Chăm lo cho dân trong dịch bệnh mà không bị nhiễm bệnh
Khi đại dịch xảy ra, thường người ta sợ hãi khi phải tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Nhưng sự thật là có những người không ngần ngại chăm sóc người bệnh lại không hề bị nhiễm. Vì sao lại như vậy?
Câu chuyện của Tân Công Nghĩa
Khi Tân Công Nghĩa nhậm chức cai quản ở Mân Châu, ông đã rất đau lòng trước một phong tục tàn ác ở địa phương. Những người dân nơi này sợ bệnh tật đến nỗi trong thời gian bùng phát bệnh dịch, các thành viên trong gia đình không ngần ngại bỏ rơi những người thân của họ để cứu lấy mạng sống của mình.
Đó là thời nhà Tùy (581-618) ở Trung Quốc cổ đại, thời đó đạo hiếu đã được thiết lập là nền tảng đạo đức trung tâm của xã hội truyền thống Trung Quốc.
Tân Công Nghĩa đã cố gắng hết sức để cải thiện tình hình, ông tự thân chăm sóc người bệnh ở tuyến đầu để làm gương. Ông không những không hề hấn gì, mà lòng nhân ái và sự hào phóng của ông trong suốt thời gian dịch bệnh đã thực sự khiến người dân cảm động khiến họ tự thay đổi lối sống của mình.
Một lương y sau đó đã lấy Tân làm gương cho những vị quan chức khác ở khắp nơi noi theo.
Vị quan tài giỏi, thương dân
Thủa nhỏ, Tân Công Nghĩa là một cậu học trò chăm chỉ, mẹ ông là một phụ nữ góa chồng, ông đã học lịch sử và sách thánh hiền từ chính mẫu thân của mình.
Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý, cả ông nội và cha ông đã từng giữ các chức vụ đáng kính ở địa phương. Bản thân Tân Công Nghĩa cũng được nhiều người kính phục bởi sự hiểu biết và quan điểm của ông. Những buổi thảo luận của ông cùng với các học giả là các nhà Nho ở trường học đặc biệt được ông quý trọng.
Tân Công Nghĩa rất chính trực, ngay thẳng và có tinh thần trách nhiệm. Ông từng là một vị quan tài năng trong triều đại Tuỳ và giữ các chức vụ cao cấp trước khi nhậm chức ở Mân Châu.
Mân Châu nằm ở tỉnh Cam Túc ở tây bắc Trung Quốc ngày nay. Phong tục từ bỏ những người thân mắc bệnh bắt đầu từ thời kỳ triều đại trước triều đại nhà Tùy.
Khi Tân Công Nghĩa đến Mân Châu, ông rất đau lòng khi biết phong tục này, lương tâm, tình cảm và lòng chung thuỷ dường như biến mất, các nguyên tắc đạo đức trong quan hệ giữa con người, lòng hiếu thảo đã nhường chỗ cho mong muốn tự bảo vệ bản thân. Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo đã chết vì không được chăm sóc.
Tân Công Nghĩa quyết định cử thuộc hạ đi kiểm tra các quận khác nhau của Mân Châu và xác thực thấy có rất nhiều trường hợp người bệnh bị bỏ rơi. Ông đã ra lệnh mang họ đến phủ của mình, và ông bố trí nơi ở và chăm sóc cho họ.
“Sống và chết đã được số phận an bài”
Khi mùa hè đến, một trận dịch bùng phát và hàng trăm người bị mắc bệnh. Tân Công Nghĩa đã bố trí đầy sảnh chính và hành lang trong phủ bằng những chiếc giường bệnh. Ông kê một chiếc ghế dài làm giường cho mình, và giải quyết các công việc ở ngay đây, giữa những người đang mắc bệnh dịch hạch.
Tân Công Nghĩa đã dùng lương bổng của mình để mua thuốc và thuê thầy thuốc đến điều trị cho bệnh nhân, đồng thời ông cũng tự tay chăm sóc người dân bị bệnh.
Dần dần, tất cả đã bình phục và Tân Công Nghĩa triệu tập các gia đình tới để đưa người thân về nhà. Ông cũng chân thành nói chuyện với họ về phong tục của họ. Ông nói rằng:
“Sống và chết đã được an bài bởi số phận, tiếp xúc với người bệnh cũng không hẳn khiến mọi người gặp nguy hiểm. Trước kia, thân nhân trong gia đình đã bỏ rơi người thân bị bệnh, và nhiều người đã chết trong hoàn cảnh đó. Lần này, mọi người thấy đó, tôi đã mang tất cả những người bệnh đến đây ở với tôi, tôi đã ở bên họ cả ngày lẫn đêm. Vậy mà tôi không bị bệnh, vẫn khỏe mạnh bình an vô sự, chưa kể người bệnh cũng đều bình phục.”
Ông khuyên mọi người: “Mọi người đừng bỏ rơi người bệnh như thế nữa. Hãy để hủ tục này trở thành quá khứ.”
Các thành viên gia đình người bệnh đều cảm thấy hổ thẹn hối hận khi nghe những lời nói của Tân Công Nghĩa. Họ cảm ơn ông và ghi nhớ lời ông nói. Sau khi bệnh dịch qua đi, người dân ở Mân Châu đã bãi bỏ hủ tục của họ và bắt đầu chăm sóc lẫn nhau bằng lòng nhân từ, hiếu thuận và chung thuỷ.
Câu chuyện của Tân Công Nghĩa được tóm lược trong sách y học “Songfeng Shouyi”hay “Songfeng về dịch bệnh” do Lưu Khuê viết, một lương y nổi tiếng triều đại nhà Thanh người đã dùng Songfeng làm bí danh.
Lưu Khuê cũng bày tỏ sự tôn kính đối với Tân Công Nghĩa trong cuốn sách của ông, nói rằng: “Lý do khiến Tân Công Nghĩa không bị nhiễm bệnh trong đại dịch là bởi ông là người ngay thẳng, chính trực, nhân từ. Và đó là phần thưởng do nhân quả của ông. Tất cả các vị quan trên đời đều nên lấy ông làm gương”.
Cindy Chan
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: