Chiến tranh Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành khác
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, ngành công nghiệp chất bán dẫn đã cùng nhau liên kết thành một nhóm tập hợp các công ty và tập đoàn tuyên bố rằng họ sẽ không làm ăn với Nga. Chỉ số Chất bán dẫn PHLX SOX đã giảm sau thông báo này, nhưng khi xem xét các báo cáo gần đây cho thấy rõ ràng rằng Nga không phải là một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cho hay Nga chiếm chưa đến 0.1% lượng mua vi mạch bán dẫn toàn cầu. Theo dữ liệu từ Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), năm 2021, thị trường Công nghệ Thông tin Truyền thông (ICT) rộng lớn hơn của Nga đã đạt tổng trị giá khoảng 50.3 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ của thị trường toàn cầu trị giá 4.47 ngàn tỷ USD.
Về phần Ukraine, có một mối quan tâm tiềm ẩn nằm ở khí neon. Trong số các quốc gia khác, Ukraine đóng vai trò trong công đoạn tinh chế neon, và gửi sản phẩm này cho các nhà sản xuất chất bán dẫn. Neon là một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất [vi mạch bán dẫn] này, vốn bao gồm rất nhiều thành phần được sử dụng kết hợp để tạo ra chất bán dẫn.
Theo ông Stacy Rasgon, giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích cao cấp về thiết bị bán dẫn chính và chất bán dẫn của Hoa Kỳ tại Bernstein Research, hiện tại, những thiết bị cần neon có thể không gặp phải tình trạng thiếu hụt và chậm trễ hơn nữa.
“Có khả năng là việc các nhà sản xuất có hàng dự trữ sẽ giúp chúng ta trụ được trong một thời gian,” ông nói với The Epoch Times. Ông cũng cho biết thêm, nếu cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài thêm sáu tháng hoặc một năm, thì chuỗi cung ứng khí neon có thể sẽ bị thắt chặt.
Mất cân bằng cung-cầu
Ngành công nghiệp bán dẫn lần đầu tiên vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2010, và sau đó dao động quanh con số đó cho đến năm 2017, là thời điểm mà ngành này vượt qua mốc 400 tỷ USD. Con số này vẫn ở trong phạm vi đó trong những năm tiếp theo. Sau đó, vào năm 2021, con số này đã tăng vọt lên 583.5 tỷ USD, phần lớn là do nhu cầu tăng mạnh.
Vào năm 2020, khi COVID-19 bùng phát, những gián đoạn đã dẫn đến sự biến động trong ngành bán dẫn, và nhu cầu gia tăng gây ra sự chậm trễ trong việc hoàn thành các đơn đặt hàng. Các nhà sản xuất xe hơi đã phải tạm dừng sản xuất trong khi chờ đợi các lô hàng bán dẫn đến được cửa nhà máy. Máy chơi game như Nintendo Switch, PlayStation 5, và Xbox Series X|S trở thành hàng hiếm. Câu chuyện thiếu hụt tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực khác phụ thuộc vào chất bán dẫn, bao gồm thiết bị gia dụng, điện thoại thông minh, và tivi.
Đối với các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, đây sẽ là một trò chơi chờ đợi xem khi nào cung và cầu trở lại gần điểm cân bằng hơn.
“Nếu xem ngành công nghiệp bán dẫn như một đường ống dẫn hàng hóa, thì đường ống này đang bị cạn,” ông Stavros Kalafatis, giáo sư kỹ thuật điện và máy điện toán tại Đại học Texas A&M, đưa ra giải thích. “Sẽ có một khoảng thời gian chậm trễ để lấp đầy đường ống này trước khi quý vị có doanh số nhanh chóng và sinh lợi từ các đơn đặt hàng hoặc có thêm nhiều đơn hàng. Chúng ta vẫn đang trong quá trình làm đầy đường ống dẫn đó.”
Hành động này cần thời gian, và trong khi các nhà sản xuất xe hơi đang sản xuất xe, tốc độ sản xuất vẫn chưa đạt đến mức trước đại dịch. Những chiếc xe hơi cũ, một giải pháp thay thế cho những người đang tìm kiếm một chiếc xe mới nhưng không thể tìm được, giá vẫn đang cao.
Trong khi sự chậm trễ [trong ngành] chất bán dẫn đang đem đến lo ngại cho một số nhà đầu tư, thì lại có những tác động khác liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine có thể được cảm nhận ở quy mô lớn hơn. Không chỉ là nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu, Nga còn là nước xuất cảng lúa mì lớn nhất trên thế giới, và chiếm hơn 18% lượng lúa mì xuất cảng quốc tế.
“Các biện pháp trừng phạt và cuộc xung đột vẫn tiếp diễn này sẽ khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu khó thực hiện được các giao dịch với phía Nga,” ông Schuyler “Rocky” Reidel, một luật sư tại Texas và là người sáng lập Công ty Luật Reidel, nói với The Epoch Times. “Họ có thể đã nhận thấy rằng họ không được phép gửi hoặc thu tiền đến hoặc từ Nga do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu cũng như các hạn chế đối phó mà Nga đã áp dụng đối với chứng khoán thuộc sở hữu ngoại quốc và các khoản thanh toán cho Hoa Kỳ và các bên của Liên minh Âu Châu.”
Theo ông Reidel, những khó khăn này đặt ra nhiều rủi ro khác nhau, bao gồm cả tác động tiềm tàng sẽ đến nếu các ngân hàng hoặc doanh nghiệp Nga có khoản vay từ các nhà đầu tư ngoại quốc hoặc các ngân hàng không có khả năng thanh toán khoản nợ đó, đều sẽ khiến họ vỡ nợ theo hợp đồng. “Họ có thể sẽ có nguy cơ mất quyền tiếp cận nguồn vốn quốc tế trong tương lai hoặc thậm chí là các vụ kiện tụng phá sản đối với tài sản hoặc tài sản thế chấp nằm bên ngoài nước Nga.”
Theo ông Reidel, nếu cuộc xung đột này vẫn tiếp tục, các doanh nghiệp Nga có thể tìm cách tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng và thị trường vốn để né tránh Hoa Kỳ và Tây Âu. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ mất vài năm và sẽ kéo theo nhiều thủ tục phức tạp. Ông cho rằng: “Có khả năng các doanh nghiệp và thị trường Nga giờ đây sẽ xoay trục sang Á Châu và Mỹ Latinh để giao thương và rót vốn, vì hầu hết Á Châu và Mỹ Latinh đã chọn giữ thái độ trung lập và không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào thời điểm này.”
Trong khi đó, các công ty bán dẫn và các ngành công nghiệp khác có khả năng sẽ tạm dừng tương tác với Nga trong một thời gian không xác định để họ theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngoài việc rút các khoản đầu tư và giao dịch, ông Reidel nhận thấy một cách tiếp cận rất dè chừng trong việc đầu tư hoặc mở rộng ở Nga trong tương lai.
Ông nói: “Điều này sẽ gây bất lợi đáng tiếc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ ở Nga, cho các doanh nghiệp Nga, và cho người dân Nga.”
Bà Rachel Hartman là một nhà văn tự do có kinh nghiệm về kinh doanh và tài chính. Tác phẩm của bà đã xuất hiện trên các ấn phẩm trong nước và quốc tế trong hơn 10 năm qua. Bà sống ở Miami và thường xuyên đi du lịch.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: