Chỉ số giá sản xuất tăng cao nhất lịch sử làm dấy lên lo ngại về lạm phát với người tiêu dùng
Giá của nhà sản xuất tăng cao hơn kỳ vọng trong tháng Bảy (2021), đánh dấu mức tăng kỷ lục trong 12 tháng và thúc đẩy thêm mối lo ngại rộng hơn về lạm phát khi chi phí sản xuất cao hơn có xu hướng chuyển sang cho người tiêu dùng.
Theo một thông cáo của Bộ Lao động (pdf), trong 12 tháng kết thúc vào tháng Bảy (2021), chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) đã tăng 7.8%, con số cao nhất trong lịch sử của chuỗi dữ liệu, tính từ năm 2010. Các nhà kinh tế được Investing.com thăm dò ý kiến đã kỳ vọng mức tăng 7.3% trong thước đo nhu cầu cuối cùng của PPI.
Giá của nhà sản xuất không bao gồm thực phẩm, năng lượng, và dịch vụ thương mại-một thước đo thường được các nhà kinh tế ưa thích vì nó loại trừ các thành phần dễ biến động giá nhất – đã tăng 6.1% trong tháng Bảy (2021) so với một năm trước đó. Đây cũng là mức tăng lớn nhất của chỉ số này đó kể từ khi Bộ Lao động bắt đầu theo dõi nó vào năm 2014.
Dữ liệu cho thấy, giá năng lượng của nhà sản xuất cho nhu cầu cuối cùng chưa điều chỉnh theo mùa tăng 33.4% theo năm so với năm ngoái, hàng hóa tăng 11.9%, và thực phẩm tăng 9.5%.
Tính theo tháng, chỉ số PPI của [hàng hoá cho] nhu cầu cuối cùng đã tăng 1.0% trong tháng Bảy (2021), khớp với số tháng Sáu (2021) nhưng thấp hơn mức đỉnh tại tháng Giêng là 1.2%, từng là mức cao của chuỗi số liệu. Giá của nhà sản xuất ngoại trừ thực phẩm, năng lượng, và dịch vụ thương mại đã tăng 0.9% trong tháng Bảy (2021), mức tăng lớn nhất kể từ khi tăng 1.0% trong tháng Giêng (2021).
Giá của nhà sản xuất được coi là một chỉ báo hàng đầu của lạm phát giá hàng tiêu dùng, chiếm phần lớn của lạm phát chung. Trong khi dữ liệu về giá thành sản xuất tăng cao cho thấy người tiêu dùng có nhiều khả năng chứng kiến giá tăng trong tương lai, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã nhiều lần nói rằng họ tin rằng việc tăng giá hàng tiêu dùng chỉ là “nhất thời”, với kỳ vọng rằng lạm phát cuối cùng sẽ giảm dần trở lại mục tiêu trung bình 2% trong dài hạn của ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, giá hàng tiêu dùng đã tăng trong tháng Bảy (2021), mặc dù với tốc độ hàng tháng chậm nhất kể từ tháng Hai (2021), với thông tin Bộ Lao động cho biết trong một báo cáo hôm 11/08/2021 rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0.5% trong tháng Bảy (2021) so với tháng Sáu (2021), sau khi tăng 0.9% theo tháng trước đó.
Lạm phát giá hàng tiêu dùng trong cả năm ở mức 5.4% trong tháng Bảy (2021), phù hợp với con số của tháng Sáu (2021), là mức tăng đột biến cao nhất trong 12 tháng kể từ năm 2008.
Tỷ lệ tăng CPI chưa điều chỉnh theo mùa trong 12 tháng tính đến tháng Bảy (2021) ở các loại như xăng thông thường (43%), ô tô và xe tải đã qua sử dụng (41.7%), chỗ ở xa nhà (21.5%), vé máy bay (19%), và thịt xông khói (11.0%) đã mô tả nên một bức tranh rõ nét về áp lực lạm phát mà người Mỹ đang phải đối mặt.
So sánh với số liệu năm 2019, được điều chỉnh cho tác động cơ sở của việc giảm áp lực lạm phát năm ngoái, cho thấy rằng lo lắng của các hộ gia đình Hoa Kỳ về lạm phát là hợp lý.
Nhà phân tích tài chính trưởng của Bankrate, Greg McBride nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email rằng, “So với mức trước đại dịch 2019, trong hai năm qua chỉ số CPI được điều chỉnh theo mùa đã tăng với tốc độ 3.1% hàng năm, con số này đã tăng tốc từ 3% trong tháng Sáu (2021) và 2.55% vào tháng Năm (2021), xác nhận các mối lo ngại về lạm phát cao hơn.”
Nhưng trong khi mức đỉnh rõ rệt của tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng hàng năm thúc đẩy câu chuyện về lạm phát “nhất thời” hiện đã có thể bắt đầu nhạt đi, thì áp lực giá cả lan sang các nhóm hàng tiêu dùng khác cho thấy lạm phát cao hơn có thể duy trì lâu hơn.
Ví dụ, trong khi giá ô tô đã qua sử dụng đã ổn định, tăng 0.2% trong tháng Bảy (2021) sau khi tăng 10.5% trong khoảng thời gian từ tháng Năm (2021) đến tháng Sáu (2021), thì lạm phát hàng tháng lại tăng nhanh trong các ngành hàng như giải trí, dịch vụ cá nhân và chăm sóc y tế.
Nhà Kinh tế trưởng Quốc tế của ING James Knightley viết trong một lưu ý rằng, “Tỷ lệ lạm phát hàng năm dường như đã đạt đến đỉnh điểm, nhưng các chi tiết cho thấy sự mở rộng của áp lực giá cả. Các chỉ báo này cho thấy lạm phát có thể sẽ dai dẳng và lan rộng hơn dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang.”
Ông McBride nói rằng, mặc dù nhìn chung các con số CPI hàng tháng củng cố quan điểm lạm phát “nhất thời”, nhưng lại có những rủi ro đối với triển vọng này.
Ông nói “phía quan điểm ‘lạm phát là nhất thời’ đạt được một điểm, khi giá ô tô đã qua sử dụng điều chỉnh tăng 0.2% hàng tháng, giá vé máy bay giảm 0.1%, bảo hiểm ô tô giảm 2.8% và giá thuê ô tô và xe tải giảm 4.6% kể từ tháng trước. Tuy nhiên, chi phí nhà ở sẽ là hạng mục cần theo dõi trong những tháng tới vì giá nhà tăng và kéo theo đó là sự gia tăng tiền thuê nhà mà chúng mang lại, vẫn chưa được phản ánh trong chỉ số giá tiêu dùng.”
Trong khi các quan chức Fed cho biết đợt lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và các điều kiện tiền tệ cực kỳ nới lỏng sẽ được duy trì cho đến khi họ thấy thị trường lao động phục hồi vững chắc hơn, các quan chức của Fed đã thừa nhận áp lực lạm phát và đang thảo luận thời điểm bắt đầu rút lại những biện pháp hỗ trợ bất thường của ngân hàng trung ương cho nền kinh tế.
Năm ngoái, Fed đã cắt giảm lãi suất chuẩn qua đêm xuống gần bằng 0 và bắt đầu mua vào mỗi tháng 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Mặc dù sản lượng kinh tế đã hoàn toàn phục hồi trở lại mức trước đại dịch, nhưng sự phục hồi của thị trường lao động đang kéo dài, với nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn giảm khoảng 5 triệu việc làm so với trước khi đại dịch bùng phát. Sau khi bị giảm hơn 22 triệu việc làm trong 2 tháng đầu tiên của đại dịch, nền kinh tế Hoa Kỳ kể từ đó đã phục hồi gần 17 triệu việc làm.
Do Tom Ozimek thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: