Chế độ Trung Cộng quản thúc 13 gã khổng lồ công nghệ
Hôm 29/04, chính quyền Trung Cộng đã triệu tập 13 nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng internet đến một cuộc họp tại Bắc Kinh với các cơ quan quản lý, đây là cuộc họp mới đây nhất trong loạt các cuộc họp nhằm thắt chặt kiểm soát đối với các gã khổng lồ internet trong nước.
Nhà điều hành WeChat là Tencent Holdings Ltd. và gã khổng lồ cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu Meituan nằm trong số những công ty công nghệ cung cấp các dịch vụ tài chính như các khoản vay cá nhân và các chính sách bảo hiểm trên các ứng dụng di động của họ.
Đầu tháng này, Ant Group, công ty tài chính con của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã xác nhận rằng họ sẽ chuyển đổi thành một công ty tài chính dưới sự giám sát của ngân hàng trung ương Trung Quốc sau khi những đại diện của công ty này bị triệu tập tham gia một cuộc họp với các cơ quan quản lý của Trung Cộng.
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, dù trường hợp của Ant’s Group đã mang lại một số tác động cảnh báo, nhưng các nền tảng tài chính khác vẫn giữ trạng thái chờ đợi và quan sát tình hình.
Theo một tuyên bố từ bốn cơ quan quản lý, gồm có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, thì các công ty được yêu cầu chủ động tái cấu trúc các công ty tài chính con của mình với vai trò là các công ty mẹ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và phải xin giấy phép trước khi tung ra các dịch vụ tài chính.
Trong khi đó, Reuters hôm 29/04 phân tích rằng Tencent, với hình phạt ít nhất 1.5 tỷ USD, có thể bị đưa ra làm gương cho các hoạt động độc quyền và không báo cáo đầy đủ về các vụ mua lại và đầu tư của công ty này để đánh giá về chống độc quyền.
Một cơ quan khác là cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR), với tuyên bố nhằm chống cạnh tranh đã đưa ra mức phạt kỷ lục 2.8 tỷ USD đối với Ant Group của tập đoàn Alibaba hôm 10/04.
Hôm thứ Sáu (30/04), cổ phiếu của Meituan đã giảm 3.6% và Tencent giảm 1.8% tại Hồng Kông.
Cuộc họp trên báo hiệu rằng các nhà chức trách có một kế hoạch mang tính hệ thống để kiềm chế các công ty tư nhân lớn, theo ông Lã Chấn Ninh (Lu Zhenning), một học giả về xã hội học tại Đại học Chiết Giang, nói với Đài Á Châu Tự do.
“Rất có thể ở bước tiếp theo, [chế độ này] sẽ chuyển đổi chúng thành công ty quốc doanh. Nhà nước sẽ mua cổ phần và thậm chí trở thành người nắm giữ quyền kiểm soát,” ông Lã cảnh báo.
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) đã triệu tập ba mươi tư tập đoàn lớn về internet đến một cuộc họp tại Bắc Kinh hôm 13/04 và cho thời hạn một tháng để các công ty này chấn chỉnh các hoạt động độc quyền của mình.
Do Dorothy Li thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: