Chìa khóa nhân sinh: Vì sao 9 người con vốn là quỷ đến đòi nợ lại liên tục chết yểu?
Vào thời nhà Thanh, có gia đình họ Vương giàu có nhất thị trấn Lăng Hồ huyện Quy An (nay là thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang) liên tiếp phát sinh sự việc ngoài ý muốn khiến mọi người không khỏi kinh ngạc.
Ông chủ gia đình này bắt đầu từ khi 20 tuổi thì liên tiếp sinh được 9 người con trai, thế nhưng, hết đứa này đến đứa khác đều ngang ngạnh kém tài. Mặc dù gia đình họ Vương cũng rất chú trọng việc dạy dỗ con cái, nhưng không có kết quả gì. Trong lòng ông rất ưu buồn, nhưng cũng không có cách nào.
Giữa thời Càn Long có một năm đại hạn, cây lúa không sống nổi, dân chúng đều đói đến mức gầy yếu dơ xương. Phú ông họ Vương bèn mang gia sản ra cứu tế và cứu sống được rất nhiều người, nhưng gia sản dùng hết rồi, gia nghiệp cũng bởi vậy mà sa sút.
Không lâu sau, con trai lớn bệnh chết. Tiếp đến con trai thứ hai cũng không qua được. Trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, chín người con trai lần lượt chết yểu, cứ vậy không có người con nào sống sót. Hai vợ chồng họ Vương đau thương bi phẫn cùng cực, thần sắc hoảng hốt, như điên như dại vậy.
Trong nhà họ luôn thờ cúng Quan Âm Đại Sĩ, sau khi các con chết, họ viết đơn kêu ca oán thán, rồi đốt trước tượng Phật trong nhà. Đêm hôm đó, vợ chồng họ Vương liền mộng thấy Quan Âm Đại Sĩ nói với họ rằng: “Chín người con trai mà các người sinh ra trước đây, là chín con yêu ma, đều là những kẻ đến để làm bại gia. Bởi vì tổ tông nhà ngươi có ác nghiệp, cho nên bọn hắn đều là đến để làm bại hoại gia nghiệp của nhà ngươi. Nhưng bởi vì ngươi tích được âm đức lớn, dốc hết gia tài để cứu tế người nghèo, công đức to lớn, cho nên Thiên Đế đặc biệt hạ lệnh thu hồi mấy con yêu ma này, phái Văn Khúc Tinh khác giáng sinh vào nhà ngươi, để chấn hưng gia nghiệp của nhà ngươi. Nếu như các ngươi có thể càng cố gắng tu thiện hơn, thì 20 năm sau, Văn Khúc Tinh sẽ giáng sinh tại nhà ngươi. Không nên oán trách bất mãn!”
Kỳ lạ là hai vợ chồng có cùng một giấc mơ giống nhau! Từ đó, họ càng thêm tâm niệm làm việc thiện, phù nguy cứu khốn, chỉ lo sợ làm không chu đáo. Không lâu sau, thê thiếp mấy người tuần tự đều mang thai. Trong vòng mấy năm lại có năm con trai, đứa bé nào cũng ham thích đọc sách, hơn nữa còn có tài văn chương, danh tiếng vang xa trong giới học giả. Đến đời cháu, có hai anh em là tiến sĩ Vương Dĩ Hàm, Vương Dĩ Ngữ, đều là Hàn lâm nổi tiếng trong triều.
Năm Càn Long thứ 60 (năm 1795), trước kỳ thi Hội ân khoa năm Ất Mão, từng có một cặp chim én xây tổ bằng lá tre trên đèn lồng nhà họ Vương, Thái phu nhân sau khi nhìn thấy vui mừng nói: “Làm tổ trên đèn lồng, là điềm báo đỗ đạt đây”. Mùa xuân năm đó cuộc thi Hội công bố danh sách, Vương Dĩ Hàm có tên đứng thứ hai, còn người em cùng cha khác mẹ Vương Dĩ Ngữ được đứng đầu bảng, tức là Hội Nguyên. Người truyền báo tin vui định treo tờ báo hỷ có dát vàng ở giữa cột, Thái phu nhân vội vàng ngăn cản nói: “Chỗ này để dán báo hỷ của Trạng Nguyên, đừng treo vào đó”. Đợi đến cuộc thi Đình xướng tên xong, Vương Dĩ Hàm quả đúng là đỗ Trạng Nguyên.
Bảng vàng Trạng Nguyên của Vương Dĩ Hàm thi được cũng không dễ dàng gì. Khi quan chủ khảo Tả Đô Ngự Sử Đậu Quang Nãi đảm nhiệm chức Học sử Chiết Giang, rất khen ngợi hai anh em họ Vương trong số các thí sinh. Lần này thi Hội, hai anh em họ Vương người đứng thứ nhất, người đứng thứ nhì, trong chốc lát, những lời phỉ báng từ đám người thi rớt bay đi tứ phía. Đại học sĩ Hòa Thân là người nắm quyền bính, vì Đậu Quang Nãi cương trực không luồn cúi theo mình, thậm chí bóc trần việc riêng của ông ta, cho nên luôn ôm hận trong lòng. Lúc này, Hòa Thân nghe được những lời phỉ báng, cảm thấy cơ hội chờ đợi đã đến, liền thừa cơ tấu lời sàm ngôn, nói rằng: Đậu Quang Nãi từng nhiều lần đảm nhiệm chức Học chính ở Chiết Giang, hai anh em đến từ Chiết Giang dự thi vơ hết giải nhất giải nhì, cáo thị này nhất định có tư tình.
Hòa Thân chỉ trích Đậu Quang Nãi nhận hối lộ của Vương Dĩ Ngữ và Vương Dĩ Hàm, tiết lộ đề thi cho bọn họ, chứng cứ chính là trong bài thi của bọn họ đều cùng có một câu “Vương đạo bản hồ nhân tình” (gốc của Đạo làm vua là ở tình cảm con người).
Kỳ thực, bản thân Đậu Quang Nãi khi tham chính luôn có một cảm xúc lương thiện “vui với cái vui của dân”, và khi dạy học ông đã phân tích sâu sắc điều đó trong các bài giảng của mình. Về sau, khi ông đảm nhận chức quan chủ khảo thi Hội, liền lấy đầu đề “Vui với cái vui của dân”, kết quả có hai bài thi luận thuật rất được ông tâm đắc, hóa ra là bài thi của Vương Dĩ Ngữ và Vương Dĩ Hàm. Đây cũng là lý do vì sao trong bài thi của hai anh em đều có câu “Vương đạo bản hồ nhân tình”.
Đậu Quang Nãi xưa nay cương trực dám nói, vì thế đã đắc tội với không ít người, cho nên người họa theo công kích rất đông. Nhưng Đậu Quang Nãi không sợ miệng lưỡi của con người, kiên trì chủ trương “chỉ luận văn chương, không hỏi đến quê quán”, nhất định không chịu thay đổi.
Càn Long bị lời lẽ của Hòa Thân quấy nhiễu, trong lòng dâng lên nghi hoặc, lệnh cho Lễ bộ Thượng Thư Kỷ Hiểu Lam và các đại thần tiến hành phúc tra “Ma Khám” đối với bài thi của Vương Dĩ Ngữ và Vương Dĩ Hàm, chính là xem từng câu từng chữ để tìm kiếm sai sót, hơn nữa bãi chức Đậu Quang Nãi. Kết quả phúc tra, Vương Dĩ Ngữ người đứng thứ nhất bị phạt không cho phép tham gia thi Đình, phải về quê đọc sách.
Vương Dĩ Hàm mặc dù có thể tiếp tục tham gia thi Đình, nhưng ảnh hưởng đến tâm trạng. Vì chuyện này mà Đậu sư phụ bị hạch tội, em trai thì bị trục xuất hồi hương, cho nên Vương Dĩ Hàm âu sầu bất đắc chí ở trên trường thi, chỉ lấy mực nhạt làm bài, đối với việc thi cử không mong đợi gì nhiều, rồi vội vàng rời khỏi trường thi.
Cũng năm đó, có thầy giáo ở trong quán sư của Hòa Thân, đã đậu tiến sĩ cũng tham gia thi Đình. Hòa Thân dặn dò anh ta, nói: “Ngươi trong ngày thi Đình lấy mực nhạt viết bài thi, có thể đỗ Trạng Nguyên”.
Khi Hòa Thân cầm tới bài thi viết bằng mực nhạt của Vương Dĩ Hàm, tưởng rằng đây là bài thi của người ở quán sư nhà mình, không chút nghi ngờ liền cho ngay một chữ Giáp (nhất). Xướng danh hôm đó, Vua Càn Long nhìn thấy bài thi viết mực nhạt thì cảm thấy nghi hoặc.
Lúc này Hòa Thân ở bên cạnh nói ngọt thêm vào: “Bài thi viết bằng mực nhạt của người này, có thể biểu hiện ra đây là người nghiêm túc và thanh nhã, so với người dùng mực đậm khó hơn gấp bội, nhất định là kẻ sĩ có học vấn và tu dưỡng thâm hậu”.
Vua Càn Long nghe ý kiến của ông ta, liền đem quyển bài thi phê cho là Trạng Nguyên. Đợi đến lúc mở niêm phong xướng tên, chủ nhân bài thi đúng là Vương Dĩ Hàm. Hoàng thượng nhìn Hòa Thân nghiêm nghị nói: “Anh ta được chọn làm Trạng Nguyên, đây cũng là Đậu Quang Nãi làm nên sao?”
Lúc này Hòa Thân chỉ biết mím chặt môi, ngay cả thở cũng không dám thở. Thế là nỗi oan của Đậu Quang Nãi được phơi bày, lời ra tiếng vào cũng đột nhiên chấm dứt.
Việc mà Thượng Thiên đã định, tiểu nhân có làm loạn cũng không thể được; tính toán của tiểu nhân, ngược lại đều nằm trong dự tính của Thượng Thiện. Sáu năm sau, Vương Dĩ Ngữ, người em của Vương Dĩ Hàm, thụ ân được triệu vào Hàn Lâm.
Như vậy xem ra, Vương Dĩ Hàm này chính là Văn Khúc Tinh trong giấc mộng mà Quan Âm Đại Sĩ có nhắc đến: “Hai mươi năm sau, Văn Khúc Tinh sẽ giáng sinh xuống nhà ngươi”.
Sơ lược tiểu sử: Vương Dĩ Hàm (1761- 1823), tự là Thự Băng, hiệu là Vật Am, năm Càn Long thứ 60 (tức năm 1795) thi đỗ Trạng Nguyên, thụ chức Tu soạn. Năm Gia Khánh thứ 5 (tức năm 1800), sáu năm liên tiếp đảm nhiệm chức Thuận Thiên thi Hương đồng khảo quan, sau đó, liên tục tham dự công việc giám khảo, từ thi Hương đến thi Hội. Phàm là các cuộc thi do ông chủ trì, đều công bằng thông suốt, rất được học sinh tôn kính và Hoàng đế Gia Khánh xem trọng. Ông là người thẳng thắn vô tư và đôn hậu, cả ngày không nói đùa, bình sinh không bàn luận lỗi của người khác, rất xem trọng người trong thiên hạ, ông là bậc “Trưởng giả” trong câu nói của người đời. Năm Đạo Quang thứ nhất (tức năm 1821), ông nhậm chức Lễ Bộ Hữu Thị Lang (chính là quan nhị phẩm).
Nguồn tư liệu: “Tọa Hoa Chí Quả”, “Hương Ẩm Lâu Tân đàm”, “Thanh Cung dật sự”, “Thanh bia truyện hợp tập”, “Lang Tiềm kỷ văn”, “Thanh đại khoa cử khảo thí thuật lục”
Cổ Dung biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: