Các chế độ cộng sản nhồi sọ người dân qua bích chương tuyên truyền như thế nào?
Với hàng trăm triệu tranh ảnh được đăng tải trên mạng internet hoặc phát hành trên các phương tiện truyền thông toàn thế giới, quý vị đã bao giờ cân nhắc liệu những gì quý vị đang xem là thứ gì đó chân thực hay chỉ là một dạng thức tuyên truyền khác?
Trong thời đại tin tức giả này, trong nhiều trường hợp, những hình ảnh được thiết kế một cách cẩn thận để tạo ra một giả tướng và lừa mị mọi người. Dưới đây là một số bích chương và hình ảnh đã được các chế độ độc tài toàn trị của Bắc Hàn và Trung Quốc sử dụng rộng rãi như những công cụ tuyên truyền để nhồi sọ công dân của họ.
Bích chương có nội dung chống Mỹ
Những người ở bên ngoài “vương quốc ẩn sĩ” Bắc Hàn thường không biết nhiều về những gì đang xảy ra bên trong quốc gia cô lập này, ngoại trừ nếu ai đó có thể tiếp cận nguồn tin trực tiếp từ những người đào tẩu Bắc Hàn.
Trong nhiều thập niên, Bắc Hàn đã tẩy não công dân của mình bằng cách treo các biểu ngữ và bích chương tuyên truyền trên khắp đất nước, trong đó thường chứa những thông điệp chống Mỹ. Những thông điệp này không chỉ được nhìn thấy trên các đường phố, mà chế độ cộng sản này còn đặt các tấm bích chương trong trường học, cũng như trên tem bưu chính của quốc gia.
Tuy nhiên, New York Post đưa tin rằng luận điệu chống Mỹ này rẽ sang một “chiều hướng kiểu Orwell” (mang hơi hướng của chủ nghĩa toàn trị) vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un [diễn ra] hồi tháng 06/2018. Những tấm bích chương mô tả Hoa Kỳ là một thế lực xấu này đột nhiên biến mất.
Ông Rowan Beard, quản lý tour của công ty Young Pioneer Tours, nói với Reuters, “Tất cả các tấm bích chương chống Mỹ mà tôi thường thấy xung quanh Quảng trường Kim Nhật Thành và tại các cửa hàng, đều đã biến mất. Trong 5 năm làm việc ở Bắc Hàn, tôi chưa bao giờ thấy chúng hoàn toàn biến mất như vậy bao giờ.”
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn NK News, một số bích chương chống Mỹ tinh vi hơn đã xuất hiện hồi tháng 01/2019 và tuyên truyền của thông tấn nhà nước này còn được “mã hóa”, cả trong năm 2020 [cũng có xuất hiện].
Cuộc kháng nghị ôn hòa làm nên lịch sử của học viên môn Pháp Luân Công: Thỉnh nguyện không phải là ‘bao vây’
Kể từ khi lên cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, hay Trung Cộng) đã tích cực đàn áp những người bất đồng chính kiến, dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo. Lấy ví dụ, năm 1999, một cuộc biểu tình ôn hòa bị Trung Cộng gán cho là một “cuộc bao vây”.
Hôm 25/04/1999, khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công đã đến Văn phòng Kháng nghị Trung ương của Trung Quốc trên đường Phủ Hữu ở Bắc Kinh. Một số là cư dân địa phương, trong khi những người khác từ khắp mọi vùng miền của quốc gia đã đến thủ đô sau khi nghe tin chính quyền Thiên Tân đã bắt giữ hơn 40 học viên vào hai ngày trước đó, tức hôm 23/04/1999.
Vài ngày trước khi xảy ra việc bắt giữ, một tạp chí ở Thiên Tân đã đăng một bài báo bôi nhọ môn Pháp Luân Công. Để yêu cầu đính chính bản tin sai lệch này, một số học viên đã viết thư cho tờ tạp chí và một số khác đã đến Thiên Tân cố gắng cải chính vấn đề này, nhưng chính quyền thành phố đã gọi cảnh sát chống bạo động đến và bắt giữ 45 người. Sau đó, các quan chức tại thành phố Thiên Tân yêu cầu họ đến Văn phòng Kháng nghị Quốc vụ viện ở Bắc Kinh.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa theo trường phái Phật gia được hồng truyền tại Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này bao gồm các bài giảng đạo đức và năm bài công pháp tĩnh tại. Hồi cuối những năm 1990, có khoảng 70–100 triệu người Trung Quốc tu luyện Pháp Luân Công, con số này nhiều hơn số đảng viên của ĐCSTQ.
Sáng sớm ngày 25/04/1999, khi các học viên Pháp Luân Công đến đường Phủ Hữu, họ thấy cảnh sát đã có mặt ở đó và cảnh sát hướng dẫn họ đến con phố nằm ở phía đối diện Trung Nam Hải, trụ sở của chính quyền trung ương và ĐCSTQ. Do số người đến quá đông, nên họ phải di chuyển tản ra [những tuyến đường] bao quanh Trung Nam Hải, vốn đã bị ĐCSTQ cáo buộc là hành động “bao vây” chính quyền trung ương.
Tuy nhiên, theo những bức ảnh do đài ABC chụp, các học viên đứng trật tự theo hàng lối, một số người ngồi hoặc đọc kinh sách, trong khi những người khác tập các bài công pháp của môn Pháp Luân Công. Đường phố vẫn đủ chỗ cho người đi bộ đi qua và giao thông không bị ảnh hưởng.
“Toàn bộ tập phim dài 16 giờ đồng hồ không có đoạn ghi âm, cảnh quay, hay lời kể hợp tình hợp lý nào cho thấy các học viên Pháp Luân Công đã làm bất cứ điều gì dù chỉ là một sự khiêu khích nhỏ. Không xả rác, không hút thuốc, không hô hào, cũng không nói chuyện với phóng viên,” ký giả điều tra Ethan Gutmann viết trong bài báo “Một sự kiện xảy ra trên đường Phủ Hữu”.
Sau đó, đám đông này đã lặng lẽ giải tán sau khi thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ đồng ý gặp các đại diện của Pháp Luân Công và đáp ứng yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ sai trái. Mặc dù vấn đề này đã được giải quyết vào ngày hôm đó, nhưng ba tháng sau, vào hôm 20/07/1999, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch đàn áp tàn bạo, vốn chứng kiến vô số học viên Pháp Luân Công bị bắt, bị giam giữ và bị tra tấn. Khoảng 4,641 học viên được xác nhận đã tử vong trong cuộc đàn áp vẫn còn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Bích chương về chính sách một con của Trung Quốc
Chính sách một con đầy tai tiếng hiện đã được dỡ bỏ của Trung Quốc được đưa ra vào năm 1979 để kiểm soát dân số ngày càng tăng lên nhanh chóng của quốc gia. Các bích chương, bích họa, và bảng yết thị tuyên truyền đã được bố trí trải khắp đất nước với nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân [là] chỉ dừng lại ở một con, cung cấp cho họ những lợi ích ảo tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đang chờ đợi họ và được chính quyền cấp dưỡng khi về già.
Tuy nhiên, chính sách này đã khiến hàng triệu thai nhi bị phá bỏ và dẫn đến sự chênh lệch giới tính rất lớn do tâm lý muốn sinh con trai nối dõi. Chính sách này còn khiến nhiều gia đình bị phạt nặng, buộc phải phá thai và triệt sản, cũng như gây ra vấn nạn buôn bán phi pháp phụ nữ Miến Điện để cưỡng bức kết hôn và sinh con.
Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách này hồi năm 2016 và đổi thành “chính sách hai con”. Bất chấp việc chính sách này đã được cải tổ, nhưng quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh không ngừng sụt giảm.
Cắt tóc theo lối sống xã hội chủ nghĩa
Từ năm 2004 đến năm 2005, truyền hình nhà nước Bắc Hàn đã phát sóng một chương trình tuyên truyền có nhan đề “Hãy cắt tóc theo lối sống xã hội chủ nghĩa”. Chương trình này cho người dân biết kiểu tóc nào được chấp nhận ở quốc gia này.
Theo chương trình này, “Nên để tóc có độ dài từ 1cm đến 5cm và nên cắt tỉa 15 ngày một lần”, The Guardian đưa tin.
Series truyền hình năm phần này đã khẳng định rõ những tác động tiêu cực của việc để tóc dài, như “làm tiêu hao rất nhiều dưỡng chất”, và rằng việc này thực sự có thể khiến năng lượng đưa lên não bộ bị suy giảm, theo đài truyền hình BBC.
Chương trình phát thanh nhà nước này còn cho người dân địa phương biết lý do đằng sau việc ăn mặc chỉnh tề. Đài truyền hình này đề cập rằng, “điều quan trọng là đẩy lùi các âm mưu của kẻ thù nhằm du nhập những tư tưởng và lối sống tư bản hủ hóa, đồng thời dựng xây lối sống xã hội chủ nghĩa thời kỳ tiên quân (hay quân đội trước nhất).”
Jocelyn Neo là một nhà văn chuyên về chủ đề liên quan đến Trung Quốc và những câu chuyện trong cuộc sống truyền cảm hứng về hy vọng và tình người.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: