Chân dung người phụ nữ Mãn Châu
Theo truyền thống Trung Quốc, Nhà Thanh là một triều đại do người Mãn Châu thành lập (1644–1911), họ vẫn gìn giữ những nét văn hóa độc đáo, chẳng hạn như về trang phục. Chiếc áo choàng dài một mảnh của người Mãn Châu khác biệt so với những chiếc áo cánh và váy truyền thống phức tạp của Trung Quốc. Qua đó thấy được nền văn hóa bán du mục và truyền thống quân sự mạnh mẽ của nhà Mãn Thanh. Theo thời gian, trang phục của người Mãn Châu đã ảnh hưởng đến phong cách ăn vận của người Trung Quốc.
Trang phục thường ngày của người Mãn Châu là áo choàng biểu ngữ. Dưới đây, chúng tôi tập trung vào cách phục sức của phụ nữ Mãn Châu – quần áo, giày dép và kiểu tóc.
Áo choàng biểu ngữ, ‘Qipao’
Áo choàng biểu ngữ Mãn Châu, ngày nay thường được gọi là “qipao” (hay là sườn xám), có dáng áo không bó sát như sườn xám ngày nay. Sườn xám là phiên bản hiện đại hóa của áo choàng truyền thống vào những năm 1920 để phù hợp với thời trang thịnh hành của Trung Quốc. Từ qipao có nghĩa là áo choàng biểu ngữ hoặc áo choàng của những người có tước hiệu, ám chỉ người Mãn Châu, các hộ gia đình hoặc các bộ phận hành chính được nhà Thanh đặt thành Tám biểu ngữ.
Qipao truyền thống được thiết kế rộng rãi và buông thõng xuống theo cơ thể, trùm tất cả trừ đầu, tay và đầu các ngón chân. Phiên bản qipao của nam giới có bốn đường xẻ để dễ di chuyển khi cưỡi ngựa, còn qipao của phụ nữ thường có hai đường xẻ, mỗi bên một đường xẻ.
Phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu mặc áo choàng dài bằng lụa, sa tanh, hoặc vải gạc, trong khi phụ nữ thuộc tầng lớp dưới mặc áo choàng bằng vải cotton hoặc lông thô. Vào mùa đông, lớp lót bằng lông thú hoặc bông giúp cách nhiệt cơ thể khỏi sự lạnh cóng ở phía bắc Trung Quốc. Cũng có thể phối với áo khoác dài hoặc áo vest không tay bên ngoài áo choàng biểu ngữ.
Hoa văn thêu trên áo choàng dài là một phần quan trọng của trang phục Mãn Châu, với các đường viền trang trí làm nổi bật cổ áo, đường viền gấu và đường xẻ. Các mẫu thêu phổ biến bao gồm động vật, hoa và mây; các hoa văn tròn và các biểu tượng cát tường của Trung Quốc cũng được sử dụng. Các hình mẫu đám mây và bướm thường được dùng để trang trí đường viền. Đối với phụ nữ cung đình, đường viền cổ áo thường được trang trí bằng ngọc trai, đá quý và đồ trang sức bằng ngọc bích.
Các họa tiết thêu cho thấy ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Quốc. Nhà Thanh có quy định nghiêm ngặt về y phục trong triều đình, màu sắc và hoa văn trên long bào chỉ rõ cấp bậc. Y phục đế vương thiên về màu vàng và xanh da trời, còn biểu tượng trên long bào là con rồng – tượng trưng cho quyền lực tối cao do trời định.
Triều đình nhà Thanh đã thiết lập quyền lực của mình dựa trên truyền thống này của Trung Quốc. Các họa tiết khác của Trung Quốc cũng xuất hiện trên những chiếc áo choàng biểu ngữ của người Mãn Châu, chẳng hạn như con hạc, tượng trưng cho sự trường thọ; các mô típ từ văn hóa Đạo giáo; hay hoa mai – biểu tượng cho sức mạnh nội tâm.
Vào thời kỳ đầu nhà Thanh, áo choàng biểu ngữ thiết kế tay áo hẹp, có nếp gấp bên phải và cổ áo tròn, với phần dưới rộng hơn phần trên. Về sau, phần đáy hẹp hơn, khiến chiếc áo choàng dáng thẳng hơn; cổ áo hẹp xuất hiện, và tay áo rộng hơn.
Dưới thời trị vì của Khang Hy (1661–1722), phụ nữ Mãn Châu ưa chuộng áo choàng màu nâu với cổ áo đen thêu màu vàng kim và áo khoác ngoài có viền đen thêu màu xanh lá cây. Phong cách thịnh hành trong các thời kỳ sau đó bao gồm áo choàng màu vàng điểm màu hồng và áo choàng màu xanh da trời với trang trí màu đen.
Áo choàng biểu ngữ của phụ nữ Mãn Châu đã được hiện đại hóa vào những năm 1920 thành những chiếc áo có hình dáng phù hợp với ngày nay, hiện được coi là trang phục truyền thống của Trung Quốc mặc dù nó có nguồn gốc từ người Mãn. Ảnh hưởng lâu dài của trang phục Mãn Châu nói lên sức sống của qipao và tính linh hoạt của văn hóa Trung Quốc.
Giày đế hoa bồn
Phụ nữ Mãn Châu có địa vị đi giày đế có thêu nhiều màu sắc. Đế gỗ có hình dạng giống như một chậu hoa và dấu giày của nó trông giống như móng ngựa, vì vậy chiếc giày này còn được gọi là “đế hoa bồn” hoặc “giày móng ngựa”. Cái tên trước có lẽ phù hợp hơn vì phần đế dùng làm giá đỡ cho phần trên được thêu hoa của đôi giày.
Đế giày thường cao từ 2 đến 6 inch (5 – 15cm), được bọc bằng vải trắng, và gắn ở vòm giày. Phần trên giày được làm bằng lụa và thêu hoa, đôi khi là chim và trái cây. Phụ nữ Mãn Châu không bó chân như một số phụ nữ Trung Quốc vào thời nhà Thanh, vì vậy giày của họ có kích cỡ bình thường.
Đế hoa bồn giúp nâng chân người phụ nữ lên trên viền áo choàng một cách dễ dàng, khiến phụ nữ Mãn Châu bước đi đầy kiêu hãnh và trang nghiêm. Để đi giày vững vàng, phụ nữ Mãn Châu phải giữ tư thế thẳng và vung tay rộng hơn. Điều này đã mang lại cho họ thêm vẻ nữ tính và quý tộc.
Có những câu chuyện khác nhau kể về nguồn gốc của giày đế hoa bồn. Chuyện kể về một truyền thống rằng phụ nữ Mãn Châu hái trái cây và rau quả trên núi, và họ buộc một miếng gỗ ở dưới giày để tránh bị rắn cắn. Truyền thống này sau đó đã biến thành kiểu giày đế hoa bồn tinh tế đầy tính nghệ thuật.
Kiểu chải tóc
Phụ nữ Mãn Châu bới tóc theo kiểu khá trang nghiêm, có gắn một khung tóc trên đỉnh đầu. Thay vì vấn tóc thành búi tròn như người Trung Quốc, phụ nữ Mãn Châu quấn tóc kiểu lưỡng bả đầu (bian fang – kiểu tóc hai búi ngang), dùng một cây trâm hình chữ nhật bằng gỗ, kim loại, hay ngà voi làm khung, sau đó lấy phần tóc quấn qua trâm theo chiều từ trước ra sau, từ phải sang trái, và cột phần đuôi tóc thừa sau gáy.
Đội điền tử vào, trông đầu sẽ cao hơn đáng kể, với những bông hoa trang trí được đính ở phía trước. Các tua lụa treo ở hai bên, phù hợp với các mẫu giày hoa. Đây được gọi là kiểu tóc băng đô hoặc kiểu “liang ba tou (lưỡng bả đầu)” vì tóc được chia ở giữa đỉnh đầu và quấn sang hai bên của thanh trâm dài.
Dưới thời nhà Thanh, điền tử cao hơn và có hình quạt, đặt trên đầu giống như một chiếc vương miện phẳng. Thay vì được quấn bằng tóc, khung được bọc bằng lụa hoặc nhung, và đồ trang trí cũng xa hoa hơn.
Đối với nữ nhân chốn cung đình, điền tử được trang trí bằng hoa, bằng ngọc bích, ngọc trai, san hô và đá quý. Phụ nữ thường thích khảm kim loại và hoa tươi. Các lựa chọn hoa bao gồm hoa mẫu đơn, hoa cúc và hoa mai.
Gắn trang sức là bước hoàn thiện cuối cùng của kiểu tóc này. Đuôi én được buộc chặt vào phần tóc phía sau. Đồ trang sức được gắn lên phía trước điền tử, làm nổi bật vẻ đẹp xa hoa. Trang sức bằng ngọc và đá quý, thường được thiết kế cầu kỳ, được giới quý tộc cung đình ưa thích, trong khi dân thường chỉ sử dụng những chiếc kẹp tóc bằng bạc và xương. Các họa tiết cát tường, chẳng hạn như những họa tiết tượng trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng và trường thọ quyết định các kiểu dáng của trang sức.
Gắn trang sức cuối cùng lên tóc, phụ nữ Mãn Châu đã phục sức xong: một chiếc áo choàng dài thêu hoa, một đôi đế hoa bồn và một kiểu tóc ấn tượng. Nữ nhân có dáng đứng tự tin và xinh đẹp, vung tay bước đi với những chiếc tua cài trên điền tử đung đưa trong không gian cùng với tiếng đế hoa bồn vang lên nhịp nhàng — một hình ảnh của vẻ đẹp tao nhã và duyên dáng.
Hong Jiang
Thanh Vân biên dịch
Xem thêm: