Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu, nhiều liên minh quân sự quốc tế được thành lập để chống lại ĐCSTQ
Gần đây, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền Biden áp dụng một chính sách rõ ràng và toàn diện hơn đối với Bắc Kinh, để đối phó với mối đe dọa từ nước này. Về sự việc liên quan đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như vấn đề an ninh quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, phóng viên Epoch Times đã phỏng vấn ký giả thâm niên ở Hồng Kông Trình Trường và chuyên gia chuyên mục Stu Crvk, người đã phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ 30 năm.
Chuyên gia: Chính sách đối với Trung Cộng yếu ớt, không hiệu quả
Những bình luận gần đây của đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo về chính sách đối với Trung Quốc đã làm các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa lo lắng. Vào ngày 29/9, trong tuyên bố của mình, họ kêu gọi hai quan chức này “kiểm tra các cuộc họp giao ban liên quan về mối đe dọa (từ ĐCSTQ) ngay lập tức, và xem xét việc (ĐCSTQ) vi phạm lời hứa, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, gián điệp kinh tế một cách trắng trợn và hung hăng đe dọa đến các công dân Hoa Kỳ.
Dân biểu Michael McCaul gửi email tới Epoch Times nói rằng: “Điều bất hạnh là, chính quyền Biden đã không đưa ra một biện pháp rõ ràng và toàn diện đối với mối đe dọa thế kỷ từ ĐCSTQ.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Tom Cotton cho biết trên Twitter vào ngày 24/9, “Tuần này, chính quyền Biden đã nối lại chính sách xoa dịu đối với Trung Quốc (ĐCSTQ), một chính sách đã thất bại trong nhiều thập kỷ.” Ông lấy ví dụ:
- Ông Joe Biden đã không đề cập đến “Trung Quốc” trong bài phát biểu của mình tại Liên Hợp Quốc;
- Bộ trưởng Bộ Thương mại của chính quyền Biden nói cần phải tăng cường quan hệ kinh doanh với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc;
- Chính phủ đã bãi bỏ các cáo buộc hình sự đối với các giám đốc điều hành Huawei và đầu hàng trước chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc;
- Ông John Kerry dường như đã thuyết phục chính phủ xem nhẹ chế độ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ để đổi lấy cam kết mơ hồ của Trung Quốc về hợp tác biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, ông Crvk cho rằng các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tin rằng chính sách áp chế ĐCSTQ của chính quyền Biden quá yếu ớt. Những người được Biden bổ nhiệm tại Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao có thái độ hoà hợp với Trung Cộng về mặt an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Họ có xu hướng quay trở lại thời kỳ trước Tổng thống Trump, như thời ông Kissinger. Tuy nhiên, chính sách đối với Trung Quốc thời Kissinger đã không đạt hiệu quả.
Ông nhấn mạnh, trong hai năm qua, các hành động của ĐCSTQ khiến người ta “phải mở to mắt”. Bao gồm che giấu dịch bệnh; thu thập các trang thiết bị y tế chống dịch ở nước ngoài và vận chuyển chúng về nước, rồi bán các vật tư y tế cho những nước khó khăn; đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; uy hiếp Đài Loan; xâm phạm lãnh hải của các nước khác trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.v.v.
“Mọi người đã thấy hành động của Trung Quốc hung hăng hơn bao giờ hết.”
Ông nói rằng các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa muốn đảm bảo rằng hệ thống và khả năng quân sự của Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng bởi công nghệ thông tin của Trung Cộng như WeChat, Tiktok và công nghệ 5G của Huawei.
Chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu
Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Biden đã nhấn mạnh không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Về vấn đề này, ký giả cao cấp Trình Tường nhận định, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, thế giới từ lâu đã bước vào Chiến tranh Lạnh mới. ĐCSTQ và Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng đối đầu ngày càng nghiêm trọng giữa các giá trị và hệ tư tưởng.
Ông Tường nói: “Hiện không phải Hoa Kỳ không muốn xảy ra Chiến tranh Lạnh mới, mà với dã tâm (bành trướng) và sự thâm nhập vào toàn bộ xã hội phương Tây của ĐCSTQ, cuộc Chiến tranh Lạnh này đã bắt đầu.”
Ông nói rằng ĐCSTQ đã tăng cường thâm nhập vào cộng đồng quốc tế về mọi mặt, từ tuyên truyền đến mặt trận thống nhất hay việc thiết lập một loạt các căn cứ ở nước ngoài. ĐCSTQ đang tranh bá với Hoa Kỳ, đây là một thực tại khách quan.
“ĐCSTQ không ngừng thách thức các giá trị cốt lõi của xã hội nhân loại, chẳng hạn như tự do và dân chủ, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Dù ở cộng đồng quốc tế hay trong nước, ĐCSTQ đều chà đạp những giá trị cốt lõi một cách trắng trợn, ngày càng đi ngược với giá trị quan của xã hội quốc tế, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến quan hệ giữa ĐCSTQ và thế giới phương Tây ngày một xấu đi.
Liên minh Hoa Kỳ-Anh-Úc (AUKUS) lấp đầy lỗ hổng an ninh trong chuỗi đảo đầu tiên
Vào đầu tháng 9, Hoa Kỳ, Úc và Vương quốc Anh đã thiết lập quan hệ đối tác an ninh mới mang tên AUKUS, với trọng tâm là tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thỏa thuận này được nhiều người coi là biện pháp đối phó với dã tâm ngày càng trắng trợn của ĐCSTQ trong khu vực.
Ông Trình Tường nhận định, liên minh quân sự Hoa Kỳ-Anh-Úc là biện pháp củng cố một loạt các mối đe dọa quân sự mà Hoa Kỳ dự định thiết lập ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm vào ĐCSTQ, cụ thể là nhằm vào việc xây đảo và quân sự hoá hoàn toàn đảo nhân tạo của ĐCSTQ. Trước việc ĐCSTQ liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, chuỗi đảo đầu tiên đã bộc lộ những mắt xích yếu kém trong việc phòng thủ với một khoảng trống lớn ở nửa phía nam chuỗi đảo. Về phía bắc của Đài Loan (phía bắc của chuỗi đảo thứ nhất), nó tương đối vững chắc vì có Nhật Bản là đồng minh. Do đó, liên minh quân sự Hoa Kỳ-Anh-Úc có thể lấp đầy khoảng trống ở nửa phía nam của chuỗi đảo thứ nhất.
Ông Trình Tường còn nói rằng Hoa Kỳ, Úc và New Zealand trước đây đã thiết lập liên minh quân sự ANZUS, và Anh hiện đã tham gia. Đảo Darwin ở phía bắc nước Úc sẽ cho phép Vương quốc Anh đóng quân trong tương lai.
Các liên minh quân sự quốc tế củng cố và bổ sung cho nhau, nhiều nước quay lưng với ĐCSTQ
Vào ngày 27/8, hai đảng cầm quyền ở Đài Loan và Nhật Bản đã lần đầu tiên tiến hành cuộc “Đối thoại an ninh 2+2” theo hình thức đối thoại trực tuyến. Về sự kiện trên, ông Crvk nói, đây là điều chưa từng xảy ra, và cũng là phản ứng trực tiếp đối với hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Crvk nói, phương Tây có câu rằng “Nhu cầu là mẹ của phát minh” (đại ý là cái khó ló cái khôn). Sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc liên tục xung đột (quân sự) với các nước trong khu vực đã khiến các quốc gia phương Tây nhận thức được tầm quan trọng của việc đoàn kết và thiết lập quan hệ đối tác an ninh để đối phó với sự bành trướng hung hãn của Trung Quốc.
Ông cho rằng AUKUS không phải là liên minh duy nhất chống lại ĐCSTQ, mà Nhật Bản và Đài Loan cũng có tiềm năng phát triển thành một liên minh. Ngoài ra, còn có Bộ tứ QUAD (gồm Hoa Kỳ-Ấn-Nhật-Úc), và những liên minh của nhiều quốc gia hơn nữa. Họ nhận ra rằng họ cần phải cùng nhau nỗ lực chống lại mối đe dọa từ ĐCSTQ. Ngay cả châu Âu cũng đang triển khai các hoạt động, ví dụ hải quân Anh-Pháp, và nước Đức cũng đang tuần tra trên eo biển Đài Loan. Bởi vì họ lo ngại rằng ĐCSTQ đang đe dọa Đài Loan, điều này là vi phạm các chuẩn tắc quốc tế.
Ông Crvk cho biết các liên minh này đang gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng: “Chúng tôi đang rất nghiêm túc”. Các liên minh này sẽ tham gia hợp tác thực tế trong trao đổi kỹ thuật, phát triển khả năng quân sự như một biện pháp phòng thủ, hoặc chính thức chia sẻ thông tin tình báo, v.v.
Ông Trình Tường cho rằng các liên minh này đều nhằm vào sự bành trướng và dã tâm ngày một rõ ràng của ĐCSTQ. Mặc dù các liên minh này có bản chất khác nhau, nhưng chúng đều có mối quan hệ bổ sung cho nhau. Ví dụ, liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản rõ ràng là để củng cố sức mạnh phần phía bắc của chuỗi đảo thứ nhất. Liên minh giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc là để bù đắp lỗ hổng phòng thủ ở phần phía nam của chuỗi đảo.
Ngoài ra, ông nói rằng Liên minh Bộ tứ Hoa Kỳ-Nhật-Úc-Ấn Độ (QUAD), có thêm sự tham gia của Ấn Độ, là để nhằm vào dã tâm thâu tóm Ấn Độ Dương của ĐCSTQ. Vì ĐCSTQ luôn muốn tạo ra một bước đột phá ở Ấn Độ Dương. Nó đang chuẩn bị thành lập một cảng quân sự ở Myanmar; nó cũng có một cửa ra biển ở Pakistan và một cửa biển đã hoạt động lâu năm ở Sri Lanka. Điều này khiến cho quân đội của ĐCSTQ dễ dàng xâm nhập vào Ấn Độ Dương
Ông Trình Tường cho biết, NATO cũng ra tuyên bố cho rằng tình hình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Ngoài việc ủng hộ các nước điều quân đội đến để kiềm chế ĐCSTQ về mặt chính trị, NATO không có hoạt động quân sự cụ thể nào. Tuy nhiên, những liên minh khác đều đang củng cố khả năng hợp tác ở các mức độ khác nhau để chống lại sự bành trướng quân sự của ĐCSTQ.
Do Nhan Vĩnh Minh thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: