Chiến tranh Ukraine có thể khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển đáng kể ra khỏi Trung Quốc
Theo nhà phân tích kinh tế Christopher Balding, toàn cầu có thể bắt đầu chứng kiến một “sự dịch chuyển đáng kể khỏi Trung Quốc” khi thế giới đánh giá lại mối quan hệ kinh doanh của họ với chính quyền này sau chiến tranh Nga-Ukraine.
Ông Balding – một thành viên cao cấp tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn chính sách ngoại giao xuyên Đại Tây Dương của Vương quốc Anh, chuyên về kinh tế và công nghệ Trung Quốc — đã gợi ý như vậy sau khi người đứng đầu BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cho biết cuộc xâm lược của Nga đã đánh dấu sự kết thúc của toàn cầu hóa, với việc các quốc gia và công ty phát động một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Nga, và một cách tổng quát hơn, xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào các quốc gia khác.
Ông Balding nói, và nếu họ làm như vậy, một quốc gia hiển nhiên sẽ là Trung Quốc.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với NTD, hãng thông tấn có liên kết với The Epoch Times: “Giờ thì người ta chắc chắn nghĩ về điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bắt đầu sát hại người ở Tân Cương, điều gì sẽ xảy ra nếu họ áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân xung quanh Đài Loan? Và có đủ thể loại kịch bản đang diễn ra trong đầu họ.”
Ông tiếp tục, “Đột nhiên, người ta nghĩ: ‘Chờ chút, điều này có nghĩa là chuỗi cung ứng của tôi ở Trung Quốc, công việc kinh doanh của tôi với một trường đại học ở Trung Quốc’… Và người ta đang xem xét mức độ trợ giúp mà Nga đang nhận được từ Trung Quốc và đặt ra rất nhiều câu hỏi không thoải mái về Trung Quốc. Và tôi nghĩ nếu quý vị đưa Trung Quốc ra khỏi câu hỏi đó, về căn bản đó sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính trị và kinh tế toàn cầu.”
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu từ Trung Quốc cách đây hai năm đã gây chú ý về sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc để sản xuất các nguồn cung cấp rất cần thiết, từ dược phẩm đến khoáng sản quan trọng và thiết bị y tế.
Sự phẫn nộ đối với chiến dịch đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông, và các nơi khác cũng đã thúc đẩy những lời kêu gọi — từ cả các nhà hoạt động lẫn các quan chức phương Tây — để các doanh nghiệp quốc tế rút lui khỏi Trung Quốc.
Hôm 17/03, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã gửi một bức thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi họ đã ngừng hoạt động ở Nga và kêu gọi họ nhân rộng cách tiếp cận của mình với Trung Quốc, nêu bật nguy cơ Bắc Kinh theo sát Nga và xâm lược Đài Loan tự trị, cũng như những vi phạm nhân quyền của chính phủ này.
Thượng nghị sĩ này nói, đề cập đến lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình: “Không có tổ chức đáng kính nào ở Hoa Kỳ nên kinh doanh với một chính quyền sát nhân. Mỗi USD chi tiêu cho Trung Quốc cộng sản đều hỗ trợ cho nền kinh tế của nước này và cho chính quyền diệt chủng của ông Tập. Đã đến lúc đặt nhân quyền và dân chủ lên trên lợi nhuận.”
Dân biểu Diana Harshbarger (Cộng Hòa-Tennessee) coi việc chấm dứt hoạt động sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc là một vấn đề an ninh quốc gia.
Bà nói với NTD trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Trung Quốc là một quốc gia đối địch và chúng ta đang phụ thuộc vào họ cho 90% dược phẩm hoặc các thành phần dược phẩm hoạt tính và các thành phẩm của chúng ta. Chúng ta cần sản xuất những thứ đó ở Mỹ hoặc sử dụng các đồng minh của chúng ta.”
Các vụ phong tỏa hàng loạt gần đây của Trung Quốc do số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt đã một lần nữa làm dấy lên lo ngại trên toàn thế giới về sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nhà lập pháp này cho biết, các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch đã khiến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng về thị trường trong nước trở nên cấp thiết hơn.
Bà nói thêm: “Nếu đại dịch bùng phát, hoặc một đại dịch khác [xuất hiện], chúng ta có tự cung cấp cho bản thân được không?”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: