Chiến tranh Ukraine làm nổi bật sự trỗi dậy của một trật tự thế giới mới
Các đồng minh của Mỹ, các quan chức Đảng Cộng Hòa, và các nhà phân tích chính sách trên thế giới đang lo ngại rằng nếu chính phủ Tổng thống Biden tán thành cuộc xâm lược vào Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì điều đó sẽ báo hiệu rằng Trung Quốc có thể tự do xâm chiếm Đài Loan. Thực tế là, chuyện này có lẽ đã quá muộn.
Vấn đề không phải là Hoa Thịnh Đốn không thể bảo vệ quốc gia vệ tinh của mình ở Kyiv mà là họ chưa bao giờ đương đầu với chính Bắc Kinh. Rốt cuộc, Hoa Kỳ đã chẳng động một ngón tay khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sáp nhập Hồng Kông. Hoa Kỳ cũng không bắt Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm khi họ nói dối về nguồn gốc của COVID-19, ngay cả khi những lừa dối và hành động của ĐCSTQ liên quan đến đại dịch trở thành một chiến dịch cơ hội của chiến tranh phi đối xứng.
Với hàng trăm ngàn người Mỹ mất đi sinh mạng, cơ quan an ninh quốc gia đã không làm gì để chống lại Bắc Kinh. Trong một bản đánh giá do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố, các trưởng nhóm điệp viên của Tổng thống Joe Biden kết luận rằng không có cách nào biết được chuyện gì đã xảy ra ở Vũ Hán – trừ khi chính người Trung Quốc quyết định tiết lộ những gì họ biết. Và do đó, cơ quan an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đã xóa bỏ mọi trách nhiệm của ĐCSTQ đối với khả năng phát tán một loại virus nguy hiểm, dù vô tình hay cố ý.
Nhìn trong bối cảnh này, Kyiv là một kết quả, không phải là một nguyên nhân. Vấn đề không phải là cuộc chiến Ukraine có thể dẫn đến việc Trung Quốc thâu tóm được Đài Loan, mà là việc Mỹ liên tục thất bại trong việc giám sát ĐCSTQ, đặc biệt là ở Vũ Hán, đã khuyến khích các đối thủ của Hoa Kỳ, trong đó có ông Putin.
Như tôi đã giải thích trong tập mới nhất của chương trình podcast “Over the Target”, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm sáng tỏ sự trỗi dậy của một trật tự thế giới mới do Trung Quốc và Nga dẫn đầu, vốn đang định hình vị trí đối lập với giới lãnh đạo của Hoa Thịnh Đốn. Liệu sức mạnh ngày càng tăng của khối liên minh chống Hoa Kỳ này có đồng nghĩa với trật tự hậu Đệ Nhị Thế Chiến do Hoa Thịnh Đốn lãnh đạo đã hồi kết thúc?
Không – hoặc là không hẳn vậy. Nhưng điều đó có nghĩa là giới lãnh đạo hiện tại của Hoa Kỳ đã làm suy yếu mục tiêu chiến lược chính của thời kỳ hậu chiến là ngăn chặn người Nga và người Trung Quốc thành lập liên minh. Nói cách khác, kỷ nguyên bắt đầu cách đây 50 năm đã kết thúc vào tháng trước.
Cựu Tổng thống Richard Nixon và cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu của ông, ông Henry Kissinger, tin rằng việc mở cửa quan hệ với ĐCSTQ sẽ tạo ra sự chia rẽ hơn nữa giữa hai cường quốc cộng sản và làm suy yếu chế độ ở Moscow mà lúc bấy giờ còn đáng gờm hơn. Và vì vậy vào tháng 02/1972, ông Nixon đã đến thăm Trung Quốc và giúp khởi động một loạt các sự kiện khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Nhưng đối với giai cấp thống trị Hoa Kỳ, việc quản lý kết quả đó đã chứng tỏ rằng chính sách này có vấn đề.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, “liệu pháp sốc” kinh tế do Hoa Kỳ và các nhà tư vấn phương Tây khác khuyến nghị đã làm suy yếu thêm các thể chế truyền thống vốn đã bị chủ nghĩa cộng sản phá hoại và thổi luồng sinh khí mới cho các thể chế hủ bại do Liên Xô xây dựng. Cơ cấu cai trị hiện tại của Nga là kết quả hợp với logic: một cựu sĩ quan KGB bị thúc đẩy bởi cảm giác oán giận khi ngồi trên đỉnh kim tự tháp của các nhà tài phiệt.
Cùng thời điểm ông Putin leo lên đỉnh cao của quyền lực, giai cấp thống trị của Hoa Kỳ đã biến Trung Quốc trở thành trung tâm của chủ nghĩa toàn cầu, một trật tự kinh tế và chính trị phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ do ĐCSTQ kiểm soát. Sự thu xếp này đã làm giàu cho giới tinh hoa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng gây tổn hại cho tầng lớp lao động và trung lưu Hoa Kỳ – và an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Và giờ đây, nửa thế kỷ sau quyết định mở cửa quan hệ mang tính lịch sử với ĐCSTQ, khái niệm địa chính trị mà ông Nixon và ông Kissinger định hình thế giới vì lợi ích của Mỹ đã chứng tỏ phản tác dụng. Bắc Kinh và Moscow thân thiết hơn bao giờ hết, với Bắc Kinh là đối tác cao cấp. Và Hoa Kỳ, ít nhất là dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, đã đảm nhận vai trò là một người cầu cạnh thấp bé hơn.
Theo một bản tin gần đây, các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã chia sẻ thông tin với các cơ quan gián điệp Trung Quốc về đánh giá của họ liên quan đến các kế hoạch Ukraine của ông Putin. Hoa Kỳ được cho là đã đề nghị Trung Quốc kiềm chế Tổng thống Nga.
Đó là một câu chuyện kỳ lạ. Và với vai trò của hãng truyền thông có uy tín này như một nền tảng cho các hoạt động do cơ quan tình báo Hoa Kỳ điều hành, và nỗ lực chung của họ để che đậy những sai lầm của ông Biden khỏi sự giám sát, điều đó có thể tồi tệ hơn những gì đã được đưa tin. Nhưng cũng đủ tồi tệ khi tin tức này lại nhấn mạnh một thói quen kỳ lạ của các quan chức trong chính phủ ông Biden. Tòa Bạch Ốc cho biết họ coi Trung Quốc là một thách thức và đối thủ cạnh tranh nhưng thay vào đó, họ lại đối xử với Trung Quốc như một cường quốc thế giới mà họ đang chịu ơn.
Cách đây không lâu, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley khoe rằng ông đã gọi điện cho người đồng cấp ĐCSTQ để hứa rằng ông sẽ cảnh báo trước nếu Tổng thống Donald Trump quyết định tấn công Trung Quốc. Chí ít, điều này dường như sẽ giải quyết mọi câu hỏi còn tồn tại về quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Khi công khai cuộc thảo luận của mình với một quan chức cao cấp của ĐCSTQ, cố vấn quân sự hàng đầu của Mỹ đã nói rõ rằng ông ưu tiên lợi ích quốc gia của Trung Quốc hơn cả lợi ích của đất nước mà ông tuyên thệ phụng sự và bảo vệ.
Và điều này làm dấy lên nghi vấn: Tại sao ông Milley không bị sa thải, hoặc tệ hơn? Làm thế nào mà cơ quan an ninh quốc gia của Hoa Kỳ lại chấp nhận việc một vị tướng bốn sao tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật về các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ cho một chiến binh của kẻ địch tiềm năng là chuyện bình thường?
Đó là bởi vì chính phủ Tổng thống Biden đại diện cho giai đoạn cuối của một nền cai trị đang suy tàn. Liệu tầng lớp này có kéo phần còn lại của đất nước vào một tình huống tồi tệ cùng với nó hay không sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của giới lãnh đạo mới của Mỹ đang vươn lên để đáp ứng những thách thức đang trỗi dậy ở ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Lee Smith là một nhà báo kỳ cựu, tác phẩm của ông được xuất bản trên Real Clear Investigations, The Federalist, và Tablet.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: