Chiến tranh đã kéo đến một ngôi làng của Ukraine nơi xa tiền tuyến
KOTY, Ukraine—Mấy chục năm nay, những cư dân sống trong một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong miền tây Ukraine không hề bất ngờ sửng sốt trước tiếng bom rơi đạn lạc.
Những tiếng nổ này vang lên từ cuộc diễn tập pháo binh hôm 25/03 ở căn cứ quân sự Yavoriv rộng lớn, lối vào (căn cứ) được canh giữ này nằm ở phía bên kia đường, đối diện nhà của ông Viktor Pokrovskiy.
Ông Pokrovskiy tự xưng là một người mang trong mình dòng máu Ukraine, đã rời quê hương Nga chuyển đến Koty vào năm 1977. Nhiều thập niên qua, ông đã sống trong những tiếng súng và tiếng nổ phát ra từ căn cứ quân sự tại Yavoriv, đầu tiên là từ lục quân Xô Viết, tiếp đến là từ lực lượng vũ trang Ukraine, vốn lên nắm chính phủ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1991.
Ngay cả đối với một người đã quen với âm thanh của chiến tranh, không gì sánh được với những tiếng nổ mà ông Pokrovskiy đã nghe thấy hôm 13/03 năm nay, khi một số hỏa tiễn của Nga tấn công vào căn cứ này, làm rung chuyển các cửa sổ trong làng và cướp đi sinh mạng của người dân địa phương, những người đang sống một cuộc sống khá bình lặng mặc dù Nga đã xâm lược Ukraine ba tuần trước đó.
Ông Pokrovskiy nói người thân của ông ở Nga cho ông biết rằng Điện Kremlin tiến hành cuộc xâm lược này để cứu Ukraine khỏi những người theo Bandera (“Bandera-vites”), một thuật ngữ chung chung được truyền thông nhà nước Nga và các chính trị gia sử dụng, một phần nào đó, để tuyên bố rằng Đức Quốc Xã đang đàn áp và bức hại người Nga ở Ukraine.
Ông Pokrovskiy từng làm thợ điện trong căn cứ quân sự Yavoriv nhiều năm trước khi về hưu. Ông nói ông không cần được cứu và cũng không biết Đức Quốc Xã đang ở đâu.
Đứng trước sân nhà, ông Pokrovskiy nói với tờ The Epoch Times hôm 25/03: “Họ nói ‘Chúng tôi đang đến để cứu mọi người khỏi những người theo Bandera’. Tất cả chỉ là những xảo ngôn vớ vẩn, vô nghĩa.”
Ông Stepan Bandera, qua đời năm 1959, là một nhân vật gây tranh cãi ngay cả tại Ukraine, nơi nhiều người xem ông như một anh hùng dân tộc. Những người Ukraine có quan điểm phù hợp với quan điểm của ông Bandera nói họ tin rằng tên của ông ấy tượng trưng cho nền độc lập của Ukraine. Hầu hết người ta che đậy hoặc không biết về mặt tối lịch sử của ông Bandera, như hợp tác với Đức Quốc Xã và tham gia ám sát những người bất đồng ý thức hệ.
Điều này tạo cơ hội cho các cơ quan truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát tuyên bố rằng chủ nghĩa quốc xã đang phát triển mạnh ở Ukraine. Chiến dịch truyền thông kéo dài nhiều năm này của Moscow đã thuyết phục được nhiều người Nga, kể cả những người có gia đình và bằng hữu thân thiết ở Ukraine. Do đó, những lá cờ đen đỏ Bandera bay trên các tòa nhà hành chính và các chốt chặn ở miền tây Ukraine có ý nghĩa hoàn toàn khác đối với người Ukraine chính thống và đối với người Nga nào tiếp nhận tin tức đó từ các cơ quan truyền thông do Điện Kremlin kiểm soát.
Đây là trường hợp của con trai ông Pokrovskiy, anh đã cắt đứt mọi liên lạc với người anh họ của mình ở Nga. Hai anh em cùng nhau lớn lên như những người bạn thân và yêu thương nhau hết mực. Mối quan hệ của họ trở nên xấu đi sau cuộc xung đột giữa những người ly khai thân Nga và Ukraine hồi năm 2014, và đi đến một kết thúc đau đớn sau khi Nga xâm lược. Người anh ở Nga bị thuyết phục về một thực tế ở Ukraine, trong khi người em ở Ukraine chỉ có thể cho rằng người bạn thân nhất của mình bị điên mất rồi.
Ông Pokrovskiy nói: “Khi hai đứa vẫn giữ liên lạc với nhau, tôi bảo con trai tôi đừng nói chuyện với cậu kia nữa.”
“Nếu một thanh niên đã tốt nghiệp đại học mà vẫn không hiểu tất cả những điều này đều là chính trị, thì anh ta…” Ông nhún vai, ngập ngừng.
Ông Pokrovskiy đã biết và quen vợ của ông khi đang làm việc tại một công trường xây dựng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lenin Liên bang Xô Viết ở vùng Saratov của Nga, gần biên giới phía đông Ukraine. Hai người kết hôn và ở đó họ có với nhau một người con trai. Năm 1977, họ đi nghỉ ở Koty, nơi chôn rau cắt rốn của vợ ông. Hết kỳ nghỉ, bà không chịu về. Ông Pokrovskiy quay về công trường để xin thôi việc rồi trở lại Koty sinh sống luôn kể từ đó.
Ông bày tỏ: “Nơi này có gì là không đáng để yêu? Những cây táo sắp nở hoa. Tôi yêu thương sáu đứa con của tôi. Tôi không nên yêu thương hàng xóm của mình sao? Ông ấy giúp đỡ tôi.”
Ông nói mọi người trong làng đối xử rất tốt với ông. Ông nói tiếng Ukraine với họ, nhưng thỉnh thoảng buông vài câu tiếng Nga cho vui.
Mặc dù toàn bộ người dân ở miền tây Ukraine đều nói tiếng Nga, nhưng sau cuộc xâm lược của Nga, việc sử dụng ngôn ngữ này có thể gây ra khả nghi nhất thời. Gián điệp Nga, mà ở đây hay gọi là “kẻ phá hoại, biệt kích” (“diversanty”), là đang hiện hữu trong thực tế, và truyền thông Ukraine đã khuyến cáo người dân địa phương cần báo cáo những người nói tiếng Nga khả nghi. Trong những ngày đầu tiên Nga xâm lược, các nhà chức trách ở vùng Lviv thuộc miền tây Ukraine đã nhận được hơn 15,000 báo cáo về trường hợp khả nghi mỗi ngày. Theo thủ hiến vùng Lviv, toàn bộ trường hợp được báo cáo này đều đang được xem xét. Khối lượng báo cáo đã giảm xuống còn khoảng 1,500 người mỗi ngày.
Tuy nhiên, dẫu là hiếm khi, nhưng người ta vẫn nghe thấy Nga văn trên đường phố và trong các nhà hàng ở Lviv, thủ phủ không chính thức của miền tây Ukraine.
Mặc dù Koty chỉ cách Lviv hai giờ lái xe, nhưng người ta có thể nhanh chóng nhận thấy rõ rằng dân làng ở đây khác xa với tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở các khu vực thành thị. Câu chào hỏi theo tục lệ trong làng từ những cậu bé đang đạp xe hay những cụ bà đứng trong sân nhà, sẽ là “Nguyện vinh quang đến Chúa Jesus” và được đáp lại bằng câu “Nguyện vinh quang đến Đức Chúa Trời mãi mãi.”
Lời chào hỏi của Koty sẽ khiến cho người thị tứ Ukraine ngạc nhiên bởi họ vốn đã tiếp nhận câu “Vinh quang cho Ukraine” như một lời chào thông thường trong suốt tám năm qua và được đáp lại là “Vinh quang cho những anh hùng đất mẹ.” Hai cụm từ này, nghe thì đơn giản giống như lời kêu gọi ái quốc, nhưng những người sử dụng chúng lại không hề hay biết rằng, chúng đã được phe cấp tiến trong Tổ chức những người theo Chủ nghĩa dân tộc Ukraine của Bandera sử dụng.
‘Giờ đây chúng tôi biết mình đang chiến đấu vì điều gì’
Tuy nhiên, tất cả mọi người trong làng đều biết rằng Ukraine đã từng có một cuộc xung đột căng thẳng kéo dài với lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông kể từ năm 2014. Anh Mykhailo Login, một người dân Koty bản địa và là một người lính, đã tử trận trong cuộc xung đột năm 2014, để lại vợ góa con côi. Tấm ảnh được quấn hoa và ruy băng của anh yên nghỉ tại nhà văn hóa thôn. Trong tiền sảnh của nhà văn hóa, một tấm bích chương lớn trưng bày di ảnh của những người Ukraine bị thiệt mạng trong cuộc trấn áp người biểu tình tại quảng trường Maidan ở thủ đô Kyiv.
Tám năm trước, cô Oksana Salabai, em gái của anh Login, còn quá nhỏ không thể hiểu được nguyên do anh trai mình nhập ngũ.
“Lúc chúng tôi can ngăn không cho anh ấy đi, anh ấy đã nói, ‘Quê hương của chúng ta ở đó. Anh sẽ bảo vệ mọi người để mọi người có thể sống cuộc đời tự do.’” Lúc đó tôi không hiểu được anh ấy nhưng giờ thì tôi đã minh bạch rồi.” Cô Salabai chia sẻ với The Epoch Times đúng lúc một đứa trẻ hàng xóm đang chơi xích đu treo trên một cái cây gần đó.
Mặc dù đã tám năm trôi qua, cô Salabai đã kết hôn và có những đứa con của riêng mình, nhưng trông cô mòn mỏi vì buồn phiền, vẫn chờ đợi một ngày anh Login đến gõ cửa. Cô đã hiểu tường tận về tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc chiến hiện tại, chứ không mơ hồ như thời điểm năm 2014.
Cô nói: “Năm 2014, họ chiến đấu nhưng không biết vì điều gì. Còn giờ đây, chúng tôi biết chúng tôi đang chiến đấu vì điều gì — đó là để chúng tôi có thể sống trên một vùng đất tự do.”
Hôm 25/03, cô Salabai thức dậy muộn, một dấu hiệu cho thấy cuộc sống hàng ngày của cô cũng giống như của nhiều dân khác trong làng, đã bị xáo trộn kể từ vụ tấn công hỏa tiễn ở Yavoriv. Cô Tatyana Lunyk, một thủ thư trong làng, cho biết bầu không khí rộn ràng hối hả dọn dẹp cho mùa xuân như mọi năm đã biến mất sau vụ tấn công.
Cô Lunyk nói với The Epoch Times: “Thường thì bây giờ người ta sẽ sơn lại hàng rào, sửa chữa đồ đạc. Nhưng giờ thì không ai ra khỏi nhà.”
Sau khi xảy ra cuộc tấn công vào căn cứ quân sự này, phụ nữ và trẻ em kéo nhau đi lánh nạn, và cũng kéo theo cả những cảm xúc hân hoan náo nhiệt những ngày đầu xuân đi mất, khiến cho ngôi làng trở nên vắng lặng dù đó là một buổi chiều thứ Sáu đầy nắng. Tiếng gà trống gáy và cả tiếng súng máy của phương tiện đang lăn bánh từ một căn cứ quân sự khác ở phía bắc đã phá vỡ bầu không khí yên lặng ấy.
Ukraine có hơn 28,000 ngôi làng, chưa tính các thôn xóm và các cụm trang trại nhỏ chiếm phần lớn diện tích đất của quốc gia này — nếu so sánh thì nhỏ hơn một chút so với Texas. Hoạt động trang bị hậu cầu cho riêng từng làng với còi báo động không kích là quá phức tạp nên họ đã sử dụng chuông nhà thờ để thay thế.
‘Tôi chỉ quỳ bên giường và cầu nguyện’
Bà Anna Dmitrieva đã không chạy đến nơi ẩn nấp khi chuông nhà thờ vang lên hồi 3 giờ sáng ngày 13/03. Chiến tuyến ở rất xa, và Nga đã không tấn công nhiều mục tiêu ở phía tây kể từ khi cuộc xung đột này nổ ra. Hồi 5 giờ 55 phút sáng, các vụ nổ hỏa tiễn từ căn cứ Yavoriv làm rung chuyển ngôi nhà, con trai bà chạy vội vào phòng và giục bà xuống hầm ẩn nấp.
Từ lúc đó, chuông reo liên hồi nhưng bà không ẩn nấp nữa.
Bà Oksana, nhân viên duy nhất của trạm y tế trong làng, cũng không đi ẩn nấp.
Bà nói: “Tôi chỉ quỳ bên giường và cầu nguyện.”
Koty cổ kính đến nỗi ngay cả những người cao tuổi nhất trong làng cũng không biết nơi này tồn tại được bao lâu rồi hay tại sao nơi đây lại được đặt tên bằng một từ có nghĩa là ‘mèo’ theo tiếng Ukraine. Vào năm 1940, Liên Xô đã cưỡng bức di dời 125,000 người khỏi khu vực rộng 150 dặm vuông (240 km vuông) cạnh Koty để có không gian [xây dựng] căn cứ tại Yavoriv, biến khoảng 170 ngôi làng thành sa mạc. Trong Đệ nhị Thế chiến, lực lượng Đức Quốc Xã đã chiếm giữ căn cứ này một thời gian. Sau Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô nắm quyền kiểm soát và bàn giao căn cứ này khi Ukraine giành được hòa bình độc lập vào năm 1991.
Ông Myhailo Romanyshyn đã sống ở Koty dưới cả thời cộng sản Nga lẫn thời Đức Quốc Xã. Ngôi nhà của ông, vốn chỉ cách cửa hàng, nhà văn hóa, và trạm y tế của làng vài bước chân, đã bốc cháy khi đạn của quân Đức bắn trúng mái nhà. Ông chỉ tay xuống đất chỗ ông đang đứng, cho biết đây là nơi ông đã chôn hai con ngựa của mình sau khi bọn lưu manh cộng sản đến vơ vét của cải. Ông chỉ tay lên bầu trời nơi từng có một cây linden đứng cao sừng sững. Ông nói, khi nghe tin lính cộng sản đến, ba của ông đã giết một con heo, trói lại, và cẩu lên cây đó. Những tên lính này đã lùng sục khắp nơi nhưng không tìm thấy con heo này.
Năm 1964, em gái của ông Romanyshyn chuyển đến Murmansk, Nga. Là một góa phụ, hiện bà sống với con gái và làm thu ngân trong một nhà thờ. Qua các buổi nói chuyện của các vị linh mục với giáo đoàn nhà thờ, bà ấy đã tin theo lời họ rằng người Ukraine sát hại và ăn thịt con của họ. Bà ấy gọi cho ông Romanyshyn, la hét và chửi rủa. Ông ấy không thể tin vào tai mình.
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi bảo bà ấy, hãy về nhà đi. Tất cả chỉ là tuyên truyền của Nga để làm cho người Nga thù hận người Ukraine.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cuộc xâm lược Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” với mục tiêu được tuyên bố là phi quân sự hóa và tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã. Mặc dù tuyên bố về việc Đức Quốc Xã cai trị Ukraine là sai sự thật, nhưng mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa quốc xã này có thể ám chỉ đến Tiểu đoàn Azov của Ukraine. Hồi năm 2018, Quốc hội Hoa Kỳ đã cấm mọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Azov vì nhóm này tiếp nhận các thành viên có quan điểm rõ ràng về chủ nghĩa tân Quốc Xã.
Trong một cuộc gọi mới đây, em gái ông vẫn khăng khăng rằng chính Ukraine đã tấn công Nga.
Ông Romanyshyn đã nói với bà, “Chính ông Putin đã tấn công chúng ta. Họ vừa thả một quả bom gần ngôi làng của chúng ta đó.”
Bốn phụ nữ Koty bị thương trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Yavoriv. Họ làm công việc nấu ăn tại căn cứ và ngủ lại ở đó. Bà Oksana, nhân viên trạm y tế, cho biết một trong bốn người đó vẫn đang sống trong nỗi ám ảnh kinh hoàng và từ chối đi làm lại.
Nga và Ukraine có mâu thuẫn về số lượng thương vong tại căn cứ này. Ukraine xác nhận có 35 người Ukraine thiệt mạng và không có công dân ngoại quốc nào tử vong ở đó. Nga cho biết họ đã tiêu diệt tới 180 “lính đánh thuê ngoại quốc.” Người dân địa phương dường như biết rằng số người thiệt mạng thực tế cao hơn con số mà Ukraine đưa ra, nhưng ai nấy đều im thin thít khi được hỏi có bao nhiêu người thương vong.
Sau khi cuộc chiến với Nga bắt đầu từ cuối tháng Hai, căn cứ Yavoriv đã trở thành điểm đến của những người lính tình nguyện ngoại quốc, những người tới đất nước này để chiến đấu cho Ukraine. Một người đàn ông Ba Lan ẩn danh có mặt tại căn cứ vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công nói với The Epoch Times rằng có ít nhất 300 người ngoại quốc ở đó chia thành hai lữ đoàn, mỗi bên 150 người. Anh cho biết họ đang ở trong doanh trại, thì bị một trong những phi đạn của Nga rơi thẳng vào.
Một quan chức địa phương cao cấp nói với The Epoch Times rằng con số thương vong thực sự tại Yavoriv cao hơn nhiều, nhưng ông từ chối cho biết chi tiết.
Ông Jesper Soder, một công dân Thụy Điển có mặt tại căn cứ quân sự này vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã viết trên mạng xã hội rằng căn cứ này, vốn có thể chứa tới 1,790 người theo NATO, đã “bị phá hủy hoàn toàn.”
Sự miễn cưỡng của người dân khi cho biết số người thương vong tại căn cứ này có thể cho thấy rằng họ cũng đang bị cuốn vào trong cuộc chiến thông tin diễn ra cùng với cuộc chiến thông thường ở phía đông đất nước. Linh mục Yaroslav Shevchenko thuộc Chính Thống Giáo ở Koty, cho biết có rất nhiều điều mà ông “không thể nói được.”
Theo ba người dân làng, gia đình của những người dân địa phương bị thiệt mạng trong cuộc tấn công này vẫn chưa nhận được hài cốt của thân nhân.
Khi Nga mới xâm lược, người dân địa phương vẫn kiên định ở lại Koty. Hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, đặc biệt là những người dân từ phía đông, nơi Nga đã có những bước tiến vững chắc. Người dân ở Koty đã cùng nhau nấu ăn cho những người tị nạn, những người đã chen chúc nhau vượt biên sang Ba Lan trong những ngày đầu chiến sự. Lúc đó ngoài trời lạnh cóng, và một số người phải chờ đợi nhiều ngày mới qua được biên giới.
Kể từ đó, dòng người vượt qua biên giới đã chậm lại gần như ở mức trước chiến tranh. Nhiều chậu nhựa từng được dùng để đựng thức ăn đưa đến biên giới giờ để không ở nhà văn hóa làng bên dưới một chiếc bàn có dán ký hiệu Cơ Đốc Giáo.
Linh mục Shevchenko cho hay vào buổi sáng sau vụ tấn công hỏa tiễn, giáo đoàn đã cầu nguyện cho hòa bình. Ông nói, nhiều phụ nữ và trẻ em đã chạy khỏi làng sau vụ tấn công, trong đó có một phụ nữ đã hạ sinh một em bé ở Ba Lan. Linh mục Shevchenko nói rằng ngôi làng vẫn còn đủ người ở lại để trông coi các cánh đồng, và ông mô tả tâm trạng chung trong làng là sợ hãi và lo lắng.
Biên giới với Ba Lan cách Koty tám dặm (gần 13 km) đường chim bay. Vì Ba Lan là một quốc gia thuộc khối NATO, nên tính tiệm cận của cuộc tấn công vào Yavoriv này có những ẩn ý mang tính địa chính trị. NATO đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại căn cứ này trong nhiều năm, biến nơi đây trở thành biểu tượng cho mối lo ngại của Nga đối với sự mở rộng về phía đông của NATO. Một cuộc tập trận năm 2000 có 1,500 người đến từ 27 quốc gia tham gia.
Nam giới đã rời làng để nhập ngũ ngay cả trước khi cuộc tấn công này xảy ra. Những người có ba con trở lên được cho về nhà theo tiêu chuẩn nhập ngũ hiện hành. Nam giới trong độ tuổi nghĩa vụ ở Ukraine rất nóng lòng muốn được nhập ngũ để tham gia chiến đấu. Do nhu cầu [lớn] như vậy nên nghe đồn là có đút lót để được nhập ngũ. Trong lực lượng bảo vệ lãnh thổ được tổ chức ở cấp khu vực, số lượng tình nguyện viên nhiều hơn số chỉ tiêu hiện hành.
Theo quan sát của The Epoch Times, giống như hầu hết mọi ngôi làng ở miền tây Ukraine, Koty đã dựng một chốt tình nguyện trên đường dẫn vào trung tâm ngôi làng. Khoảng một chục người đã được chiêu mộ vào ngày sau cuộc tấn công hỏa tiễn vào Yavoriv. Mười hai ngày sau, con đường này trở nên vắng tanh vì hầu như không có xe cộ chạy vào con đường đất này, thường sẽ chạy ngang qua một nhà thờ gỗ và một vài cái ao nhỏ trước khi rẽ sang ba hướng gần tiệm bách hóa trong làng.
Bởi lòng nhiệt thành ái quốc ở vùng Lviv trong những ngày đầu tiên Nga xâm lược, 544 chốt chặn đã được dựng lên một cách tự phát ở khắp vùng. Các chốt này đã trở thành một điều bất cập khi người dân địa phương quá hăng hái, hoang tưởng về gián điệp Nga, gây tắc nghẽn các con đường, cản trở việc di chuyển của thiết bị quân sự, viện trợ nhân đạo, và người tị nạn. Ông Maksym Kozytskyy, thống đốc vùng Lviv, nói với The Epoch Times rằng chính quyền của ông phải nghiêm trị các chốt chặn này, cắt giảm số lượng xuống năm lần và đưa cho mỗi chốt một danh sách từng nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện.
Cò trắng là một giống cò thường thấy và làm nhiều tổ lớn trên khắp Ukraine. Linh mục Shevchenko cho biết, hàng năm cứ vào ngày 23/03, những con chim này trở về tổ bất kể thời tiết, cũng như bất kể tiếng súng và pháo kích liên tục từ căn cứ huấn luyện trong những năm qua.
Hôm 13/03 khi nói chuyện với The Epoch Times, linh mục Shevchenko nói ông tin rằng nếu đàn cò này quay trở lại trong 10 ngày nữa, chiến tranh sẽ kết thúc.
Song, hôm 25/03, những con cò trắng này, vốn là quốc điểu của Ukraine và tượng trưng cho sự hòa hợp, vẫn chưa quay trở lại.
Ông Ivan Pentchoukov đã viết cho The Epoch Times về nhiều chủ đề kể từ năm 2011.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: