Chỉ huy Tuần duyên Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương: Luật hàng hải mới của Trung Quốc ‘rất đáng lo ngại’
Phó Đô đốc Michael McAllister, chỉ huy hàng đầu của Tuần duyên Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương, gần đây cho biết yêu cầu khai báo hàng hải mới của Trung Quốc là “rất đáng lo ngại” và vi phạm “các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế.”
Trên thực tế, ông McAllister nói thêm, nếu Trung Quốc lựa chọn thực thi luật lệ này, họ sẽ “bắt đầu xây dựng nền móng cho sự bất ổn và những cuộc xung đột tiềm tàng.” Ông bày tỏ mối lo ngại của mình trong một cuộc họp báo hôm 03/09.
Các tàu thuyền ngoại quốc đi vào vùng mà Bắc Kinh coi là vùng “lãnh hải” của họ sẽ bị yêu cầu khai báo thông tin chi tiết — bao gồm tên tàu, hô hiệu, lượt ghé cảng cuối cùng và tiếp theo, cũng như vị trí hiện tại — cho Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, theo thông báo đưa ra hôm 27/08 của cơ quan này. Yêu cầu khai báo có hiệu lực từ ngày 01/09.
Điều luật này sẽ áp dụng cho bốn loại tàu ngoại quốc khác nhau — tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, và tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác. Các tàu ngoại quốc khác “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” cũng sẽ phải tuân theo luật lệ tương tự.
Yêu cầu khai báo này là một phần của Luật An toàn Giao thông Hàng hải mới của Trung Quốc, vốn có hiệu lực từ ngày 01/09. Bộ luật này đã được Ủy ban Thường vụ của cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Trung Cộng, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, sửa đổi hồi tháng 04/2021.
Theo luật mới, Bắc Kinh cũng có thể buộc các tàu ngoại quốc “đe dọa đến sự an toàn của vùng nội thủy hoặc lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” rời đi.
Trước quy định hàng hải mới của Trung Quốc, ông McAllister cho biết [lực lượng] Tuần duyên Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong khu vực.
Ông McAllister nói: “Chúng tôi hiện diện trong khu vực này thực sự một phần là để hỗ trợ các đối tác chính đang ngày càng lo ngại hơn về các hành động hung hăng và đôi khi mang tính uy hiếp và cưỡng bách của Trung Quốc, cũng như [giải quyết] mối lo ngại của các đối tác về việc họ không có khả năng hoặc năng lực để đối phó thích hợp với những hành động đó.”
Các quy tắc hàng hải mới của Trung Quốc được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Xung đột có thể bùng phát ở khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan đang tranh chấp, ba vùng biển thường xuyên được các tàu thương mại và quân sự ngoại quốc ghé thăm.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, coi toàn bộ Eo biển Đài Loan là “vùng nội thủy” của họ và thường cáo buộc [các tàu] ngoại quốc đi qua eo biển này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Trung Cộng đã áp dụng các chiến thuật hung hăng trong một nỗ lực nhằm đưa ra các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, mặc dù Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết năm 2016 rằng yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. (UNCLOS).
Việt Nam, một trong những chính phủ đang đối mặt với tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông, đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Công ước UNCLOS, trong một tuyên bố đáp lại luật hàng hải mới của Trung Quốc.
Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều đã lên tiếng chỉ trích; trong đó Ngũ Giác Đài nói rằng luật mới của Trung Quốc sẽ đặt ra “một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quyền tự do hàng hải.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” Trung tá Martin Meiners của Ngũ Giác Đài nói với Stars and Stripes, khi được hỏi về tác động tiềm tàng của luật hàng hải mới của Trung Quốc đối với các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Gần đây, vào hôm 27/08, khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường USS Kidd và một khu trục hạm an ninh quốc gia của Tuần duyên Hoa Kỳ đã quá cảnh Eo biển Đài Loan. Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố việc quá cảnh thường xuyên là một biểu hiện của “cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Trong bài phân tích của mình, ông Raul AF Pedrozo, giáo sư luật quốc tế tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton tại Trường Cao đẳng Hải chiến Hải quân Hoa Kỳ, cho biết, “Trung Quốc một lần nữa đang thử cộng đồng quốc tế để đo lường xem họ sẽ phản ứng như thế nào trước hành động ban hành một luật hàng hải khác vượt quá giới hạn tài phán cho phép của luật quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS.”
Ông dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng luật hàng hải mới để “tham gia vào các hoạt động thuộc vùng xám dưới ngưỡng xung đột vũ trang nhằm đe dọa các nước láng giềng và làm xói mòn thêm pháp quyền trên biển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: