Cha mẹ có quyền lựa chọn cách giáo dục con cái mình
Quan điểm rằng cha mẹ tham gia vào cách giáo dục con cái có thể ngăn cản chúng phát triển tốt nhất không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, nó cũng có thể sai.
Điểm cốt lõi của các cuộc tranh luận xung quanh quyền tự do giáo dục và lựa chọn trường học là một quan điểm tế nhị nhưng ác ý, khi họ không tin tưởng các bậc phụ huynh. Họ quá bận, quá nghèo hoặc quá thiếu hiểu biết để đưa ra quyết định đúng đắn cho con họ, và những người khác biết cách nuôi dạy và giáo dục trẻ tốt hơn. Đừng quên rằng cha mẹ đã chăm sóc và giáo dục con cái thành công trong hàng nghìn năm qua, để bảo đảm cho sự tồn tại liên tục và thành công tiếp diễn của loài người chúng ta.
Cha mẹ thiếu tin cậy
Như nhà kinh tế học Richard Ebeling viết trong phần giới thiệu cuốn sách “Tách bạch Trường học & Nhà nước” (Separating School & State) của Sheldon Richman:
“Cha mẹ đã được xem – và vẫn được xem – là một ảnh hưởng mang tính lạc hậu và có hại trong những năm hình thành quá trình nuôi dạy trẻ em, một sức ảnh hưởng phải được sửa chữa và thay thế bằng một giáo viên ‘khai sáng’ chuyên nghiệp, được đào tạo, bổ nhiệm, và được tài trợ bởi nhà nước.”
Chúng tôi nhận thấy sự thiếu tin cậy đối với các bậc cha mẹ thể hiện trong một số lĩnh vực chính sách, bao gồm gần đây nhất là việc triển khai chương trình phổ cập mầm non của chính phủ cho trẻ bốn tuổi (và đang tăng lên cho trẻ ba tuổi) ở các thành phố như New York và Hoa Thịnh Đốn, và trong các báo cáo học thuật tranh luận về các can thiệp của chính phủ có tựa đề “Từ trong nôi cho đến mẫu giáo”. Những nỗ lực này được đóng khung là để giúp đỡ cha mẹ, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời giải quyết bất bình đẳng và chênh lệch thành tích. Nhưng thông điệp rất rõ ràng: các bậc cha mẹ, và đặc biệt là những bậc cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn, không thể được mong đợi sẽ nuôi dạy con cái của họ một cách hiệu quả và đạt được trình độ học vấn chúng nên có nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ.
Một số nhà nghiên cứu nói thẳng ra điều này. Trong một bài báo đăng trên tờ The Washington Post về cáo buộc học sinh thất học trong mùa hè, Kelly Chandler-Olcott gợi ý rằng để khắc phục vấn đề, chúng ta cần ngừng trông mong cha mẹ nuôi dưỡng con cái của họ trong những tháng hè và thay vào đó hãy dựa vào các chuyên gia để làm điều đó. Cô viết:
“Một vấn đề nữa là giả định rằng các gia đình, không phải các nhà giáo dục, nên thúc đẩy việc học trong các lĩnh vực chuyên biệt như toán học, đọc hiểu và khoa học. Mặc dù các gia đình thuộc mọi tầng lớp đều khuyến khích các loại hình học tập khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều thiếu sự chuẩn bị để hướng dẫn các môn học và nghĩa vụ làm cha mẹ của họ cũng không kết thúc chỉ bởi vì trường học cố giành lấy con cái họ.”
Bạn nhớ rằng đây là mùa hè và cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc con cái của mình. Rõ ràng bây giờ cuộc khủng hoảng học tập đang rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em có thu nhập thấp, và “nghĩa vụ làm cha mẹ” của các bậc phụ huynh là rất lớn, đến mức chúng ta nên giao cho người khác giáo dục trong những tháng hè, mà rõ ràng là hành động này dường như không hiệu quả trong cả năm học. Như tôi đã viết tại NPR, chúng ta cần tự hỏi bản thân: nếu trẻ em có thể nhanh chóng quên đi những gì chúng đã học suốt cả năm học trong mùa hè, vậy chúng đã bao giờ thực sự học nó chưa? Và nếu “hầu hết các bậc cha mẹ đều thiếu sự chuẩn bị để hướng dẫn các môn học”, thì điều đó nói lên điều gì về sự giáo dục mà cha mẹ nhận được thông qua các trường công?
‘Sức mạnh trường tồn’ của tình mẫu tử
Quan điểm rằng cha mẹ tham gia vào giáo dục con cái có thể ngăn cản chúng phát triển tốt nhất không phải là điều gì mới mẻ. Khi thiết kế kiến trúc cho các trường học đại trà bắt buộc vào thế kỷ 19, Horace Mann tranh luận rằng giáo dục quá quan trọng để có thể để cho phụ huynh tự do quyết định. Ông giải thích rằng mối gắn kết mật thiết với cha mẹ là trở ngại cho sự phát triển của trẻ em và xã hội, ông viết trong bài giảng thứ tư của mình về giáo dục vào năm 1840:
“Thiên nhiên mang đến một sức mạnh trường tồn, không mệt mỏi, không cạn kiệt, tái xuất hiện bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào mối quan hệ cha mẹ tồn tại. Vì vậy, chúng tôi, những người tham gia vào sự nghiệp giáo dục thiêng liêng, được quyền coi tất cả các bậc cha mẹ như đã trao con tin của họ cho sự nghiệp của chúng tôi.”
Mann tiếp tục nói rằng “chỉ cần chúng ta có thể làm cho các bậc cha mẹ thấy được mối quan hệ thực sự giữa cha mẹ và con cái đối với sự nghiệp này, cha mẹ sẽ trở thành những người ủng hộ cho sự tiến bộ đó,” ủng hộ sự thay đổi hoàn toàn quyền kiểm soát giáo dục từ gia đình sang nhà nước. Đó là điều tốt cho tất cả, Mann nói — ngoại trừ những bậc cha mẹ như anh ấy, đã tự giáo dục con mình tại nhà trong khi bắt buộc người khác phải cho con đi học.
Giải pháp là các bậc cha mẹ phải đẩy lùi sự kiểm soát đang leo thang của chính phủ đối với việc giáo dục và nuôi dạy con cái. Đừng mủi lòng bởi bài hát êm tai về sự đồng cảm giả tạo cho gánh nặng công việc và gia đình bạn. Đừng tin tưởng sai lầm rằng bạn không có khả năng chăm sóc con cái và hãy xác định cách thức, địa điểm và người mà con bạn nên được giáo dục. Đừng để bản năng làm cha mẹ “vô tận” của bạn bị suy yếu bởi những người bảo hộ của chính phủ, những người nghĩ rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho con bạn. Hãy yêu cầu tự do và lựa chọn.
Cha mẹ có quyền lực. Họ không hoàn hảo và họ thất bại, nhưng họ hoàn hảo hơn và thất bại ít hơn nhiều so với các nhân viên nhà nước và bộ máy quan liêu của chính phủ đang say sưa với quyền lực và tự ngã. Họ nên quay lại kiểm soát việc học của con mình bằng cách ủng hộ sự lựa chọn của các bậc cha mẹ và chống lại những nỗ lực làm suy giảm thiên tính của họ trong việc chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của con cái mình.
Hãy đặt niềm tin vào “sức mạnh trường tồn” của tình mẫu tử, ngay cả khi — hoặc có lẽ đặc biệt là khi — người khác không tin tưởng vào điều đó.
Kerry McDonald là một thành viên giáo dục cao cấp tại FEE và là tác giả của cuốn sách “Không đi học: Nuôi dạy những đứa trẻ tò mò được giáo dục tốt bên ngoài lớp học thông thường” (Chicago Review Press, 2019). Bài báo này ban đầu được xuất bản trên FEE.org.
Kerry McDonald
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: