Cha mẹ thường nghĩ con mình nhạy cảm, nhưng có thật vậy không?
Khi chúng ta coi con mình là nhạy cảm, điều đó có nghĩa là gì? Rất nhiều người trong chúng ta sử dụng từ “nhạy cảm” để mô tả một đứa trẻ mà phản ứng cảm xúc của chúng mạnh mẽ hơn bình thường. Đáng buồn là, cách gọi này có thể gây khó khăn cho việc thấu hiểu sự thật tại sao những đứa trẻ lại có cảm xúc như vậy.
Một vài bậc cha mẹ coi con mình nhạy cảm nên thường đối xử với chúng như thể chúng thật mong manh và không có sức kiên cường. Tuy nhiên, hành động đó sẽ khiến đứa trẻ tin rằng chúng thật sự là như vậy. Khi chúng ta hiểu vai trò và ý nghĩa của những phản ứng cảm xúc đó, chúng ta có thể giúp chúng kiên cường hơn mà không cần chỉ trích chúng.
Sau khi dành nhiều năm qua để thiết kế chương trình cho những đứa trẻ bị rối loạn cảm xúc, tôi đã học được rằng một đứa trẻ (hay người lớn) nhận thức một trải nghiệm là nhân tố quan trọng trong việc xác định phản ứng cảm xúc của họ.
Nếu hai đứa trẻ được bảo rằng chúng không được phép chơi điện tử trong bữa tối, một đứa sẽ nghĩ rằng vì cha mẹ không yêu thương nên sẽ trừng phạt nó. Đứa trẻ còn lại sẽ nghĩ rằng đây chỉ là quy định trong gia đình và nó không liên quan gì đến việc cha mẹ chối bỏ nó. Rõ ràng là đứa trẻ đầu tiên có cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ và đứa trẻ thứ hai thì không. Sự khác biệt ở đây không phải vì một đứa trẻ mong manh dễ vỡ hơn, mà là nằm ở cách chúng diễn giải hành động của cha mẹ.
Khi chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta nói không phải lúc nào cũng là những gì người khác hiểu, giao tiếp trở nên dễ dàng hơn. Đứa trẻ đầu tiên nhận thấy sự chối bỏ mạnh mẽ từ cha mẹ và cảm xúc của cậu bé diễn ra theo suy nghĩ của cậu ấy. Cha mẹ không nên phủ định cảm xúc của con bằng cách nói con không nên buồn. Thay vào đó, cha mẹ hãy hỏi về ý nghĩa của phản ứng đó và giải thích rõ cho cậu bé. Cuộc hội thoại có thể diễn ra như thế này:
Cha mẹ: “Con hãy dừng chơi điện tử cho đến khi xong bữa tối nhé.”
Đứa trẻ: “Không! Cha mẹ chẳng bao giờ để con chơi cả (khóc).”
Cha mẹ: “Có phải con nghĩ rằng cha mẹ không quan tâm tới việc con có vui hay không?”
Đứa trẻ: “Dĩ nhiên là cha mẹ chẳng quan tâm rồi, nếu không cha mẹ sẽ để con chơi.”
Cha mẹ: “Cha mẹ thực sự muốn con hiểu rằng việc con vui vẻ rất quan trọng với cha mẹ. Nhưng lý do cha mẹ không cho con chơi điện tử là vì cha mẹ muốn chúng ta tận hưởng bữa tối cùng nhau và cảm nhận được sự gắn kết. Cha mẹ không chắc đã nói rõ ràng được điều mình suy nghĩ chưa, vì vậy hãy cho cha mẹ biết con hiểu gì từ những lời cha mẹ nói nhé.”
Đứa trẻ: “Cha mẹ muốn chúng ta cảm thấy gắn kết.”
Cha mẹ: “Đúng vậy, và cha mẹ cũng phải nói rằng việc con cảm thấy vui rất quan trọng với cha mẹ.”
Đứa trẻ: “Vâng. Con đã hiểu rồi.”
Bằng cách hỏi rõ những suy nghĩ của trẻ, bạn có thể giúp trẻ đối diện với cảm xúc tốt hơn mà không gạt bỏ hay phủ định phản ứng của chúng.
Tim Desmond là một nhà trị liệu tâm lý tư nhân ở Oakland, California và là giám đốc của chương trình trị liệu sức khỏe tinh thần cho trẻ em. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên trang NaturalPapa.com.
Do Tim Desmond thực hiện
Thiên An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: