Chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục, và bây giờ chúng ta đang thua
Tôi vừa đủ lớn để nhớ khi xem Paul Henderson ghi bàn thắng quyết định trước đội Liên Xô trong trận chung kết của giải Summit Series 1972. Tôi biết rằng một điều gì đó quan trọng đã xảy ra, nhưng tôi không hoàn toàn hiểu nó là gì cho đến tận sau này.
Đúng, đó là khúc côn cầu, và niềm tự hào dân tộc của chúng ta đang bị đe dọa, nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Đội Canada đã chiến đấu cho lẽ sống của mình trước một kẻ địch đang tìm cách xé nát nó. Hoa Kỳ thường là nước cầm lá cờ đầu trong các cuộc xung đột với Liên Xô, nhưng vào tháng 9/1972, những người Canada đã là những chiến binh trong cuộc chiến tranh lạnh.
Chúng ta nghĩ rằng mình đã thắng trong chiến tranh lạnh. Sau nhiều thập kỷ kề bên miệng hố chiến tranh về chính trị vào nửa cuối thế kỷ 20, Liên Xô đã giải thể vào năm 1991 và phương Tây có vẻ đã chiến thắng. Nhưng đó không phải là kết thúc của câu chuyện. Chiến tranh lạnh không đơn thuần chỉ là một cuộc xung đột giữa các quốc gia mà còn là một cuộc giao tranh giữa các hệ tư tưởng chính trị đối lập. Cuộc đấu tranh giữa tự do và chủ nghĩa tập thể này vẫn tiếp tục nhưng đã chuyển sang diễn ra bên trong các nước phương Tây. Mối đe dọa hiện nay là từ chính các nhà lãnh đạo và công dân của chúng ta, những người dường như tin rằng Canada nên là một quốc gia xã hội chủ nghĩa.
Và lần này, phe xã hội chủ nghĩa đang chiến thắng.
Những điều trước mắt chúng ta không phải là chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô Viết với những trại lao động cưỡng bức và những tiểu đội xử bắn, mà là một phiên bản đặc biệt của chủ nghĩa xã hội cấp tiến tân Marxist được tạo ra tại Canada. Nhưng đừng bị cuốn vào những cái tên này: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít; chủ nghĩa xã hội dân chủ và dân chủ xã hội; chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân túy, đó mới chỉ là kể một số thôi. Những biến thể này không thể che đậy được sự khác biệt chính: hoặc là các cá nhân về cơ bản được tự do theo đuổi những quan tâm của họ, bày tỏ tư tưởng của họ, và sở hữu tài sản của họ; hoặc là nhà nước chi phối những hành động, lời nói, và niềm tin của họ cho hợp với các giáo điều chính thức.
Tác giả khoa học viễn tưởng Robert A. Heinlein đã viết: “Nhân loại phân chia về mặt chính trị thành những người muốn mọi người bị kiểm soát và những người không có mong muốn đó.”
Theo ông Angelo Codevilla, Giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Đại học Boston, khái niệm về sự đúng đắn chính trị bắt nguồn từ Liên Xô như một lời nhắc nhở “rằng lợi ích của đảng phải được đối đãi như một thực tại còn cao hơn cả chính thực tại.”
Trong chiến dịch của nó ở Canada, một trong những vũ khí hữu hiệu nhất của chủ nghĩa xã hội là sự không tin của chúng ta. Chúng ta dễ cho rằng các xu hướng ở quốc gia này không báo hiệu chủ nghĩa xã hội thực sự, mà thay vào đó chỉ tạo thành một lớp phủ lên trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa tự do và thị trường tự do. Thật không may là bằng chứng lại không cho thấy điều đó.
Ở Canada hiện đại, tư duy xã hội chủ nghĩa đã trở thành một phần của cuộc sống. Cốt lõi của nó là niềm tin rằng việc tham dự vào đời sống cộng đồng cần ứng xử theo hệ tư tưởng cấp tiến. Luật sắp được đưa ra quốc hội sẽ coi việc khuyên con bạn không nên chuyển sang giới tính khác là một hành vi phạm tội; sở hữu bất động sản hiện được coi là một đặc quyền nên phải được thực hiện vì lợi ích công cộng và bị đánh thuế khi nó bị để trống ở các trung tâm đô thị sầm uất; dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân bị cấm; các doanh nghiệp được kỳ vọng phải đóng vai trò như là các cơ quan phúc lợi xã hội, cung cấp lợi ích cho những người lao động ngay cả khi những người lao động này không thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp; các bác sĩ công khai bày tỏ các quan điểm bất đồng về việc đóng cửa hoặc vaccine thì có thể bị kiểm duyệt hoặc điều tra; các chính phủ lập kế hoạch và quản lý nền kinh tế, và giữ các công dân “an toàn” khỏi những rủi ro của virus và những sai lầm của chính họ.
Những nền văn minh vĩ đại không bị chinh phục từ bên ngoài cho đến khi họ tự hủy hoại mình từ bên trong, như các nhà sử học Will và Ariel Durant đã viết: “Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy tàn của La Mã nằm ở người dân của nó, đạo đức của nó, cuộc đấu tranh giai cấp của nó, thương mại suy yếu của nó, chế độ quan liêu độc đoán của nó, các mức thuế ngột ngạt của nó…” Những đặc điểm này nghe có quen thuộc không?
Canada đang thoái lùi, quan tâm đến việc phân phối lại của cải hơn là sản xuất ra nó, muốn quản lý hơn là xây dựng, và dễ bị suy tàn hơn là phát triển. Chúng ta đánh đổi quyền tự do để lấy vẻ ngoài an toàn, và đánh đổi sự cạnh tranh để cùng trở thành nạn nhân. Chúng ta dễ chịu hơn với mục tiêu làm mọi người nghèo như nhau hơn là sự giàu có không bằng nhau. Chúng ta cản trở và làm mất uy tín ngành xuất khẩu năng lượng của chính mình. Chúng ta trừng phạt tinh thần chấp nhận rủi ro và ban thưởng cho sự nghe lời. Các công chức của chúng ta nhận được mức lương và lương hưu hậu hĩnh trong khi chính phủ đóng cửa các doanh nghiệp nhỏ. Còn có ai đang suy nghĩ một cách chín chắn mà lại muốn trở thành một doanh nhân?
Theo cách điển hình của Canada, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong nước ta tiến triển cùng với sự đầu hàng chân thành nhất. Nhưng sự thất bại này không phải là một hiện tượng của riêng Canada. Như bác sĩ và nhà văn người Anh Theodore Dalrymple đã quan sát, “Burke nói, tất cả những gì cần thiết để cái ác chiến thắng, là những người tốt không làm gì cả; và ngày nay hầu hết những người tốt có thể được trông cậy để làm chính xác điều đó. Khi mà bị mang tiếng là không bao dung còn đáng sợ hơn bị mang tiếng vì chính cái ác, thì mọi điều ác sẽ có thể phát triển mạnh mẽ.”
Chủ nghĩa xã hội sẽ không có hiệu quả. Nó chưa bao giờ có hiệu quả. Nhưng lần này nó có thể cuốn Canada chìm theo nó.
Tác giả Bruce Pardy là giáo sư luật tại Đại học Queen ([email protected] Twitter @PardyBruce)
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bruce Pardy
Thanh Tâm biên dịch
Xem thêm: