Cha trong ký ức của tôi
Cha nói với tôi rằng: “Cuộc sống gặp gian khó, chẳng có gì phải hổ thẹn. Ai chẳng gian khó, ai lớn lên được dễ dàng? Trái tim phải rộng lớn, sáng ngời, người như vậy mới có thể nắm giữ được hạnh phúc”.
Thượng Hải là nơi tôi sinh ra, trước khi tôi 10 tuổi, tôi chưa bao giờ đến các thành phố khác, tất cả tình yêu mơ hồ của tôi đối với thế giới và quê hương đều được đặt ở nơi đây.
Kỳ thực, Thượng Hải không phải quê hương của tôi. Mẹ tôi là người Thượng Hải và nói tiếng thuần Thượng Hải, còn cha tôi là người miền Bắc, sau khi quen mẹ tôi, ông quyết định ở lại và đăng ký hộ tịch tại Thượng Hải.
Với tư cách là chủ gia đình, nếp sống xứ người của cha không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong nhà, vì mẹ tôi gần như là chủ trì trong gia đình. Trong nhà thì tủ lớn, tủ ngăn kéo, bàn trà, đồng hồ để bàn hay bộ bát đĩa… đều được mua theo sở thích của mẹ. Rèm cửa sổ và rèm cửa trong phòng ngủ cũng đều là rèm hoa đơn sắc, thể hiện phong cách và gu thẩm mỹ phương Tây, thoạt nhìn là biết phong cách của Thượng Hải.
Tuy vậy, cha tôi mới là người có ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Ngoài việc dạy tôi đọc sách và đối nhân xử thế, tính cách bao dung và cởi mở của người dân miền Bắc, cũng như sự mạnh mẽ và nỗi buồn phảng phất của người xa xứ ẩn giấu trong con người cha tôi, đã khiến tôi mặc dù sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng vẫn có thể thoát ra khỏi những gông cùm của văn hóa thành thị để nhìn thấy sự đa dạng muôn màu của nhân sinh.
Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, đi theo cha đến thăm bác gái ở chân núi Nghi Mông, cha nói với tôi rằng: “Làm người, tâm nhất định phải rộng lớn, đừng chỉ nhìn những chông gai trong cuộc sống từ chỗ thấp, mà hãy mở rộng tầm mắt, như thế mới có thể chứa được hạnh phúc và yên bình”.
Tôi nghe nói bác gái tôi khi còn trẻ thì thân hình thanh mảnh, mắt trong như nước suối, làm việc gì cũng nhanh nhẹn. Bà tôi mất khi cha tôi còn thơ ấu, ông tôi lập nghiệp ở vùng Đông Bắc, thế là bác gái tôi từ năm 7-8 tuổi đã phải dốc lòng chăm sóc đứa em trai thiếu tình mẫu tử – đó chính là cha tôi.
Khi cha tôi khoảng 17-18 tuổi, ông quyết định nhập ngũ. Bác gái tôi không muốn em trai mình phải chịu khổ, thế là thương khóc suốt mấy ngày, nhưng vẫn không nào thể ngăn cản cha tôi. Mấy năm sau, bác gái tôi lấy chồng, sinh được một người con nhưng lại bị bệnh, gia cảnh éo le. Một người phụ nữ mạnh mẽ như bác gái tôi bấy giờ cũng trở nên suy sụp, tâm tình luôn cảm thấy oan ức, cả ngày đau buồn ủy khuất.
Cha tôi rất quan tâm đến chị gái, vì vậy thường xuyên gửi thuốc đến cho bác. Khi đến thăm bác, cha tôi thường dẫn tôi leo núi cùng, đi qua rất nhiều con đường quanh co trên núi, ngắm nhìn những cây cổ thụ cao lớn, dây leo quấn quanh. Leo lên một ngọn núi cao rồi phóng tầm mắt ra xa nhìn xuống ngôi làng, khung cảnh lúc đó rộng lớn và đẹp đẽ lạ thường.
Cha bảo tôi rằng, con người cần đi cao nhìn xa, đừng chỉ nhìn những chông gai trong cuộc sống từ chỗ thấp, mà hãy mở rộng tầm mắt. Ông nói: “Cuộc sống gặp gian khó, chẳng có gì phải hổ thẹn. Ai chẳng gian khó, ai lớn lên được dễ dàng? Trái tim phải rộng lớn, sáng ngời, người như vậy mới có thể nắm giữ được hạnh phúc”.
Ban đêm trò chuyện bên bếp lửa, cha tôi và bác gái hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ với sự hồn nhiên, trong sáng. Khi còn nhỏ, bác gái tôi vốn là người hoạt bát vui vẻ, ham chơi, thích đóng giả trộm cướp để đuổi bắt bạn bè. Cha và bác gái tôi đều nhớ rõ những ký ức này, nhưng người bác vốn dĩ trong sáng, hồn nhiên của tôi đã dần đánh mất đi bản tính vui vẻ ấy!
Cha nói với tôi, “Ba muốn quay trở lại thời thơ ấu và tìm lại người bác gái hay tươi cười của con”.
Ngày chúng tôi rời quê, bác tôi ra tiễn,bác vẫn buồn bã, lặng im, giống như con bọ núp dưới chiếc vỏ cứng của nó vậy. Một năm sau khi chúng tôi chia tay, bác gái tôi mắc bệnh nặng và qua đời. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn nhớ về bác với tình yêu sâu sắc.
Mấy chục năm sau, khi tôi viết bài “Người cha với trái tim bằng đá của tôi”, cha tôi cũng đã qua đời. Nhưng trong giấc mơ của tôi, thần thái của ông vẫn thật đáng quý, ông vẫn là một người cha khổng lồ của tôi với đôi bàn tay thô ráp nhưng cảm xúc lại vô cùng tinh tế.
(Trích từ “Người cha với trái tim bằng đá của tôi” (Lời tựa) / Công ty xuất bản Liên Kinh).
Tác giả: Tần Văn Quân