Châu Âu rút lui khỏi các cam kết Net-Zero trong khi chính phủ TT Biden đang hăng hái tiến lên
Khi chi phí cao hơn của việc phát thải ròng bằng 0 (net zero) trở nên rõ ràng, thì mọi người có thể nhận ra rằng những mục tiêu này là không thể đạt được, bất kể họ có hy sinh bao nhiêu.
Trong khi chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang thúc đẩy kế hoạch “toàn bộ chính phủ” nhằm chuyển đổi nền kinh tế Mỹ [theo hướng xa rời] khỏi dầu, khí đốt, và than đá, thì các chính phủ Âu Châu, những quốc gia ở xa hơn trên con đường này, lại đang bắt đầu lùi bước.
Chẳng hạn như, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm 25/09, đã từ chối áp dụng sắc lệnh cấm nồi hơi gas, tuyên bố rằng trong khi ông sẽ tiếp tục thúc đẩy Pháp hướng tới các mục tiêu net zero, nhưng “chúng tôi không thể bỏ rơi đồng bào của mình, đặc biệt là ở những vùng thôn dã nhất mà không có một giải pháp nào.”
Tuyên bố của ông Macron đã được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông sẽ trì hoãn lệnh cấm đối với xe hơi động cơ đốt trong và nồi hơi gas, đồng thời tuyên bố rằng những mục tiêu về khí hậu phát thải ròng bằng 0 này đã gây ra “chi phí không thể chấp nhận được” đối với các gia đình ở Anh quốc.
Vào tháng 07/2022, Đức đã khởi động lại các nhà máy điện than vốn đã ngừng hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch Energiewende (chuyển đổi năng lượng) kéo dài hàng thập niên của quốc gia này, sau lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên của Nga. Tuần này, chính phủ Đức đã đình chỉ các quy định mới về hiệu suất trong xây dựng liên quan đến khí hậu vốn sẽ có hiệu lực vào năm 2025, khi người dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở.
Bộ trưởng Liên bang Đức về Các vấn đề Kinh tế và Hành động vì Khí hậu Robert Habeck cho biết các luật hiện hành đã yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà rồi; còn về việc thắt chặt thêm, thì theo ông, “có thể đợi.”
Ông Constantin Zerger, người đứng đầu bộ phận bảo vệ năng lượng và khí hậu thuộc Tổ chức Hành động Môi trường Đức, gọi hành động này là “đòn chí mạng đối với hoạt động bảo vệ khí hậu trong lĩnh vực xây dựng.”
Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế năng lượng, những hành động này là dấu hiệu cho thấy phong trào khí hậu có thể ngày càng bị buộc phải chấp nhận những giới hạn về kinh tế và chính trị.
Ông Peter Hartley, nhà kinh tế năng lượng và giáo sư tại Đại học Rich, nói với The Epoch Times: “Thực tế có cách tự bộc lộ mình.”
Các mô hình khí hậu bỏ qua nhiều chi phí, lợi ích
Ông nói: Thực tế đầu tiên là các chính sách của chính phủ thường dựa trên các mô hình khí hậu đã xem nhẹ đáng kể chi phí của quá trình chuyển đổi net zero, đồng thời bỏ qua lợi ích của việc phát thải CO2.
Ví dụ, chỉ nhìn vào điện: quá trình chuyển đổi đòi hỏi không chỉ việc xây dựng các nhà máy phong năng và quang năng mới để thay thế các nhà máy than và khí đốt chức năng đang ngừng hoạt động mà còn cần cả hàng dặm đường dây truyền tải mới để kết nối các địa điểm thường ở xa hoặc ngoài khơi vào lưới điện, cũng như các nguồn năng lượng dự phòng, điển hình là từ khí đốt hoặc than, và công nghệ lưu trữ năng lượng, để tạo ra điện khi thời tiết không thuận lợi. Để chuyển đổi sang xe điện (EV), thì cần phải xây dựng mạng lưới các trạm sạc rộng khắp, cũng như xây dựng công suất thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu bổ sung từ hệ thống giao thông vận tải.
Thông thường, tất cả chi phí vốn mới này được chuyển cho người dùng cuối dưới dạng hóa đơn tiền điện cao hơn, điều mà người nghèo và tầng lớp trung lưu cảm thấy nặng nề nhất, nhưng cũng ngày càng gây thiệt hại cho các công ty. Ở nhiều nước Âu Châu, chẳng hạn như Pháp và Vương quốc Anh, tiền điện cao đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rộng rãi khi thực phẩm và đồ dùng thiết yếu trở nên vượt quá khả năng chi trả.
Đức, từng là cường quốc công nghiệp của Âu Châu, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán vào tháng Bảy là quốc gia có thành tích kém nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với mức tăng trưởng GDP âm vào năm 2023, một phần do chi phí cao hơn cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng như kim loại, hóa chất, xe hơi, và phân bón.
Ngoài ra, các mô hình khí hậu thường bỏ qua lợi ích của nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải CO2. Vì thực vật tiêu thụ CO2, nên lượng CO2 cao hơn đồng nghĩa với mức độ tăng trưởng của thực vật cao hơn, giúp cho việc canh tác hiệu quả hơn. Ngoài ra còn có vấn đề là phân bón tổng hợp, có nguồn gốc từ khí tự nhiên, là rất cần thiết cho mức năng suất cây trồng hiện nay.
Một báo cáo có tiêu đề “Thách thức net zero với Khoa học,” của ông William Happer, giáo sư danh dự về vật lý tại Đại học Princeton và ông Richard Lindzen, giáo sư danh dự về khoa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, “Việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thực hiện các chính sách và hành động phát thải ròng bằng 0 đồng nghĩa với việc loại bỏ phân bón nitơ và thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến khoảng một nửa dân số thế giới không có đủ lương thực để ăn.”
Nghiên cứu cũng cho thấy thực vật hấp thụ phần lớn lượng CO2 thải ra trước khi lượng khí này đi vào bầu khí quyển Trái Đất. Một báo cáo tháng 02/2022 của các nhà khoa học tại Đại học Boston cho thấy “khoảng 30% lượng khí thải carbon từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch được rừng hấp thụ, một hiệu ứng được gọi là bể chứa carbon trên mặt đất.”
Các nước đang phát triển bỏ qua kế hoạch Net-Zero
Khi chi phí tốn kém cho việc phát thải ròng bằng 0 trở nên rõ ràng, thì mọi người cũng có thể nhận ra rằng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Liên Hiệp Quốc có thể sẽ không đạt được, cho dù họ có hy sinh bao nhiêu đi nữa.
“Có cơ hội nào để quý vị đạt được các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc không?” ông Hartley đặt câu hỏi. “Câu trả lời là không, không có chút cơ hội nào.”
“Trong vài thập niên tới, nhu cầu năng lượng ở các nước đang phát triển sẽ tăng lên rất nhiều,” ông nói. “Và về cơ bản, những gì xảy ra ở các nước OECD là phí hoài công sức; và sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.”
Xu hướng ở các nước có dân số cao như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như khắp Á Châu và Phi Châu, là hướng tới công nghiệp hóa và đô thị hóa, tất cả xu hướng này đều đang thúc đẩy nhu cầu năng lượng, đặc biệt là dầu, khí đốt, và than đá.
“Trong mọi nền kinh tế, khi trải qua giai đoạn cất cánh của quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên rất nhiều,” ông Hartley nói. “Tất cả những người [ở các quốc gia đang phát triển] này đều muốn có một lối sống hiện đại.”
Để đạt được mục tiêu đó, các nước đang phát triển đang phụ thuộc rất nhiều vào những nguồn năng lượng rẻ nhất, đáng tin cậy nhất— chủ yếu là dầu, khí đốt, và than đá.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, “Việc cấp phép cho nhà máy điện than, khởi công xây dựng, và công bố dự án mới đã tăng tốc nhanh chóng ở Trung Quốc trong năm 2022, với số giấy phép mới đạt mức cao nhất kể từ năm 2015. Công suất khởi động nhà máy điện than xây dựng ở Trung Quốc lớn gấp sáu lần so với toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại.”
Theo ước tính, Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay. Hồi tháng Sáu, quốc gia này cũng tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than mới để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh. Những quốc gia này và những quốc gia khác ở Á Châu và Phi Châu dường như không muốn đồng hành cùng phong trào net zero theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa.
“Người dân ở thế giới phương Tây, điều gì cho phép họ nói rằng họ muốn duy trì lối sống của mình, nhưng hàng tỷ người đang sống trong cảnh nghèo đói ở những nơi khác, họ sẽ tiếp tục sống trong nghèo đói,” ông Hartley nói. “Net zero sẽ không xảy ra.”
‘Sự thổi phồng về khí hậu’
Bản thân câu chuyện về sự nóng lên toàn cầu dường như đang mất dần động lực. Khi Tổng thống Macron đang chỉ trích “chủ nghĩa báo động về khí hậu,” thì người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, một người thẳng thắn ủng hộ các sáng kiến net zero, đã tuyên bố rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là cuộc khủng hoảng hiện hữu như những người ủng hộ đang mô tả.
“Có rất nhiều sự thổi phồng về khí hậu,” ông Gates nói tại một hội nghị thượng đỉnh ở thành phố New York hôm 19/09. “Khí hậu không phải là ngày tận thế của hành tinh, vì vậy hành tinh này sẽ ổn thôi.”
Trong khi đó, các đề nghị về net zero vẫn tiếp tục xuất hiện. Một sáng kiến gần đây của Pháp là tìm cách thiết lập giá chuyến bay tối thiểu trên khắp Liên minh Âu Châu để cắt giảm lượng phát thải hàng không bằng cách chấm dứt du lịch hàng không giá rẻ.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp Clement Beaune cho biết ông muốn “mở ra cuộc tranh biện về mức giá công bằng về mặt xã hội và môi trường của một vé máy bay,” mặc dù điều này có thể khiến những người ít tiền hơn không thể chi trả cho việc đi lại.
Các biện pháp mà chính phủ TT Biden thực hiện bao gồm Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) yêu cầu các báo cáo đã được kiểm toán về lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của tất cả các công ty niêm yết, cũng như các nhà cung cấp và khách hàng của họ, cũng như các quy định nặng tay mới của Cục Quản lý Bảo vệ Môi trường (EPA) để hạn chế phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện và xe cơ giới. Giới hạn phát thải khí thải mới do EPA đặt ra sẽ buộc các nhà sản xuất xe hơi phải chuyển 2/3 sản lượng của họ từ xe động cơ đốt trong sang xe điện vào năm 2032.
Sự thông đồng về khí hậu
Hôm 19/09, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố “Các nguyên tắc đầu tư và tài trợ net zero,” nhằm khuyến khích các ngân hàng, công ty bảo hiểm, và nhà quản lý tài sản liên minh ủng hộ các mục tiêu về khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Những nguyên tắc này, mà Bộ Ngân khố cho là “tự nguyện,” nhấn mạnh rằng những thứ như các khoản vay và dịch vụ tài chính cho các khách hàng phải được thiết kế để trợ giúp quá trình chuyển đổi sang net zero.
Theo một số tổng chưởng lý tiểu bang, ngoài các vấn đề kinh tế xung quanh net zero, cũng có thể có những lo ngại về mặt pháp lý đối với nỗ lực chính trị phối hợp này.
Tổng chưởng lý tiểu bang Utah Sean Reyes tuyên bố, “Chỉ đơn thuần dán nhãn cho một thứ gì đó là tự nguyện không có nghĩa là thứ đó sẽ trở thành như vậy.”
“Chính phủ không thể bỏ qua các quy trình lập pháp và quản lý mà vẫn bảo vệ các tập đoàn net zero khỏi sự giám sát chống độc quyền,” ông Reyes nói. “Áp lực cưỡng chế của ESG [môi trường, xã hội, quản trị] và các quy định net zero trên toàn lĩnh vực tài chính là một hạn chế đối với thương mại và thao túng thị trường được khuếch đại bởi tổ hợp chính phủ này.”
Tổng Chưởng lý tiểu bang Tennessee Jonathan Skrmetti nói với The Epoch Times: “Hướng dẫn hà khắc về net zero của chính phủ đang kết hợp sự lạm quyền của các cơ quan với sự thông đồng giữa các đại công ty tài chính xuyên quốc gia, và dường như nhằm mục đích bảo vệ chính sách năng lượng của chúng ta khỏi phải chịu bất kỳ mức độ trách nhiệm nào trước người dân hoặc các đại diện dân cử của chúng ta”.
“Người Mỹ đã nhận thức được âm mưu lừa gạt của ESG, vì vậy chính phủ TT Biden phải cố gắng hết sức để vực dậy nó,” Tổng chưởng lý tiểu bang Alabama Steve Marshall cho biết trong một tuyên bố được đưa ra cho The Epoch Times. “Điều này chưa bao giờ liên quan đến khí hậu hay người tiêu dùng, mà là về chủ nghĩa thân hữu.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times