Chỉ các tiểu bang mới có thể ngăn Hoa Kỳ trở thành quốc gia chuyên chế xã hội chủ nghĩa
Đảng Dân Chủ có hai năm để biến Hoa Kỳ thành một quốc gia chuyên chế xã hội chủ nghĩa. Với việc kiểm soát vị trí tổng thống, Quốc hội cùng sự siết chặt của họ đối với Tối cao Pháp viện, họ cũng biết rằng họ có thể đạt được âm mưu thâm độc của mình.
Ngay cả khi các nghị sỹ Cộng Hòa nhu nhược kia có tập hợp lại đi nữa, vốn là điều rất khó tin, họ vẫn không thể ngăn cản các đồng sự của mình trong Đảng Dân Chủ. Tệ hơn nữa, H.R. 1, một dự luật cho phép những cải cách bầu cử-vốn đã dẫn đến các cáo buộc gian lận cử tri trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 và cho phép bổ sung thêm Quận Columbia vào danh sách các tiểu bang của chúng ta-đã sẵn sàng được thông qua, bảo đảm rằng Đảng Dân Chủ sẽ không bao giờ thua cuộc trong bầu cử nữa.
Cách duy nhất để chặn đứng chuyến tàu này là luôn trung thành với Hiến pháp, và chỉ các tiểu bang mới có thể làm như vậy.
Tu chính án Thứ Chín và Thứ Mười của Hiến pháp trao cho các tiểu bang những đặc quyền vốn không được cấp riêng cho chính phủ liên bang. Trong khi Tu chính án Thứ Chín bảo đảm quyền của các tiểu bang, thì Tu chính án Thứ Mười không cho phép liên bang can thiệp vào luật tiểu bang trong tương lai. Do đó, các tiểu bang có quyền chống lại sự can thiệp nghiêm trọng của chính phủ liên bang trong các lĩnh vực sau: các sắc lệnh của TT Biden, giáo dục, nhập cư, đàn áp và/hoặc xóa sổ quyền tự do ngôn luận, và luật bầu cử.
Các sắc lệnh của TT Biden
Oklahoma và North Dakota hiện đã thực hiện các bước để chặn các sắc lệnh của TT Biden. Hạ viện tiểu bang Oklahoma đã ban hành luật cấp cho tổng chưởng lý tiểu bang và cơ quan lập pháp của tiểu bang này quyền xem xét các sắc lệnh của tổng thống để xác định tính hợp hiến của các sắc lệnh này. Nếu tổng chưởng lý quyết định không thực thi theo một sắc lệnh, cơ quan lập pháp tiểu bang có thể tuyên bố sắc lệnh đó là vi hiến bằng một sự biểu quyết đa số. North Dakota cũng ban hành một luật tương tự.
Như ông Daniel Horowitz, biên tập viên cao cấp của TheBlaze, đã nhận xét, “Dự luật này có lẽ là biện pháp duy nhất trực tiếp và hiệu quả nhất để chống lại sự thâu tóm quyền lực của liên bang.” Các cơ quan lập pháp tiểu bang có thể ngăn chặn lệnh bắt buộc đeo khẩu trang của ông Biden, nghị trình về người chuyển giới trong thể thao học đường, và các sắc lệnh về phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực tài chính và thương mại, cùng nhiều lệnh khác nữa.
Giáo dục
Kể từ năm 1967, chính phủ liên bang đã xâm phạm đến quyền của các tiểu bang về giáo dục. Năm đó, Bộ Giáo dục, với sự hỗ trợ từ cấp cơ sở, đã lén lút áp dụng thiết kế xã hội theo hướng khoa học (scientific social engineering) vào các trường công lập trên toàn quốc. Các giáo viên đã được đào tạo để khiến học sinh suy nghĩ theo một phương thức nhất định về những gì mà chúng đang học, đây chính là tiền thân của hoạt động tuyên truyền. Nối tiếp theo sau đó là các chương trình khác, đỉnh điểm là sáng kiến Common Core của cựu TT Barack Obama mà tại đó các trường học sẽ không thể nhận được những khoản tiền lớn từ các quỹ liên bang trừ khi họ chấp nhận chương trình này.
Hậu quả là, các nghiệp đoàn giáo viên trên toàn quốc đã nắm quyền kiểm soát nền giáo dục. Với việc phong tỏa trường học vì COVID-19, một số tiểu bang sẽ không cho phép phương pháp giáo dục trực tiếp, hiệu quả trong hơn một năm. Các nghiệp đoàn nhấn mạnh vào các quyền của giáo viên—chứ không phải của học sinh—và cách giảng dạy của họ phỉ báng lịch sử Hoa Kỳ và phục vụ cho những học sinh yếu kém nhất bằng sự chắp vá mờ ám về nào là người da trắng thượng đẳng, tâm lý nạn nhân, đa giới tính và sự bình đẳng bị bóp méo. Trong khi đó, chất lượng giáo dục không ngừng đi xuống.
Các tiểu bang cần phải chiến đấu chống lại đội quân nghiệp đoàn hư nát được liên bang hậu thuẫn này. Họ—một lần nữa không phải là các quan chức liên bang—có thẩm quyền và trách nhiệm theo hiến pháp để duy trì và vận hành các hệ thống trường công của chính họ, thiết lập và điều chỉnh chương trình giảng dạy, đồng thời xét duyệt các phương pháp giảng dạy và tài liệu giảng dạy.
Nhập cư
Năm năm trước, Texas báo cáo rằng có 952 tội phạm người ngoại quốc đã bị bắt vì tội giết người và 176,000 tội phạm người nước ngoài bị bỏ tù vì 472,000 tội danh tính từ năm 2011 đến năm 2015. Đó là lỗi của ai? Chính phủ liên bang hay chính phủ tiểu bang? Là chính phủ tiểu bang.
Theo Hiến pháp, chính phủ liên bang có trách nhiệm đối với các vấn đề nhập tịch, và chỉ có vậy thôi. Tổng thống Thomas Jefferson từng tuyên bố rõ ràng rằng các tiểu bang vẫn nắm quyền lực pháp lý và thẩm quyền đối với tất cả các vấn đề khác về nhập cư. Những người tạo ra Tu chính án thứ 14 đã củng cố luận điểm này, tuyên bố rằng các tiểu bang có thể từ chối người ngoại quốc nhập cảnh và từ chối cho họ quyền có được tài sản ở các tiểu bang. Tuy nhiên, chính phủ liên bang đã liên tục xâm phạm quyền của các tiểu bang trong lĩnh vực này vì chính phủ các tiểu bang đã đồng ý.
Tuy nhiên, khi Alabama đã thông qua một luật nhập cư nghiêm ngặt, tòa án vẫn khẳng định là tiểu bang này có quyền kiểm tra tình trạng nhập cư của những người mà họ nghi ngờ có thể là những người nhập cư bất hợp pháp; yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sử dụng hệ thống E-Verify; và yêu cầu tất cả học sinh của các trường xuất trình giấy khai sinh để xác định tư cách pháp lý của cha mẹ chúng.
Nếu các tiểu bang kiềm chế nhập cư trong tiểu bang của họ, nạn nhập cư bất hợp pháp sẽ giảm xuống hoặc đổ về các tiểu bang trú ẩn do Đảng Dân Chủ lãnh đạo.
Đàn áp/xóa sổ tự do ngôn luận
Đảng Dân Chủ tại Quốc hội cho phép các chính sách đàn áp và xóa sổ ngôn luận mang tính phát xít của các công ty Big Tech. Để ngăn chặn các chính sách phát xít này, các tiểu bang phải hành động.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã hành động chống lại các công ty này. Ông đã đưa ra dự luật sẽ “kiềm chế quyền lực và sức ảnh hưởng đang gia tăng của các ông lớn công nghệ” và để người dân Florida “đòi lại quyền riêng tư của họ.” Và ông đã đề xuất mức phạt 100,000USD mỗi ngày [đối với các công ty Big Tech] vì việc loại bỏ các ứng cử viên chính trị ra khỏi các nền tảng. Theo chính sách mới này, công dân của Sunshine State (tên gọi khác của Florida) sẽ có thể buộc tội các công ty này vi phạm quyền riêng tư, và Tổng chưởng lý Florida có thể khởi kiện các công ty công nghệ theo Đạo luật Hoạt động Thương mại Gian lận và Không công bằng.
Trong một diễn biến tương tự, một nhà cung cấp Internet của Idaho cho biết họ sẽ chặn Facebook và Twitter khỏi dịch vụ Wi-Fi của mình cho một số khách hàng do có các khiếu nại về kiểm duyệt.
Các công ty Big Tech trơ tráo khoe khoang về quyền lực của họ để chơi trò thẩm phán và bồi thẩm đoàn vì biết rõ rằng Đầm lầy Washington chống lưng cho họ. Chỉ có các tiểu bang mới có thể đảo ngược việc đàn áp và xóa sổ có phối hợp này.
Gian lận bầu cử
Nếu dự luật H.R. 1 được thông qua, hành vi gian lận bầu cử bị cáo buộc trong cuộc bầu cử năm 2020 sẽ lan tràn khắp mọi cuộc bầu cử trong tương lai. Như ông Michael Dorstewitz đã đặt tiêu đề cho bài báo của mình trên Newsmax về chủ đề này, “Theo dự luật bỏ phiếu mới của Đảng Dân Chủ, tất cả 50 tiểu bang đều trở thành California.” Điều đó có nghĩa là gì? Đảng Cộng Hòa sẽ không bao giờ thắng cuộc trong bầu cử nữa.
Hiến pháp quy định rằng các cơ quan lập pháp tiểu bang có quyền thiết lập luật bầu cử cho tiểu bang của họ, chấm hết. Chứ không phải tòa án, thống đốc, hay thư ký tiểu bang. Là Cơ quan lập pháp tiểu bang. Đừng trông chờ vào Quốc hội hoặc Tối cao Pháp viện để giải quyết mọi việc. Các tiểu bang phải tự ban hành luật bảo đảm tính chính xác của máy bỏ phiếu, bãi bỏ việc bỏ phiếu qua thư với quy mô lớn, đặc biệt là không có việc xác minh chữ ký, và nhấn mạnh vào việc bỏ phiếu trực tiếp.
H.R. 1 phải bị chặn đứng và chỉ các cơ quan lập pháp tiểu bang mới có thể làm được điều đó.
Năm phạm vi nói trên đều nằm trong phạm vi hoạt động của các tiểu bang. Chính phủ xã hội chủ nghĩa mới của Đảng Dân Chủ muốn chiếm đoạt lấy những thẩm quyền này vì họ chẳng màng đến Hiến pháp và biết rằng họ không thể thực hiện được những thay đổi này nếu họ tuân thủ theo văn kiện thiêng liêng đó.
Câu hỏi đặt ra là: liệu các tiểu bang sẽ làm điều đúng đắn và lấy lại quyền lực hiến định của mình hay tiếp tục từ bỏ nó cho chính phủ liên bang?
Ông Robert A. Taft từng là phó trợ lý thư ký phụ trách các hoạt động quốc tế của Bộ Thương mại dưới thời chính phủ cựu TT Clinton và sau đó là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của 8 Trung tâm Thương mại Thế giới ở Florida. Ông đã giảng dạy kinh doanh quốc tế tại Đại học Georgetown và Đại học Central Florida, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Phát triển doanh nghiệp của bạn trên toàn cầu” (Growing Your Business Globally).
Các quan điểm được trình bày trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Robert A. Taft thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: