Chiến tranh Ukraine sẽ là dấu chấm hết của Nga: Bắc Kinh không được phép trục lợi
Lịch sử sẽ cho thấy cuộc chiến tranh Ukraine đã đánh dấu sự khởi đầu chương cuối cùng của nước Nga.
Trong hai thập niên qua, ông Vladimir Putin và bè phái của ông ta, một âm mưu tội ác giả danh chính phủ Nga, đã cướp phá nền kinh tế Nga, hủy hoại tầng lớp trung lưu Nga và khiến hàng triệu người hưu trí rơi vào cảnh nghèo đói. Đối với đêm chung kết lớn của họ, họ đang tạo tiền đề cho việc khiến nước Nga cuối cùng sẽ mất đi chủ quyền — bằng cách giải thể nhà nước Nga hoặc bằng cách biến Nga thành một chư hầu của Trung Quốc.
Viễn cảnh Trung Quốc kiểm soát các nguồn tài nguyên và lãnh thổ rộng lớn của Nga trên thực tế sẽ khiến Hoa Kỳ phải lo ngại. Một kết quả như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến việc tạo ra một nước thống trị khu vực Á-Âu; người ta đã không chứng kiến những thứ tương tự như vậy kể từ khi người Mông Cổ tràn qua đồng bằng Á-Âu vào thế kỷ 13. Đó là lý do chính để bảo đảm bảo rằng Bắc Kinh không đẩy nhanh sự phụ thuộc của Nga bằng cách cho phép các công ty Trung Quốc coi thường chế độ trừng phạt.
Việc Hoa Kỳ và các đồng minh phải vào cuộc và trừng phạt những công ty Trung Quốc không tuân thủ các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với chính phủ Nga và các công ty Nga là rất cấp bách. Việc trừng phạt Nga trong khi cho phép các công ty Trung Quốc coi thường các biện pháp trừng phạt mà không có hậu quả gì sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với Hoa Kỳ và các đồng minh.
Bốn tuần kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine, cuộc xung đột đang diễn ra rất tồi tệ đối với Nga. Đã qua rồi viễn cảnh quân đội Ukraine sụp đổ nhanh chóng và chính phủ ông Zelensky phải từ bỏ thủ đô Kyiv, mở đường cho một chính phủ đoàn kết dân tộc ủng hộ Nga. Thay vào đó, quân đội Ukraine tập hợp lại và thực hiện một lối phòng thủ ngoan cường. Trong một số trường hợp, thậm chí họ còn đang tấn công.
Quân đội Nga đã không đạt được bất kỳ bước tiến quan trọng nào hoặc chiếm được bất kỳ thành phố nào khác của Ukraine trong hai tuần qua. Thật vậy, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, một số nhà phân tích quân sự thậm chí còn nói về điều lẽ ra là bất khả tư nghì bốn tuần trước – đó là Ukraine thực sự có thể chặn đứng quân đội Nga.
Thay vào đó, quân đội Nga đã chuyển sang chiến thuật khủng bố là pháo kích và bắn phá từ trên không vào các thành phố của Ukraine – một chiến lược sẽ không giúp ích nhiều cho việc thúc đẩy nỗ lực chiến tranh, xét đến việc Ukraine quyết tâm chống lại cuộc xâm lược của Nga, và bảo đảm rằng người Ukraine sẽ nuôi dưỡng mối thù kéo dài nhiều thế hệ đối với Nga, trong khi phần còn lại của Âu Châu sẽ nuôi dưỡng sự ngờ vực kéo dài nhiều thế hệ đối với ý định của Điện Kremlin.
Trong khi đó, quân đội Nga đã bị thiệt hại đáng kể về nhân lực, quân bị và vật liệu. Lực lượng không quân được nhiều người ca ngợi của Nga đã thất bại trong việc càn quét bầu trời Ukraine trước sức mạnh không quân đối lập, và bước tiến của Nga đã liên tục bị sa lầy bởi các vấn đề hậu cần vốn là đặc trưng của một lực lượng thế giới thứ ba hơn là lực lượng được cho là một siêu cường quân sự.
Chiến lược “san bằng” các thành phố của Ukraine sẽ tạo ra cơn ác mộng về chiến tranh đô thị cho quân đội Nga nếu họ lựa chọn việc xâm lược các thành phố. Nếu các lực lượng vũ trang Nga có sức mạnh quân sự và dự trữ hậu cần để bao vây tất cả các thành phố chính của Ukraine – đặc biệt là thủ đô Kyiv, thì chiến lược này quả là đáng nghi ngờ, xét đến tiến triển của Nga cho đến nay.
Ngay cả khi họ sẽ làm như vậy, họ phải đối mặt với viễn cảnh chiến đấu trong một trận Stalingrad khác hoặc tái hiện cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột Warsaw — chỉ khác là lần này nó sẽ được phát sóng trên mạng xã hội trong thời gian thực. Thật vậy, từ quan điểm của Nga, thật khó để thấy kết quả có thể tồi tệ hơn như thế nào.
Ông Putin đã đe dọa điều động khoảng 40,000 dân quân Syria, và việc truyền thông Nga liên tục nhắc đến “phòng thí nghiệm sinh học” do Mỹ tài trợ ở Ukraine, một tuyên bố cũng được truyền thông nhà nước Trung Quốc lặp lại, đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể khai triển vũ khí hóa học hoặc sinh học. Các nhà phân tích quân sự phương Tây cũng bày tỏ lo ngại rằng quân đội Nga có thể khai triển vũ khí hạt nhân dưới 1,000 tấn “sử dụng cho mục tiêu chiến lược” trong một cuộc biểu dương lực lượng thể hiện sự quyết tâm.
Thật khó để biết được bất kỳ hành động nào trong số này sẽ thay đổi tiến trình của cuộc chiến với quyết tâm kháng cự của người Ukraine. Trên thực tế, tất cả những gì họ sẽ làm là khiến dư luận phương Tây phản đối Điện Kremlin mạnh mẽ hơn nữa.
Tại thời điểm này, Hoa Kỳ buộc phải đi đầu trong việc xác định một lối thoát có thể khiến cuộc xung đột này kết thúc nhanh chóng. Nga bây giờ là một quốc gia bị thế giới ruồng bỏ, chính phủ ông Putin thì độc hại. Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận hòa bình và/hoặc ông Putin cuối cùng sẽ bị thay thế, thì phải mất nhiều năm nữa Nga mới có thể bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU).
Hơn nữa, nguy cơ phụ thuộc vào xuất cảng năng lượng của Nga đã quá rõ rệt đối với EU. Âu Châu sẽ tích cực đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà không cần tới Nga.
Mặt khác, việc đẩy Nga vào vòng tay rộng mở của Trung Quốc đều không có lợi gì cho cả Mỹ và EU. Đừng nhầm lẫn, giữa sự hỗn loạn và tàn phá của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thì chính Bắc Kinh đang nổi lên như một người chiến thắng lớn.
Bằng cách giúp Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã bảo đảm sự phụ thuộc lâu dài của Điện Kremlin vào sự hỗ trợ của Trung Quốc, đồng thời định vị mình là người đối thoại không chính thức giữa Hoa Kỳ và Nga.
Trung Quốc không mấy quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột ở Ukraine. Chiến tranh càng kéo dài, dư luận phương Tây sẽ càng phẫn nộ và Moscow ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng có một nghị trình ở đây. Đó không chỉ là việc bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng và khoáng sản lâu dài của Nga hay thay thế ảnh hưởng của Nga ở Trung Á.
Sẽ mất bao lâu trước khi Trung Quốc nêu ra vấn đề tế nhị của những “hiệp ước không công bằng” đó, bắt đầu từ Hiệp ước Nerchinsk (1769), được thiết lập vào triều đại nhà Thanh bởi Sa hoàng Nga giữa thế kỷ 17 và 19, đã chứng kiến hàng ngàn dặm vuông lãnh thổ Trung Quốc bị chuyển giao cho Nga?
Tôi đã lưu ý ở những bài khác rằng Nga có ba kết quả có thể xảy ra: hội nhập với phương Tây, làm chư hầu cho Trung Quốc, hoặc tan rã. Kết quả đầu tiên dường như khó xảy ra trong thời gian ngắn hạn, ngay cả khi người dân Nga cuối cùng cũng thành công trong việc loại bỏ căn bệnh ung thư ác tính là chế độ Putin. Kết quả có thể xảy ra nhất lúc này là Moscow trở thành một chư hầu kinh tế của Bắc Kinh, hoặc tự gắng gượng cho đến khi nền kinh tế suy sụp dẫn đến sự sụp đổ và tan rã của nhà nước Nga.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cần bảo đảm rằng sự cô lập về kinh tế và chính trị của Nga không mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hỗ trợ Moscow né tránh các lệnh trừng phạt bắt buộc phải đối diện với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc tương tự của Hoa Kỳ và EU đối với Trung Quốc và các công ty của nước này.
Chiến tranh Ukraine sẽ dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng đối với các thành phố của Ukraine và hàng chục ngàn, nếu không muốn nói là hàng trăm ngàn dân thường. Tuy nhiên, Ukraine sẽ tồn tại. Còn Nga thì không!
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Joseph V. Micallef là một nhà sử học, tác giả sách bán chạy nhất, người viết bài cho chuyên mục tổng hợp, phóng viên chiến trường, và nhà đầu tư cổ phần tư nhân. Ông lấy bằng Thạc sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts và là một Nghiên cứu viên Fulbright tại Viện Quan hệ Quốc tế Ý. Ông từng là bình luận viên cho nhiều trường quay phát sóng và hãng thông tấn và cũng đã viết một số cuốn sách về lịch sử quân đội và các vấn đề thời sự quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông, “Leadership in a Opaque Future” (“Lãnh Đạo trong một Tương Lai Mờ Mịt”) sắp xuất bản. Ông Joseph cũng là một nhà giám định nổi tiếng về rượu vang và rượu mạnh và là tác giả của một cuốn sách bán chạy nhất về rượu whisky của Scotland.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: