Chiến tranh Ukraine cho ĐCSTQ cơ hội kinh tế trong cán cân quyền lực phức tạp với Nga
Khi nền kinh tế ngày càng suy thoái nghiêm trọng hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì chiến tranh Nga-Ukraine lại tạo ra các cơ hội thương mại và đầu tư có thể cho phép giới tinh hoa cai trị của Trung Quốc đi trước một bước đối với bất ổn xã hội đang hình thành và mở rộng quyền cai trị của mình.
Đó là theo ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, người đã nói chuyện với chương trình “Forbidden News” của EpochTV hôm 17/03.
Nhà phân tích này cho rằng trong khi phần lớn thế giới rút doanh nghiệp khỏi Nga và cắt đứt quan hệ với Nga, thì Moscow có thể chuyển ngoắt sang sẵn sàng làm ăn với Trung Quốc với mức giá rất có lợi cho nước này. Nhưng trong cán cân quyền lực phức tạp, tham vọng lãnh thổ của Nga ở Á Châu hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Ông Copley, cũng là một người đóng góp cho The Epoch Times, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc đang dần sụp đổ, và có lẽ với một tốc độ ngày càng nhanh hơn trong tám năm qua hoặc lâu hơn thế. Vì vậy, điều thực sự quan trọng về chiến sự ở Ukraine đó là, về bản chất, nó đã cứu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [CHND Trung Hoa] trên quy mô rộng lớn, bởi vì chiến sự đó đã đưa Moscow trở lại vòng tay của Bắc Kinh.”
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã nói chuyện qua điện thoại vào đầu ngày hôm nay với Tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc chiến Nga-Ukraine và những ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với mối bang giao Mỹ-Trung, trong số những vấn đề khác, nổi bật là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới không lên án cuộc xâm lược Ukraine một cách dứt khoát.
Khi các lệnh trừng phạt mà các nước khác áp dụng giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga, Moscow có khả năng sẽ tìm đến Bắc Kinh, nơi hiện có thể mua các sản phẩm mà công chúng Trung Quốc cần với mức giá thấp hơn đáng kể.
Ông Copley lưu ý rằng Trung Quốc vừa là nhà nhập cảng năng lượng lớn nhất, cũng vừa là nhà nhập cảng thực phẩm lớn nhất trên thế giới. Ông nói, nhân khẩu học là lý do chính. Với khoảng 20% dân số thế giới và chỉ 7% lượng nước trên thế giới, mà phần lớn nước lại bị ô nhiễm, nên hoạt động sản xuất lương thực ở Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng không thuận lợi [cho phát triển], ông Copley nói.
Do đó, Trung Quốc đã nhập lương thực từ Hoa Kỳ với quy mô lớn. Điều này không chỉ gây tốn kém mà còn khiến Trung Quốc rơi vào thế phụ thuộc vào Mỹ.
Trung Quốc hiện là điểm đến hàng đầu của hàng xuất cảng của Nga. Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Saudi Arabia, chiếm 15.5% tổng nhập cảng của Trung Quốc vào năm 2021. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt và than lớn cho Trung Quốc.
Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga nổ ra, Bắc Kinh đã từ chối lên án các hành động của Nga hoặc tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thay vào đó, chính phủ nước này đã ca ngợi mối bang giao Trung-Nga là “vững như bàn thạch” và cam kết tiếp tục quan hệ thương mại bình thường với quốc gia đang bị gây sức ép này.
Sự phụ thuộc
Theo phân tích của ông Copley, sự phụ thuộc này đã đặt ra giới hạn đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc và thậm chí có thể giải thích tại sao Bắc Kinh vẫn chưa tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan. Nhà cầm quyền Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình và đã tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ông Copley nói: “CHND Trung Hoa không thể tiến hành bất kỳ cuộc tập trận quân sự lớn nào, chẳng hạn như cuộc xâm lược Đài Loan, bởi vì nếu họ làm vậy, Hoa Kỳ sẽ cắt nguồn cung cấp lương thực đó và quý vị sẽ thấy một Trung Quốc chết đói hàng loạt trong vòng vài tuần.”
Ông nói, “Thực tế là chiến tranh Ukraine đồng nghĩa với việc Nga hiện không thể bán nhiều sản lượng nông nghiệp, các sản phẩm và thặng dư lương thực của mình ra thế giới bên ngoài. Vì vậy, thực phẩm đó sẽ được cung cấp cho Trung Quốc với giá thấp hơn, có lẽ, so với việc họ phải trả cho việc nhập cảng ngũ cốc và nhập cảng đậu tương của Hoa Kỳ.”
Theo ông Copley, Nga cũng có khả năng chuyển hướng sang các sản phẩm năng lượng của Trung Quốc mà nước này không còn có thể bán cho các thị trường phương Tây.
Sự sẵn có của những sản phẩm thực sự cần thiết này cuối cùng lại có thể giúp ông Tập thực hiện được kế hoạch dứt bỏ sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ của Trung Quốc và mang lại, nếu không phải là thực tế về tự cung tự cấp hoàn toàn, một mô hình kinh tế phù hợp hơn với sở thích của ĐCSTQ.
Ông Copley nói: “Những gì Bắc Kinh đang nghĩ đến khi thực hiện theo kế hoạch của ông Tập là khiến cho Trung Quốc ngừng phụ thuộc nhiều vào ngoại quốc và xây dựng một nền kinh tế xoay quanh lưu thông nội bộ. Đó là một quan điểm phi thực tế, và nó đã không hiệu quả với ông Mao Trạch Đông. Quý vị đã chứng kiến nạn đói lớn trong những năm 1950. Ở một mức độ nào đó, Nga có thể cứu CHND Trung Hoa khỏi bị như vậy.”
Một mô hình kinh tế liên quan đến hàng nhập cảng nặng từ Nga có thể không được coi là một ví dụ về “lưu thông nội bộ”, nhưng ít nhất làm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, và có khả năng, trao quyền tự do vào tay họ để hành động chống lại Đài Loan.
Ông Copley cho biết: “Chúng ta đang nhìn thấy tiềm năng này, dành cho những người muốn Bắc Kinh có thêm quyền tự chủ khỏi thế giới phương Tây cũng như không bị phụ thuộc vào lương thực của phương Tây, nhưng vẫn nhận được một lượng lớn lương thực từ Nga. Vì vậy, khối kinh tế mới này đang được hình thành giữa Nga và CHND Trung Hoa, cũng như Iran và các quốc gia khác.”
Ông Copley đã vẽ ra một sự tương phản giữa Trung Quốc ngày nay, mà ông gọi là được đô thị hóa 66%, và Trung Quốc của những năm đầu thế kỷ 20, vốn chỉ được đô thị hóa khoảng 5%. Ông nói, tình trạng bất ổn trên quy mô lớn vốn đang làm xấu đi các điều kiện xã hội và nạn đói đặc hữu có thể dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ trong vòng một thập niên tới. Việc chuyển sang mở rộng thương mại với Nga và một số quốc gia khác đã trao cho ĐCSTQ một dây cứu sinh.
Lợi ích chính sách ngoại giao không tương đồng
Khả năng mở rộng thương mại với Nga không có nghĩa là lợi ích rộng lớn hơn của hai nước là tương đồng theo bất kỳ cách nào, đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách ngoại giao. Theo quan điểm của ông Copley, Nga đã hành động một cách táo bạo ở những nơi mà Trung Quốc chùn bước.
Ông nói: “Những gì chúng ta thấy trong giai đoạn ngay sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng Tám năm ngoái là Trung Quốc đã vấp ngã và thất bại thực sự trong việc khai thác việc Mỹ không còn hiện diện chiến lược ở Trung Á. Họ hy vọng có được uy tín với Taliban và xây dựng một đường ống xuyên Afghanistan tới Iran để lấy năng lượng, nhưng kế hoạch này đã được chứng minh là một giấc mơ viển vông.”
Trong khi đó, Nga tiến vào với lời đề nghị bảo đảm an ninh cho năm quốc gia Trung Á này, trong đó có quy định sử dụng tiếng Nga là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực ổn định Kazakhstan sau cuộc đảo chính vào tháng Một. Ông Copley coi các hành động của Nga là một nỗ lực nhằm tái lập quyền kiểm soát Trung Á đồng thời phủ nhận sức ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh.
Ông Copley nói, “Nga miễn cưỡng để Bắc Kinh quay trở lại Trung Á. Lấy ví dụ, họ đưa quân vào Tajikistan không phải để ngăn dòng người tị nạn Afghanistan, mà để ngăn Trung Quốc đưa thêm quân vào Tajikistan. Hiện tại, Nga không muốn nhường bước trước Bắc Kinh.”
Theo quan điểm của ông Copley, các tranh chấp lãnh thổ lâu đời giữa Nga và Trung Quốc, một số tranh chấp kéo dài từ tận thế kỷ 19, đã không biến mất mà thậm chí còn phát triển rõ nét hơn. Chúng có thể sẽ tiếp tục khi cán cân kinh tế quyền lực giữa Nga và Trung Quốc thay đổi và thương mại với Nga cung cấp một sợi dây cứu sinh cho ĐCSTQ.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Ông Gary Bai là một phóng viên tự do hiện đang làm việc tại New York, đưa tin liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc cho The Epoch Times.
Michael Washburn và Gary Bai thực hiện
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: