưng Hungary đã tiến xa hơn nhiều. Theo Reuters, “ông Orban đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Nga và các chính phủ phi tự do khác, đồng thời tranh đấu với các đồng minh phương Tây bằng cách hạn chế tính độc lập của nghiên cứu khoa học, tư pháp và truyền thông.”
Một sinh viên đại học biểu tình chống lại việc xây dựng khu học xá Đại học Phúc Đán nói với AFP vào tuần lễ kết thúc vào ngày 06/06 rằng, “ông Orban và đảng Fidesz tự cho mình là những người chống cộng, nhưng trên thực tế, những người cộng sản là bạn bè của họ.”
Một người khác nói với Reuters rằng, “Tôi không đồng ý với việc tăng cường mối quan hệ phong kiến của đất nước chúng ta với Trung Quốc.” Người này cho rằng các khoản tiền này nên được dùng để “cải thiện các trường đại học của chúng ta thay vì xây dựng một trường đại học của Trung Quốc.”
Thị trưởng thiên tả của Budapest và các nhà kinh tế phản đối khu học xá được kiến nghị của Phúc Đán, vốn tốn kém và thiếu minh bạch. Thị trưởng Gergely Karácsony, người sẽ là lựa chọn tốt hơn cho vị trí thủ tướng Hungary, nói với Reuters rằng, “Dự án Phúc Đán này sẽ đặt ra nghi ngờ về nhiều giá trị mà Hungary đã cam kết 30 năm trước” khi nước này giành độc lập khỏi Liên Xô.
Thị trưởng đã đặt tên một số đường phố, tập trung xung quanh khu học xá mới được đề nghị, với những cái tên tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, bao gồm phố Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama Street), đường Hồng Kông Tự do (Free Hong Kong Road), đường Tử đạo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Martyrs’ Road), và một con phố mang tên một vị giám mục Công giáo Trung Quốc đã bị cầm tù.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc đổi tên không thể ảnh hưởng đến dự án và là “điều đáng khinh.” Trong khoảnh khắc đó, ông đã tiết lộ chính xác cách Trung Cộng nhìn nhận dư luận trong một nền dân chủ.
Theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào hôm 01/06, khoảng 66% người Hungary phản đối trường đại học Trung Quốc và 27% ủng hộ ý tưởng này.
Các tài liệu bị rò rỉ cho các ký giả địa phương cho thấy dự án 1.8 tỷ USD, nhiều hơn số tiền Hungary chi cho toàn bộ lĩnh vực giáo dục đại học vào năm 2019, sẽ được tài trợ bởi khoản vay của Trung Quốc khoảng 1.5 tỷ USD. Khu học xá Đại học Phúc Đán bao gồm các kế hoạch thuê 500 giảng viên và tuyển 6,000 sinh viên, bao gồm cả trong các lĩnh vực y tế và kỹ thuật, điều này làm dấy lên lo ngại về việc chuyển giao công nghệ của EU cho Trung Quốc.
Ông Orban đã có khoản vay Trung Quốc 2.1 tỷ USD để tái thiết tuyến đường sắt Budapest-Belgrade. Ông đã đẩy nhanh tiến độ một loại vaccine virus corona của Trung Quốc vẫn chưa được chấp thuận ở Liên minh Âu Châu.
Dựa trên các nguồn tin của tôi, các dự án như thế này của Trung Quốc có thể đi kèm với phí hoa hồng từ 2-7%. Phí này được chi trả bằng các hợp đồng tư vấn theo cách thức có lợi cho cá nhân nguyên thủ quốc gia và các cộng sự thân cận nhất của ông ta. Nếu các dự án này thành công, thì phí hoa hồng đó có thể lên tới 275 triệu USD, điều này sẽ giải thích được lý do tại sao các nhà lãnh đạo chính trị của Hungary lại ủng hộ dự án này.
Trong mọi trường hợp, Hungary đang trở thành khu tập kết đầu tàu (beachhead) của Trung Cộng vào Liên minh Âu Châu. Nhưng người dân Hungary đã ở đó, và làm được điều đó. Người Hungary đã trải qua chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô, bao gồm cả các trại tập trung và lao động khổ sai, và đã vùng dậy vào năm 1956 để đánh đuổi người Nga. Khi Liên Xô nhận ra rằng Tây phương lo sợ chiến tranh, họ đã ngay lập tức quay trở lại và thanh toán những người chống cộng.
Sau đó, Hungary phải chịu ách thống trị của Moscow cho đến khi đất nước được tự do vào năm 1989. Người dân Hungary không phải trải qua những nỗi kinh hoàng như vậy để dễ dàng tự cho phép mình rơi vào ách thống trị của một ông chủ cộng sản mới, lần này là ở Bắc Kinh chứ không phải ở Moscow. Nhưng họ và chúng tôi sẽ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa chống lại sự tham nhũng của Bắc Kinh ở thủ đô của chúng tôi nếu chúng tôi muốn bảo đảm các quyền tự do trong tương lai của mình.
Tác giả Anders Corr có bằng Cử nhân/Thạc sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Yale (2001) và Tiến sĩ Quản trị Công của Đại học Harvard (2008). Ông là giám đốc của Tập đoàn Corr Analytics, nhà xuất bản của Tạp chí Journal of Political Risk, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách “Sự Tập Trung Quyền Lực” (The Concentration of Power, sẽ xuất bản vào năm 2021) và cuốn “Không Xâm Phạm” và đã biên tập cuốn “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: