Chi nhánh Trung Quốc của công ty Hoa Kỳ công bố báo cáo giả ở Nam Hàn buộc phải thu hồi sản phẩm
Truyền thông Nam Hàn đưa tin trong lúc xảy ra một đợt thu hồi lớn các sản phẩm đã được công bố, một chi nhánh Trung Quốc thuộc công ty kiểm tra thiết bị điện tử đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố báo cáo giả cho số lượng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất được đưa vào thị trường Nam Hàn trong 8 năm qua.
Truyền thông Nam Hàn đưa tin, vụ thu hồi này đã làm ảnh hưởng đến 1,696 sản phẩm được 378 công ty ở Nam Hàn bán ra. Ba công ty hàng đầu có sản phẩm bị thu hồi này là Huawei, nhà sản xuất flycam DJI và Hangzhou Hikvision, chiếm khoảng 30% tổng số báo cáo giả.
Được thành lập và có trụ sở chính tại Sunnyvale, California, Bay Area Compliance Laboratory Corp (viết tắt là BACL), là một tập đoàn đa quốc gia thực hiện chứng nhận của bên thứ ba và thử nghiệm các sản phẩm điện tử trên một số khu vực pháp lý. Công ty này có các chi nhánh ở Đông Quan, Thâm Quyến, Thành Đô, Thượng Hải và các thành phố khác ở Trung Quốc, cũng như Đài Loan, Nam Hàn và Đông Nam Á. Theo như nhân viên BACL tại một trong các chi nhánh ở Trung Quốc cho biết, tất cả các chi nhánh có trụ sở tại Trung Quốc này đều thuộc tập đoàn [BACL] Trung Quốc.
Theo tờ News Korea, Bộ Khoa học và Công nghệ Nam Hàn cho biết cảnh sát Nam Hàn đang điều tra một chi nhánh của BACL ở Trung Quốc vì bị cáo buộc tung ra các báo cáo thử nghiệm giả mạo của BACL Hoa Kỳ đối với các thiết bị phát thanh truyền hình và truyền thông được bán ở Nam Hàn.
Trong số 378 công ty được xác định, nhà cung cấp thiết bị giám sát video Trung Quốc Hangzhou Hikvision có số lượng lớn nhất, chiếm 224 trong số các sản phẩm có báo cáo giả mạo, tiếp theo là nhà sản xuất flycam DJI của Trung Quốc với 145 sản phẩm và Huawei với 136 sản phẩm.
Xếp ở vị trí thứ tư với 64 báo cáo là Britz International, một công ty Nam Hàn sản xuất tai nghe, loa và các thiết bị điện tử khác. Samsung Electronics đứng ở vị trí thứ 10 với 23 báo cáo, trong khi công ty con Dreamus của SK Telecom chỉ có hai báo cáo.
Kể từ đó, các công ty này đã bị chính phủ Nam Hàn cấm bán các sản phẩm có báo cáo giả trong thời hạn một năm.
Vẫn chưa biết liệu các công ty này có biết trước về việc BACL của Trung Quốc làm giả các báo cáo kiểm tra của BACL ở Hoa Kỳ hay không.
Theo kênh truyền thông Nam Hàn The ChosunBiz, một công ty con của Chosun Ilbo, các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nam Hàn đã phàn nàn về việc bị cơ quan thử nghiệm có trụ sở tại Trung Quốc này lừa dối. Dự kiến, cảnh sát sẽ điều tra các tình tiết đằng sau các đánh giá giả mạo này một cách chi tiết.
Luật pháp Nam Hàn yêu cầu các công ty bán thiết bị truyền thông và phát thanh truyền hình phải có chứng nhận sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn này bao gồm việc sản phẩm có ngăn được nhiễu sóng vô tuyến hay không và liệu sản phẩm có được chứng minh là vô hại đối với con người hay không.
Đến nay, Nam Hàn đã ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn chứng nhận với 32 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, 27 quốc gia thành viên EU, Liên minh Âu Châu, Canada, Việt Nam và Chile. Quốc gia này không công nhận chứng nhận từ các cơ quan tổ chức ở Trung Quốc.
The Epoch Times đã gọi điện đến các chi nhánh Trung Quốc thuộc BACL ở Quảng Châu và Trường Sa để đưa ra bình luận về các báo cáo chứng nhận giả. Nhân viên của cả hai chi nhánh này đã hồi đáp rằng các cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Trung Quốc, vì vậy các báo cáo thử nghiệm được công bố từ Trung Quốc. Họ cũng nói rằng các báo cáo này là hợp lệ ở Nam Hàn, đồng thời khẳng định không cần thiết phải cung cấp báo cáo từ người chứng nhận của họ ở Hoa Kỳ.
Trong khi đó, một nhân viên của BACL thuộc chi nhánh ở Seoul nói với The Epoch Times rằng các báo cáo thử nghiệm do chi nhánh Trung Quốc đưa ra không được chấp nhận ở Nam Hàn.
Sáu tháng điều tra
Nhật báo Chosun đưa tin, hồi 15/05 năm ngoái (2020), Bộ Khoa học và Công nghệ Nam Hàn đã nhận được đơn khiếu nại cáo buộc rằng một số báo cáo thử nghiệm được đánh dấu là BACL Hoa Kỳ đã được một chi nhánh BACL của Trung Quốc công bố.
Cơ quan này đã dành sáu tháng để kiểm tra tất cả các báo cáo thử nghiệm do BACL công bố hồi năm 2006. Họ phát hiện ra rằng các báo cáo thử nghiệm cho gần 1,700 sản phẩm do 381 công ty bán ra đã được chi nhánh Trung Quốc của BACL làm giả, theo một báo cáo của Bộ công bố ngày 10/11/2020.
Bộ cho biết để duy trì một môi trường vô tuyến an toàn, vấn đề vi phạm sẽ được giải quyết nghiêm khắc theo đạo luật liên quan, đồng thời cho biết thêm rằng các thiết bị như camera giám sát, thiết bị bluetooth, flycam, thiết bị liên lạc và thiết bị ngoại vi PC có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Vào ngày 17/06, Bộ đã thu hồi tất cả 1,696 sản phẩm và thông báo rằng các chứng nhận [sản phẩm phù hợp] của họ đã bị thu hồi, không được chứng nhận lại trong thời gian ít nhất một năm. Bộ cũng cấm sản xuất, nhập cảng hoặc bán các sản phẩm tương tự ở Nam Hàn cho đến khi có được chứng nhận phù hợp.
Các công ty đã dành ra thời gian ba tháng để thông báo cho khách hàng.
The Epoch Times đã cố gắng thu thập bình luận từ trụ sở của BACL ở California để hỏi xem liệu họ có biết về các báo cáo giả này không, nhưng vẫn chưa nhận được phúc đáp.
Bà Jennifer Zeng là cộng tác viên tự do cho The Epoch Times.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: