‘Chỉ để hăm dọa’: Ông Roger Stone phản đối cuộc đột kích của FBI sau vụ tịch thu lá thư khoan hồng của ông Trump
Ông Roger Stone, một đồng minh kỳ cựu của ông Donald Trump, cho biết ông cảm thấy “hơi bối rối” khi quyết định khoan hồng của vị cựu tổng thống này dành cho ông đứng đầu danh sách các tài liệu Mar-a-Lago mà các nhân viên FBI thu giữ được.
Bức thư khoan hồng mà ông Trump phát hành hồi tháng 12/2020 nằm trong số 20 hộp vật phẩm mà các đặc vụ đã mang đi trong một cuộc đột kích vào dinh thự của ông Trump ở Florida hôm 08/08, cùng với những tài liệu được đánh dấu là mật, tối mật, và bí mật, mặc dù ông Trump cho biết những tài liệu này “đều đã được giải mật.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times ngay sau khi lệnh khám xét của FBI được công bố, nhà vận động hành lang chính trị này băn khoăn tại sao lá thư khoan hồng nói trên lại trở thành tâm điểm chú ý của cơ quan liên bang.
Ông Stone nói: “Tại sao tổng thống và Cục Lưu trữ Quốc gia lại cố gắng để có được những tài liệu này, tôi không có ý kiến gì khác ngoài việc nói rằng mọi thứ đã được thực hiện một cách hoàn toàn hợp pháp.”
Không có ‘giao kèo tham nhũng’
Hồi tháng 12/2020 ông Trump đã ban hành lệnh ân xá cho ông Stone khi nhiệm kỳ Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ của ông sắp kết thúc, nói rằng ông Stone 68 tuổi khi đó có “nhiều vấn đề về sức khỏe” và đã bị “đối xử rất bất công” do “hành vi truy tố sai trái.”
Ông Stone, người từng có thời gian ngắn làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vào năm 2015, đã bị bắt hồi tháng 01/2019 liên quan đến cuộc điều tra của biện lý đặc biệt Robert Mueller về việc liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không.
Báo cáo của ông Mueller hồi tháng 04/2019 tuyên bố không có bằng chứng cho thấy ông Trump hoặc các cộng sự của ông cố ý câu kết với Nga.
Ông Stone thừa nhận rằng ông đã trình bày sai khi tuyên thệ trước Quốc hội nhưng vẫn khẳng định rằng những tuyên bố đó của ông “đều vô hại” và “không quan trọng.”
Ông Stone nói trong cuộc phỏng vấn, “Người ta không thể nói dối Quốc hội về sự thông đồng với Nga, nếu sự thông đồng với Nga không xảy ra, phải không nào? Vì vậy, tôi đã bị gài bẫy chỉ vì một mục đích đơn thuần là muốn gây áp lực buộc tôi phải đưa ra lời khai gian dối chống lại tổng thống Trump.”
Theo ông Stone, vào tháng Bảy năm đó, các công tố viên nói với luật sư của ông rằng nếu ông đồng ý đưa lời khai gian dối chống lại tổng thống Trump về 26 cuộc nói chuyện điện thoại mà họ đã có trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, họ sẽ biện bạch với thẩm phán để khoan hồng cho ông, một lời đề nghị mà ông cho biết ông đã từ chối. Cũng trong tháng đó, ông Trump đã giảm án cho ông Stone một ngày trước khi ông Stone bắt đầu thụ án thời hạn ba năm bốn tháng vì cuộc điều tra can thiệp của Nga.
Ông đã suy đoán rằng các đặc vụ FBI có thể đang xem xét hồ sơ cho thấy “một giao kèo tham nhũng hoặc một số điều không chính đáng,” điều mà ông khẳng định là “không đúng.”
Ông nói: “Không có bất kỳ liên lạc nào giữa tôi và tổng thống, hay giữa những luật sư của tôi và những luật sư của tổng thống, hoặc bản thân tôi với tổng thống thông qua bất kỳ bên thứ ba nào từ lúc tôi bị buộc tội, cho tới khi ông ấy gọi cho tôi báo rằng ông ấy đang giảm án [cho tôi]. Không có bất kỳ liên lạc nào.”
“Vì vậy, bất kỳ ám chỉ nào cho rằng sự khoan hồng trong trường hợp của tôi có gì đó không đúng đắn, thì dứt khoát là sai sự thật.”
‘Chỉ để hăm dọa’
Bản thân ông Stone cũng đã nếm trải cuộc đột kích của FBI hôm ông bị bắt hồi năm 2019.
Hồi 6 giờ sáng hôm đó, 29 đặc vụ FBI đã ập vào tư dinh của ông ở Fort Lauderdale, Florida, với 17 xe bọc thép, một trực thăng của chính phủ, và hai đơn vị đổ bộ. Ông nhớ lại rằng các đặc vụ đã ở đó trong 13 giờ.
Giống như cách những đặc vụ này kiểm tra tủ quần áo của cựu Đệ nhất phu nhân Melania Trump, ông Stone cho biết họ cũng khám xét toàn bộ vật dụng cá nhân và quần áo của vợ ông.
Ông nhấn mạnh rằng không có gì thu thập từ cuộc đột kích vào nhà riêng, văn phòng, và căn hộ ở Manhattan của ông đã được sử dụng để chống lại ông tại phiên tòa.
“Vì vậy, đó chỉ là để hăm dọa,” ông nói. “Toàn bộ mục đích của việc này là để đe dọa cựu tổng thống, như tôi đã quen biết ông ấy suốt 42 năm nay, ông Donald Trump không thể bị dọa dẫm. Họa chăng, họ đã khiến ông ấy hun đúc thêm quyết tâm để tái tranh cử.”
Ông xem cuộc đột kích này là “vụ mới nhất trong một loạt sự kiện nhằm truất quyền tranh cử của ông Trump” vào năm 2024, sau hai nỗ lực đàn hặc khi ông Trump còn đương nhiệm cùng với cuộc điều tra của Ủy ban 06/01 đang diễn ra.
Một luật liên bang được liệt kê trong lệnh khám xét liên quan đến việc cố ý che giấu, xóa bỏ, hoặc cắt xén hồ sơ công khai một cách cố ý và bất hợp pháp, điều này có thể khiến cá nhân này “bị tước mất chức vụ của ông và không đủ tư cách nắm giữ bất kỳ chức vụ nào ở Hoa Kỳ.”
Một số chuyên gia pháp lý đã lập luận rằng việc kết tội giả định theo quy chế vẫn không phải là cơ sở pháp lý để ngăn vị cựu tổng thống này theo đuổi nhiệm kỳ thứ hai, vì quy chế không thể cao hơn hoặc thay thế các tiêu chuẩn cho chức vụ tổng thống như được quy định trong Hiến Pháp — độ tuổi tối thiểu là 35 tuổi và được sinh ra là một công dân [Hoa Kỳ] đã sống ở nước này ít nhất 14 năm.
Ông Stone cho rằng đó là một tín hiệu cho thấy các đối thủ của ông Trump đang “ráo riết” muốn tìm ra những cách thức hợp pháp để ngăn cản tham vọng trở thành tổng thống của ông ấy.
“Chắc hẳn họ cảm thấy họ không có bất kỳ loại lý lẽ khả thi nào chống lại tổng thống về sự kiện ngày 06/01, và do đó họ đang sử dụng đề mục mới này như một cái cớ để nỗ lực khiến ông ấy không thể trở thành một ứng cử viên vào năm 2024.”
Ông Stone cho biết khoảng thời gian mà ông trải qua vụ truy tố chính trị đã tiết lộ cho ông biết về một “hệ thống tư pháp hai tầng”, tương phản giữa những gì ông xem là sự đối xử khác biệt giữa những người trong phe Đảng Dân Chủ, chẳng hạn như việc ông Hunter Biden, con trai thứ hai của Tổng thống Joe Biden, đã tham gia vào hoạt động kinh doanh với công ty ngoại quốc khi cha ông ấy đang nắm giữ một vị trí trong chính phủ, và việc đối xử với những người theo phe Đảng Cộng Hòa.
“Nếu quý vị là một thành viên Đảng Dân Chủ thiên tả, quý vị không việc gì phải sợ FBI hoặc hệ thống tư pháp. Còn nếu quý vị là người ủng hộ ông Donald Trump, nếu quý vị là thành viên Đảng Cộng Hòa thì quý vị chính là một mục tiêu.”
FBI từ chối bình luận. The Epoch Times đã liên lach với Bộ Tư pháp về các tuyên bố của ông Stone.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung.