Chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ tăng gấp 10 lần do khan hiếm container
Kể từ tháng Tám, giá vận tải container từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã tăng gấp 10 lần, thiết lập một mức cao kỷ lục. Do đại dịch virus Trung Cộng, các container vận chuyển từ Trung Quốc không thể quay trở lại ngay sau khi dỡ hàng tại điểm đến, gây ra tắc nghẽn do luân chuyển các tàu trống và khả năng vận chuyển bị hạn chế.
Giá vận chuyển toàn cầu tiếp tục tăng do các container trở nên khó tìm. Kể từ tháng Giêng, chi phí vận chuyển container đã tăng gấp bốn lần. Tính đến ngày 17/09, Chỉ số Vận tải Hàng hóa Chở Container của Trung Quốc (CCFI) đã tăng 90.34% so với đầu năm 2021.
Theo dữ liệu từ những năm trước, vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ có giá khoảng 1,000 đến 2,000 USD. Kể từ tháng 08/2021, giá cước vận chuyển container từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã vượt quá 20,000 USD/container 40 feet, tăng gấp 10 lần và là mức cao trong lịch sử.
Ông Wang Qian, một nhân viên của China Yuexin Logistics, nói với tạp chí tin tức Bắc Kinh Caijing rằng vào năm 2019, chi phí vận chuyển cho một container 40 feet từ Thiên Tân, Trung Quốc đến Los Angeles là 1,600 đến 1,700 USD. Và bây giờ nó có giá 15,000 USD.
Ông Qian cho rằng thời gian cập cảng dài đối với hàng hóa tại các nhà ga ngoại quốc dẫn đến chi phí cao. Để tiết kiệm chi phí, nhiều công ty vận tải biển quay về (Trung Quốc) trước khi thu gom các container rỗng, dẫn đến lượng container ở Trung Quốc ngày càng ít. Các container rỗng thường bị sử dụng hết vào sáng sớm. Nhiều người xếp hàng chờ sửa chữa những chiếc container bị hỏng và chúng bị chộp đi ngay sau khi sửa xong. Một số công ty vận tải biển đã mở dịch vụ đặt chỗ trực tuyến để vận chuyển hàng hóa vào nửa đêm.
Người trong cuộc: vòng lặp luẩn quẩn của sự chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa do đại dịch gây ra
Ông Li, một người trong công ty vận tải biển Trung Quốc, đã nói chuyện với The Epoch Times về tình hình này. Các container từ Trung Quốc không thể được dỡ xuống ngay sau khi đến nơi. Trong khi hàng hóa chất đống tại các cảng đến, các container rỗng không thể được đưa trở lại tàu biển để trả lại. Vòng luẩn quẩn này đã khiến giá cước container tăng chóng mặt.
Theo ông Li, trong thời gian bùng phát virus Trung Cộng, nhiều quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc) đã đóng cửa cảng của họ trong thời gian ngắn, gây ra sự chậm trễ khi các tàu chở container không thể dỡ hàng trong hai hoặc ba tuần khi đến.
Ông Li nói, “Những sự chậm trễ này đã gây ra tình trạng tồn đọng sản phẩm chờ vận chuyển. Khi tàu quay trở lại, không có đủ container cho các sản phẩm. Do đó, năng lực vận chuyển bị giảm và vòng lặp này tăng lên.”
“Đại dịch đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành vận tải hàng hóa. Ví dụ, công nhân tại các bến tàu cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Ông Li cho biết thêm, các sản phẩm không được vận chuyển đủ nhanh đến bến tàu, làm tăng chi phí vận chuyển.
Chuyên gia: Nhiều yếu tố dẫn đến căng thẳng container
Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư tư nhân ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng lượng đơn đặt hàng xuất cảng tăng vọt, nguồn cung không đủ cầu, và thiếu luân chuyển tàu trống đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng trong lĩnh vực vận tải. Và tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu năm.
Kể từ tháng Tư, biến thể Delta của virus Trung Cộng, thường được gọi là coronavirus mới, đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, với các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, bùng phát nghiêm trọng, khiến một số đơn đặt hàng sản xuất và chế biến quay trở lại với Trung Quốc.
Ông Sun nói, “Tình hình vẫn chưa được xoa dịu ngay cả bây giờ; chu kỳ tắc nghẽn tiếp tục. Đơn đặt hàng được dồn lại và không thể vận chuyển. Một số lượng lớn hàng hóa hiện đang được chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, chờ vào thị trường Mỹ Châu và Âu Châu.”
Ông Sun nói thêm, “Các công ty container của Trung Quốc đang mở rộng năng lực sản xuất, nhưng chỉ trong vòng hai tháng tới, họ vẫn còn lâu mới có thể giải cơn khát trước mắt. [Các container] không thể được sản xuất và đưa vào sử dụng ngay lập tức; họ sẽ không có cải thiện nào trong ngắn hạn.”
Do Jessica Mao và Ellen Wan thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: