Chỉ số lạm phát xuất xưởng của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục
Chỉ số lạm phát xuất xưởng của Trung Quốc, còn được gọi là chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI), tăng 10.7% -mức cao nhất từng được ghi nhận -vào tháng Chín so với một năm trước đó, một phần do giá năng lượng tăng cao, và có khả năng làm tăng sức ép lạm phát toàn cầu.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) hôm 14/10 đã công bố con số đo lường biến động giá cả hàng hóa tại cổng nhà máy.
Chỉ số này đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ khi văn phòng này bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1996. Các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters đã dự kiến chỉ số giá cả hàng hoá xuất xưởng tăng 10.5%, sau khi đã tăng 9.5% vào tháng Tám.
Chi phí tăng của giá nguyên liệu, bao gồm dầu thô, than, và kim loại, là những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này, cùng với việc Trung Quốc cắt điện quy mô lớn .
Chỉ số này đã đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tháng Tám, phản ánh sự gia tăng của giá hàng hóa và gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong số này đã buộc phải tạm dừng hoạt động tại các nhà máy do mất điện liên tục và mất điện đã ảnh hưởng đến hơn 19 các tỉnh.
Một số nhà cung cấp của Apple và Tesla và các công ty trong ngành hóa chất đã ngừng sản xuất, điều này cũng khiến giá nguyên liệu thô tăng cao.
Nhà thống kê cao cấp của NBS Đổng Lê Quyên (Dong Lijuan) cho biết trong một tuyên bố rằng, “Trong tháng 9, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giá than tăng và một số sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, mức tăng giá của các sản phẩm công nghiệp tiếp tục mở rộng.”
Việc mất điện là do giá than tăng cao và thiếu hụt nguồn cung.
Các nhà phân tích cũng cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc là kết quả của các chính sách hạn chế phát thải năng lượng của chính quyền Bắc Kinh, được thực hiện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Dữ liệu hôm 14/10 cho thấy lạm phát tiêu dùng vẫn ở mức thấp, chỉ tăng 0.7% trong tháng Chín so với một năm trước đó, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa như quần áo và thiết bị gia dụng yếu, cũng như giá thực phẩm biến động giảm.
Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cho đến nay vẫn đành phải miễn cưỡng chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng ở địa phương do [phải đối mặt với] sự thiếu hụt nhu cầu [thị trường].
Ông Đường Kiến Vĩ (Tang Jianwei), trưởng bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô tại BOCOM, cho biết tình hình lạm phát hỗn hợp của Trung Quốc có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải đi dây thăng bằng.
Ông nói: “Một mặt, nhu cầu trong nước tương đối yếu đòi hỏi một mức độ nới lỏng nhất định để hỗ trợ nhu cầu phục hồi, và mặt khác, PPI cao kỷ lục hạn chế dư địa nới lỏng.”
Giá hàng hóa toàn cầu cũng tăng mạnh trong những tháng gần đây do nhu cầu về than và kim loại tăng.
Ông Chu Hạo (Zhou Hao), chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Commerzbank cho biết: “Các nút thắt về nguồn cung vẫn tiếp tục tồn tại và nhu cầu yếu nên nhà sản xuất không thể kham được chi phí. Đây là một quá trình đau đớn mà nền kinh tế Trung Quốc phải trải qua.”
Trong khi đó, giá than nhiệt được sử dụng để sản xuất điện ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao mới hôm 13/10, gây thêm áp lực lên chính quyền Bắc Kinh khi nước này cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng điện đang tiếp diễn.
Vì hơn 2/3 sản lượng điện của đất nước đến từ việc đốt than, cuộc khủng hoảng điện đã khiến giá than tăng thêm—do tình trạng thiếu than gây ra.
Giá than nhiệt giao sau trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu đạt mức cao kỷ lục 1,640 nhân dân tệ (254.44 USD)/tấn trong phiên giao dịch ngày 13/10, tăng gần gấp ba lần tính từ đầu năm đến nay. Việc tăng giá diễn ra sau khi các khu vực khai thác than trọng điểm của đất nước này bị ảnh hưởng bởi mưa lớn vào tuần trước, gây thêm căng thẳng cho nguồn cung than eo hẹp của Trung Quốc.
Ông Tạ Kim Hà (Hsieh Chin-ho), một nhà bình luận kinh tế sinh sống tại Đài Loan, nói với NTD rằng cuộc khủng hoảng điện năng có thể sẽ là một vấn đề lâu dài đối với đất nước.
Tuần trước, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép giá nhiệt điện than dao động tới 20% so với mức cơ bản, nới lỏng các giới hạn trước đây.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: