Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời con trẻ
Một nhà văn đã từng diễn thuyết: Là cha mẹ, thành tựu lớn nhất là nuôi dạy được những đứa trẻ hòa nhập vào thế giới.
Một cuộc khảo sát đã được thực hiện trên Internet như sau: Nếu ông bố nào không thể chăm sóc con nhỏ với thời gian 12 giờ trong một tuần thì sẽ bị tước danh hiệu làm cha, bạn có ủng hộ quan điểm này không?
Kết quả khảo sát cho thấy: Tỷ lệ ủng hộ đạt đến 79%, nhận được nhiều phiếu đồng ý vượt trên cả phiếu phản đối. Nhưng khi ban tổ chức chương trình phỏng vấn một số đứa trẻ, trong đó có câu trả lời của 3 em đã gây bất ngờ rằng: Không đồng ý, không ủng hộ. Và lý do là:
Bởi vì ông ấy là bố của cháu;
Bố cháu mãi mãi là người bố tốt nhất;
Bố cháu làm việc cả tuần vất vả, thật khó khăn.
Trước lời này của con trẻ, ông bố hạnh phúc ấy đã xúc động chia sẻ: Vốn nghĩ rằng tất cả các đứa trẻ đều sẽ nói đồng ý, nhưng không ngờ lại nhận được câu trả lời thẳng thắn đầy chân thành như thế này của con mình. Bản thân làm bố cũng không nghĩ tới điều này, vì bình thường có khá ít thời gian chăm con; vậy mà trong tâm con mình vẫn cảm kích và đưa ra nhận xét ấm áp như vậy.
Jenny Elim, tác giả chuyên về chăm sóc và giáo dục trẻ em Hoa Kỳ từng nói:
Không sợ trẻ nhỏ có thiếu sót, mà điều đáng sợ nhất là sự thiếu đúng đắn trong phương pháp dạy dỗ và quan niệm giáo dục gia đình của các bậc cha mẹ.
Vì sinh lý và tâm lý của trẻ chưa đủ trưởng thành, nên hầu như tất cả các phản ứng với thế giới bên ngoài đều dựa trên phản ứng tự nhiên và bắt chước. Vì vậy cha mẹ cần kiên nhẫn dẫn dắt từng bước, đồng thời dạy con thế nào thì mình làm gương thế ấy. Đây chính là hành trang quý giá nhất trên con đường trưởng thành cho con trẻ.
Đối với trẻ con thì nên nhẫn nại nhiều hơn và ít trách mắng hơn, thấu hiểu và lắng nghe, dẫn dắt và khích lệ nhiều hơn. Hãy để trẻ con có cơ hội cùng tham gia những hoạt động gia đình, bồi dưỡng tâm hồn trẻ để trẻ hiểu được thế nào là tấm lòng chân thành và một trái tim biết ơn.
Dĩ nhiên có đầy đủ điều kiện vật chất cũng rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ, khi chúng ta rót vào tâm hồn trẻ sự chân thành và tình yêu thương, tương lai nhất định trẻ cũng hiểu được thế nào là trân quý bản thân và yêu cuộc sống, càng dễ dàng hiểu được sự tôn trọng, và cảm ơn sự phó xuất của người khác.
Cha mẹ yêu thương con cái của mình, đó chính là bản năng bẩm sinh. Thậm chí đại đa số các bậc cha mẹ ở Châu Á còn dành cả cuộc đời để sống vì con cái của mình. Vì để con cái được ăn no mặc ấm, họ đều không ngần ngại gánh lấy trách nhiệm và áp lực trên vai, sẵn sàng ôm đồm tất cả mọi chuyện, quả là một đời vì con vì cháu.
Nhưng, chúng ta cũng biết rằng, những kinh nghiệm do giáo dục không phù hợp thường lưu lại nhiều bài học đau đớn và sâu sắc.
Các chuyên gia chăm sóc và giáo dục trẻ em chia sẻ: Những năm đầu đời của trẻ nhỏ rất quan trọng, khi trẻ trước 6 tuổi, chúng ta cần dạy chúng những phép tắc trong hành xử, để chúng hiểu được điều gì có thể làm và điều gì không được phép làm.
Từ nhỏ đã có nề nếp, trẻ tự nhiên sẽ biết trân trọng bản thân và trân trọng những thành viên khác trong gia đình, sẽ không tự dưng làm tổn hại bản thân cũng chính là không bao giờ làm tổn hại người khác, dìu dắt và giáo dục trẻ theo cách phù hợp hiệu quả hơn nhiều so với việc để chúng lớn lên không nghe lời rồi mới áp dụng kỷ luật và la mắng.
Giáo sư Stephen Baskerville của Đại học Howard cho biết: Về cơ bản, mọi vấn đề xã hội quan trọng đều liên quan đến việc con cái thiếu cha. Bạo lực, tội phạm, nghiện ma túy, nghiện rượu, mang thai ở tuổi vị thành niên, tự tử, v.v. đều liên quan trực tiếp đến việc thiếu sự giáo dục từ người cha.
Chúng ta đều biết rằng, không gì có thể thay thế được vai trò của người cha trong gia đình. Sức ảnh hưởng của người cha trong quá trình trưởng thành của trẻ thực sự quan trọng nhiều hơn bạn nghĩ. Trẻ có tự tin hay không, có mạnh mẽ hay không, có phát triển đúng đắn hay không, hoàn toàn không thể thiếu vắng bóng dáng người cha. Về phương diện này thì tôi có một trải nghiệm thực tế:
Gia đình tôi khá đơn chiếc, vợ chồng sống riêng không có ông bà hay cô chú bác bên cạnh, công việc của chồng tôi lại thường đi công tác xa nhà. Khi ấy con trai tôi mới hơn 1 tuổi, chỉ mới chập chững biết đi.
Dẫu tôi cố gắng hết sức dạy dỗ con từ cả hai vai trò cha và mẹ để bù đắp sự vắng nhà thường xuyên của cha, dẫu tôi muốn cậu bé mạnh mẽ thế nào thì kết quả dường như ngược lại.
Bình thường thì cậu bé cũng vui chơi bình thường và cũng khá hòa đồng. Nhưng trong suốt một thời gian dài, hễ khi nào cậu đang đi dạo cùng tôi, chỉ cần thấy từ xa một bóng dáng cao lớn của bất cứ một người đàn ông nào, thì cậu bé lập tức dừng lại và nép sát vào chân tôi, mặt cũng giấu vào chân mẹ mà không dám bước tiếp. Dỗ kiểu nào cậu cũng không chịu đi cho đến khi bóng dáng người đàn ông kia khuất dần.
Rõ ràng là cậu bé mất tự tin và trở nên nhút nhát khi thiếu sự chăm sóc và dạy dỗ thường xuyên của cha. Thậm chí còn hình thành một “nỗi sợ vô hình”; điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính cách sau này của cậu, một trong những khiếm khuyết ấy là khả năng giao tiếp với người khác và cộng đồng.
Cao Nguyên