Chiến lược phòng thủ là gì và tại sao Twitter lại áp dụng?
Các công ty sử dụng đối sách chiến lược phòng thủ này để tránh thâu tóm thù nghịch, nhưng nó có nhược điểm
Twitter đã thông báo hôm 15/04 rằng hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty này đã thống nhất áp dụng biện pháp bảo vệ “chiến lược phòng thủ” để ngăn chặn ông Elon Musk mua lại công ty.
Theo thông báo này, nếu bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân hoặc nhóm nào mua được 15% cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của Twitter trở lên thông qua một giao dịch không được HĐQT cho phép, thì những cổ đông hiện hữu khác sẽ có thể mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu.
Kế hoạch này hết hạn vào ngày 14/04/2023. Công ty dự kiến sẽ sớm công bố các chi tiết của kế hoạch bao gồm cả tỷ lệ chiết khấu trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.
Kỹ thuật của chiến lược phòng thủ, còn được gọi là kế hoạch quyền cổ đông, được sử dụng như một chiến lược phòng thủ của một công ty mục tiêu để ngăn chặn hoặc ngăn cản sự thâu tóm thù địch tiềm tàng.
Thuật ngữ “chiến lược phòng thủ” (“poison pill”) có từ thời chiến tranh và gián điệp khi các điệp viên mang theo những viên thuốc độc. Nếu sợ sắp bị phát hiện, các điệp viên sẽ uống những viên thuốc này để tránh bị kẻ thù tra hỏi.
Ông Martin Lipton, một luật sư nổi tiếng về mua bán và sáp nhập, đã phát triển chiến lược này vào những năm 1980 khi các vụ thâu tóm doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến.
Khi một công ty bị đe dọa thâu tóm, công ty này có thể sử dụng phương pháp chiến lược phòng thủ để tự làm cho mình kém hấp dẫn hơn đối với người mua tiềm năng bằng cách tăng chi phí mua lại và tạo ra chướng ngại một cách mạnh mẽ.
Phương pháp này cung cấp cho các cổ đông hiện tại quyền chọn mua thêm cổ phiếu với giá thấp hơn, do đó làm giảm tỷ lệ sở hữu của một bên thù nghịch mới.
Nếu ông Musk đạt tới 15% quyền sở hữu, biện pháp phòng thủ sẽ được kích hoạt. Biện pháp này sẽ cho phép các cổ đông khác mua cổ phiếu với giá chiết khấu. Ông Musk sẽ là cổ đông duy nhất không thể mua được những cổ phiếu rẻ hơn này.
Biện pháp này sẽ khiến việc mua lại công ty của vị tỷ phú này trở nên tốn kém và khó khăn hơn. Ông Musk hiện sở hữu hơn 9% cổ phần của công ty.
Việc sử dụng chiến lược phòng thủ không phải lúc nào cũng ngụ ý rằng công ty không muốn bị mua lại. Ban giám đốc của công ty có thể đang sử dụng nó như một chiến thuật để tăng giá chào bán.
Trong tuyên bố, Twitter nói rằng HĐQT sẽ chấp nhận một lời đề nghị nếu “đó là lợi ích tốt nhất của Twitter và các cổ đông của công ty.”
Tuy nhiên, việc HĐQT sử dụng chiến lược phòng thủ có thể phải trả một cái giá đáng kể cho công ty và các cổ đông của công ty.
Biện pháp này có thể làm tổn hại đến giá cổ phiếu của công ty và làm nản lòng các nhà đầu tư trong tương lai. Đặc biệt, các nhà đầu tư tổ chức rất do dự khi đầu tư vào các công ty sử dụng các chiến thuật phòng thủ mạnh như vậy.
Các cổ đông cũng có thể kiện HĐQT của công ty vì đã từ chối một lời đề nghị hấp dẫn và không hành động vì lợi ích tốt nhất của họ.
Đáp lại một báo cáo rằng doanh nghiệp này đang xem xét bổ sung điều khoản chiến lược phòng thủ, ông Musk tuyên bố trên Twitter rằng biện pháp này có thể khiến HĐQT của Twitter phải gánh chịu một trách nhiệm “lớn” vì họ sẽ “vi phạm nghĩa vụ được ủy thác của họ.”
HĐQT của Twitter bao gồm ông Bret Taylor, đồng Giám đốc điều hành của Salesforce; ông Parag Agrawal, Giám đốc điều hành của Twitter; ông Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter; và bà Mimi Alemayehou, phó chủ tịch cấp cao tại Mastercard.
Theo các luật sư về công ty, những chiến lược phòng thủ có thể khá thành công trong việc ngăn cản việc thâu tóm, nhưng nhìn chung chúng không phải là lựa chọn hàng đầu để bảo vệ công ty. Thực tế này là do kế hoạch này có thể thất bại nếu người mua vẫn kiên trì. Kế hoạch này cũng có thể gây hại cho công ty.
Trước đó, ông Musk cho biết ông “không chắc” liệu có thành công trong việc mua lại Twitter hay không.
Ông nói tại hội nghị TED2022 hôm 14/04 ở Vancouver: “Ý thức trực giác mạnh mẽ của tôi là có một nền tảng công cộng được tin cậy tối đa và bao trùm rộng rãi là vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh.”
Ông nói, “Tôi không quan tâm đến kinh tế chút nào.”
Khi được hỏi liệu ông có “Kế hoạch B” trong trường hợp lời đề nghị của ông ấy bị từ chối hay không, ông Musk trả lời: “Có.”
Bản tin có sự đóng góp của Zachary Stieber
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times
Xem thêm: