Chiến đấu cơ F-35B của Hoa Kỳ sẽ hiện diện trên hàng không mẫu hạm của Nhật Bản
Hôm thứ Tư (1/9), Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Tướng David Berger, cho biết chiến đấu cơ F-35B Lightning II của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ được trang bị trên tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản vào cuối năm nay. Sau khi cải tạo, Izumo sẽ có hình dạng và cấu trúc của một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ.
Vào ngày 1/9, Viện Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (USNI) đưa tin, Lực lượng Thủy quân Lục chiến sẽ điều động F-35B tới một trong hai tàu khu trục trực thăng Izumo nặng 24,000 tấn của Nhật Bản vào tháng 11 năm nay. Tương tự, một phi đội F-35 cũng sẽ được khai triển trên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh trong năm nay.
Trong cuộc họp Đối thoại An ninh Hàng hải do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức, Tướng Berger cho biết: “Chúng tôi sẽ vận hành các chiến đấu cơ F-35B của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên tàu chiến Nhật Bản.”
Thực lực tác chiến của hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Nhật Bản tốt hơn hàng không mẫu hạm Trung Quốc
Vào năm 2019, Chính phủ Nhật Bản và Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đã tiến hành thảo luận về việc cải tạo tàu khu trục trực thăng Izumo cũng như đàm phán việc trao đổi chiến đấu cơ với Hoa Kỳ. Điều này sẽ cho phép tàu khu trục trực thăng Izumo và hàng không mẫu hạm JS Kaga (DDH-184) của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tiếp cận với F-35B.
Theo Naval News, tàu Izumo đã hoàn thành giai đoạn cải tạo đầu tiên vào tháng 7 để phù hợp với chiến đấu cơ F-35. Việc sửa đổi bao gồm thêm các đường và lớp phủ chịu nhiệt trên boong tàu.
“Trong lần cải tạo lần thứ hai này, mũi tàu Izumo sẽ được thay đổi từ hình thang hiện tại thành hình chữ nhật để giúp F-35B vận hành dễ dàng hơn, còn việc cải tạo khoang tàu cũng đã được lên kế hoạch”, báo Naval đưa tin.
Việc sửa đổi các tàu Izumo và Kaga là để phục vụ cho kế hoạch mua 42 chiếc F-35B của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trang bị cho hai con tàu này. Chiếc F-35B đầu tiên mà Nhật Bản mua dự kiến sẽ xuất xưởng vào năm tài chính 2023.
Trong bối cảnh Trung Cộng đang mở rộng năng lực hải quân và cải thiện khả năng đổ bộ của Hải quân Giải phóng Quân Nhân dân (PLAN), thì Nhật Bản cũng mở rộng phi đội F-35 trên các tàu chiến của mình. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc khai triển các chiến đấu cơ F-35 trên Izumo và Kaga là để phòng thủ trước các mối đe dọa từ Trung Cộng.
Nhật Bản tuy không có hàng không mẫu hạm nhưng có 2 tàu khu trục trực thăng Izumo. Sau khi hoàn thành việc cải tạo tàu Izumo, nó sẽ trở thành hàng không mẫu hạm hạng nhẹ và có thể phục vụ ít nhất 12 chiến đấu cơ F-35B. Khi đó năng lực thực chiến của nó còn tốt hơn hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.
Trước tình hình “đánh chiếm đảo”, F-35B là vô giá về khả năng kiểm soát không phận.
Vào tháng 4 năm nay, một nhân viên Bộ Quốc phòng Nhật đã nói với báo Yomiuri Shinbun rằng, chính phủ Nhật Bản coi F-35B là “con át chủ bài trong việc bảo vệ các đảo xa” khi Trung Cộng đang tiếp tục tăng cường trang bị vũ khí.
Ngày 9/7 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông qua hợp đồng bán 105 chiếc F-35 cho Nhật Bản. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ mua 63 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B từ Tập đoàn Lockheed Martin của Hoa Kỳ, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 23 tỷ USD. Điều này khiến Nhật Bản trở thành quốc gia trang bị F-35 lớn thứ hai sau Hoa Kỳ và là quốc gia thứ tư sử dụng F-35B.
Theo đó, chi tiêu quốc phòng vào năm 2022 của Nhật Bản sẽ đạt mức cao kỷ lục. Tờ Nikkei News đưa tin ngày 31/8 rằng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xin ngân sách 5477,9 tỷ yên trong đề nghị dự toán ngân sách năm 2022, tăng 2,6% so với ngân sách năm 2021.
Trong ghi chép cuộc họp năm 2019, Đô đốc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ Dennis Blair và cựu Đại úy Christopher Rodeman đã viết, “Nhờ có trang bị tên lửa chống hạm tầm ngắn, F-35B có thể chống lại ‘chiến thuật nhóm’ của tàu tuần tra hoặc tàu dân quân hàng hải một cách rất hiệu quả. Trước tình hình bị ‘đánh chiếm đảo”, F-35B sẽ là vô giá về khả năng kiểm soát không phận và giành lại các đảo xa theo yêu cầu của lực lượng đổ bộ mới của Nhật Bản.”
Mặc dù việc thử nghiệm hoạt động của các chiến đấu cơ F-35B trên hàng không mẫu hạm Izumo có thể bị giới hạn, nhưng Hoa Kỳ sẽ chia sẻ kinh nghiệm vận hành F-35B cho các đồng minh và thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn.
Không giống như NATO, Hoa Kỳ có quan hệ hợp tác 1-1 với các đồng minh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Berger nói rằng sẽ luôn chia sẻ thông tin với các đồng minh. Hải quân Bộ Tứ Quad (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) đang mở ra cho Hoa Kỳ những con đường mới về sự hợp tác trong khu vực.
Ông Berger nói: “Chúng tôi đã có một khuôn khổ sẵn có trong việc chia sẻ thông tin với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, nhưng chúng là những thỏa thuận 1-1. Về những ưu điểm của nó, tôi sẽ cẩn thận quan sát, giống như khi khai triển USS Queen Elizabeth (mà quân đội Hoa Kỳ hiện tham gia).”
Do Diệp Tử Vy, Hạ Vũ Tông thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: