Chiếc váy lụa bạc 360 năm tuổi vẫn nguyên vẹn cho đến nay
Chiếc váy từng được trưng diện tại cung điện hoàng gia Anh quốc
Một chiếc váy lộng lẫy, quý hiếm từ thế kỷ thứ 17, từng được một người phụ nữ giàu có ở vùng West Country của Anh quốc trưng diện tại cung điện hoàng gia. Chiếc váy vẫn giữ được trạng thái nguyên vẹn suốt hơn 360 năm qua nhờ sự bảo quản của các nhà sử học và vị giám tuyển.
Chiếc váy lụa bạc này từng thuộc sở hữu của Quý bà Theophilia Harris xứ Bath ở Anh quốc. Chiếc váy có phần thân áo cứng làm từ phiến sừng ở hàm trên của cá voi (whalebone) và phần váy khâu tay từ lụa tơ tằm thượng hạng bện với sợi bạc thật. Vì vậy, chiếc váy có tên là “lụa bạc.”
Ra đời từ khoảng năm 1660, chiếc váy này là một minh chứng quý hiếm cho văn hóa thời trang nữ, là tiền thân của những bộ váy cầu kỳ mà chúng ta thấy trên thảm đỏ thời nay.
“Đó là một trong những bộ váy cổ nhất còn sót lại cho đến hiện tại, nếu không thì cũng là chiếc váy cổ nhất trong bộ sưu tập của Anh quốc. Đây là một trong những báu vật thật sự của Bảo tàng Thời trang Bath (Fashion Museum Bath). Viện bảo tàng đã rất hào phóng cho chúng tôi mượn chiếc váy,” ông Polly Putnam, giám đốc tuyển chọn của Tổ chức Historic Royal Palaces, chia sẻ với The Epoch Times.
“Như trên thảm đỏ thời nay, chiếc váy của bạn là để thể hiện địa vị, tài phú, và các mối liên minh chính trị. Giống như [sự kiện] thảm đỏ, một số trang phục lộng lẫy nhất cũng từng được may để trưng diện tại triều đình.”
Theo ông Putnam, chiếc váy lụa bạc này đã được trưng diện ở Cung điện Hoàng gia Georgia dưới thời trị vì của Vua Charles Đệ nhị như một biểu tượng của địa vị và là ví dụ điển hình lâu đời nhất của loại váy này. Theo phong tục của thời đó, Quý bà Theophilia, phu nhân của Ngài Nghị viên Arthur Harris, Nam tước đầu tiên của xứ Thayne, cũng để tóc “dài ngang vai, uốn lọn xoăn và rẽ ngôi giữa.” Trang sức tân thời nhất của thời đó là những viên ngọc trai.
Vua Charles Đệ nhị là người du nhập nhiều phong tục và lễ nghi hoàng gia sau khi trở về từ chuyến lưu vong ở châu Âu. Bất cứ vị khách nào ở cung điện có địa vị xã hội đáng kính đều được mời thoải mái đến tham dự “vấn an buổi sáng,” nghĩa là họ có thể xem nhà vua sửa soạn y phục, và việc thiếu vắng các lời mời chính thức để vào cung đã kéo dài trong hơn 100 năm từ năm 1714.
Thật là không thể tin được là chiếc váy lụa bạc này vẫn còn nguyên vẹn kể từ thời đại đó.
“Việc chúng ta vẫn còn phần thân áo và phần váy thật đáng kinh ngạc, theo cách phần váy được tạo hình, nó có thể đã được dùng cho mục đích khác, vì chất liệu này rất quý giá. … Những chiếc váy này thường được may lại khi xu hướng thời trang thay đổi,” cô Anne-Marie Britton, chuyên gia bảo quản vải tại Tổ chức Historic Royal Palaces, chia sẻ trong một đoạn phim ngắn về chiếc váy này trên YouTube.
Khi sử dụng những cây kim gút mảnh mai, cô Britton nâng niu phục hồi lớp vải lụa của chiếc váy bằng cách làm ẩm sợi vải bằng hơi nước mịn, được biết đến là kỹ thuật làm ẩm bằng công nghệ siêu âm, đồng thời kéo giãn và cố định vải xung quanh một khuôn xốp để giúp tái tạo phần tay áo phồng và toàn bộ phần thân áo như xưa. “Thật là một đặc ân khi được phục hồi chiếc váy này,” cô cho biết.
Ngoài chiếc váy nổi tiếng thế giới hiện nay, thì phần lớn thông tin về cuộc đời Quý bà Theophilia đã bị lịch sử lãng quên. “Chúng tôi không biết nhiều về bà,” ông Putnam chia sẻ với The Epoch Times. “Bà tên khai sinh là Theophilia Turner. Chúng tôi không biết ngày sinh của bà, bà không có con và qua đời năm 1702, bà sống thọ hơn phu quân gần 50 năm.”
Người ta nói rằng cả gia đình Turner và Harris đều thân thiết với nhà viết nhật ký nổi tiếng, ông Samuel Pepys, và Quý bà Theophilia xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn nhật ký của ông Pepys vào ngày 01/01/1660, khi bà còn là một đứa trẻ, và khi nhà viết nhật ký đã tham dự bữa ăn nhẹ cùng gia đình Turner.
Tác giả Claire Tomalin viết trong cuốn sách của bà, “Samuel Pepys: The Unequal Self” (Ông Samuel Pepys: Cái Tôi Bất Bình Đẳng) như sau: “[Cô bé] là một đứa trẻ sáng dạ, phóng khoáng, tự tin và cũng có phần láu lỉnh. Năm chín tuổi, cô bé đặt mua đàn harpsichord của riêng mình và khước từ dạy ông Pepys chơi đàn khi ông đề nghị cô (mặc dù ông có thể chơi một số loại đàn dây và kèn, nhưng ông chưa bao giờ giỏi đàn phím).”
Chiếc váy lụa bạc lộng lẫy được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia tộc của Quý bà Theophilia và trở thành một phần trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Thời trang Bath vào năm 1964, khi được Tổ chức Vaughan Family Trust cho mượn. Nhờ sự quý hiếm của mình, chiếc váy được trưng bày gần như ngay lập tức và một mình nó làm nổi bật lịch sử ít người biết đến của Vương triều Georgia.
Người ta ghép đôi chiếc váy lụa bạc này với một chiếc đầm do hãng Givenchy thiết kế mà nữ diễn viên kiêm nhà hoạt động nhân đạo Audrey Hepburn đã mặc trong bộ phim “Roman Holiday” (Kỳ nghỉ La Mã) và tại lễ trao giải Oscar năm 1954 khi bà đến nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Chiếc váy lụa bạc hiện diện tại buổi triển lãm thời trang Crown to Couture tại Cung điện Kensington ở London từ ngày 05/04/2023 đến ngày 29/10/2023.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times